Gãy xương bao lâu thì đi lại được?

(VOH) - Gãy xương là một tai nạn thường gặp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và vận động đi lại. Vậy nếu bị gãy xương thì bao lâu có thể đi lại được?

Thắc mắc của thính giả:

Tôi năm nay 64 tuổi, cách đây nửa tháng tôi bị té và gãy xương. Tôi bị gãy xương ở ống quyển, gãy nhiều mảnh và bác sĩ đã bắt ốc cho tôi. Bên cạnh đó, bác sĩ còn nói tôi bị loãng xương. Tôi muốn hỏi bác sĩ với tình trạng này thì bao lâu tôi có thể đi lại được?

Gãy xương bao lâu thì đi lại được?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, gãy xương ống quyển tức là gãy xương cẳng chân. Thông thường, khi bị gãy xương, người bệnh sẽ được điều trị bằng cách băng bột bất động. Và thời gian trung bình để đi lại bình thường là khoảng 3 tháng. 

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa của mỗi người, tình trạng gãy xương như thế nào, quá trình tạo can xương tốt hay xấu mà thời gian hồi phục có thể khác nhau. Nếu bị gãy xương kèm theo tình trạng loãng xương thì có thể thời gian hồi phục sẽ lâu hơn những người bình thường.

voh.com.vn-gay-xuong-bao-lau-thi-di-lai-duoc

Gãy xương bao lâu thì lành? (Nguồn: Internet)

Điều quan trọng nhất là sau khi bị gãy xương, người bệnh cần được điều trị kịp thời, được bắt ốc, băng bột bất động đúng cách để giúp tạo can xương tốt. Bên cạnh đó, nếu bị gãy xương trong giai đoạn bị loãng xương thì người bệnh cần chú ý:

  • Sử dụng thuốc (thuốc lành xương và thuốc điều trị loãng xương) theo chỉ định của bác sĩ.
  • Bổ sung thêm canxi từ thuốc hoặc từ những thực phẩm giàu canxi.
  • Thực hiện các bài tập luyện phù hợp vào mỗi sáng.
  • Phơi nắng sáng (từ 7h – 9h) để cơ thể hấp thu vitamin D, góp phần tạo điều kiện hấp thu canxi trong thuốc và thức ăn được tốt hơn.

Nếu tuân thủ đúng những chỉ định của bác sĩ, đồng thời thực hiện tốt những điều trên đây thì quá trình liền xương sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận