Tất cả những điều đó đều không tốt cho sức khỏe của bé, hình thành thói quen khó thay đổi sau tết.
Duy trì các bữa ăn cho trẻ như ngày thường
Giữ cho thời gian biểu của trẻ đều đặn: cho trẻ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, đảm bảo trẻ ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, thời gian các bữa ăn không bị chênh lệch so với ngày thường, không để trẻ mất bữa.
Dù bận rộn với lịch trình du xuân, thăm hỏi dịp tết thì ba mẹ cũng cố gắng chuẩn bị cho con một bữa sáng đơn giản nhưng đủ chất và kèm với một ly sữa.
Không cho con ăn đồ ngọt, thức ăn vặt trước bữa chính sẽ làm con ăn không ngon miệng. Hạn chế thức uống có gas với trẻ. Cho bé uống nhiều nước lọc. Thiếu nước có thể khiến trẻ mệt mỏi, uể oải. Nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây, sữa...

Hạn chế bánh kẹo, mứt
Bánh kẹo, mứt là thực phẩm thường thấy mỗi khi Tết đến Xuân về, và đây cũng là thực phẩm mà đứa trẻ nào cũng yêu thích. Nhưng trong bánh kẹo mứt ngày Tết chủ yếu là tinh bột, đường. Trẻ ăn nhiều gây nhanh no, lại giảm ăn các thực phẩm khác dẫn đến thiếu chất đạm, chất xơ, thiếu vitamin và khoáng chất.
Nếu trẻ đang biếng ăn – suy dinh dưỡng: việc ăn lặt vặt mứt, bánh kẹo, uống nước ngọt … trước bữa ăn chính làm cho bé vốn biếng ăn lại biếng ăn hơn, bú ít hơn. Hậu quả là trẻ nhanh chóng sụt cân, và tuột dốc sau Tết.
Cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt sẽ khiến trẻ bị sâu răng, tăng lượng đường trong máu, rối loạn tiêu hóa. Nhớ cho trẻ uống nước lọc hoặc vệ sinh răng miệng sau khi ăn kẹo để tránh tình trạng sâu răng.
Với trẻ dưới 3 tuổi, chưa thể tự ăn một số loại kẹo, hạt... cha mẹ cần chú ý tránh để trẻ tự lấy ăn.
Trẻ không nên ăn thức ăn tái, sống, hạn chế thức ăn cũ
Không nên cho trẻ ăn đồ tái, sống vào dịp Tết vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoạt động khỏe nên dễ dẫn đến bệnh tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Tốt nhất là nên cho bé ăn đồ đã được nấu chín để bé được khỏe mạnh, an toàn. Cũng không nên cho trẻ ăn đồ ăn đã cũ, hâm nóng nhiều lần.
Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng.
Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ.
Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn
Lạp xưởng, xúc xích... nếu lạm dụng không tốt cho sức khỏe bởi những thực phẩm này cung cấp năng lượng rỗng, ít vitamin, chất xơ và khoáng chất.
Khi trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, trẻ có thể bị dị ứng hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, ung thư, béo phì, rối loạn chức năng của cơ thể.