Header-01
Đăng nhập

Tết ăn gì cho lành, cho khỏe

VOH - Ngày Tết, nhà nhà đều đầy đủ các món ăn truyền thống đến món ăn vặt. Bên cạnh việc thưởng thức những món ăn mà Tết mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị, chúng ta cũng cần quan tâm đến sức khỏe.

Bổ sung rau xanh, trái cây

Rau xanh và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. 

Rau xanh là nhóm thực phẩm tương đối ít calo, giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Nhu cầu chất xơ và vitamin mỗi ngày tương đương với 300g rau xanh và bổ sung thêm cả trái cây. Riêng người sống với bệnh đái tháo đường cần chọn trái cây có nhiều chất xơ, không quá ngọt và số lượng sử dụng tùy theo nhu cầu năng lượng của mình.

mam com ngay tetXem toàn màn hình
Mâm cơm ngày tết với nhiều món ăn truyền thống. Cần cân đối lượng thực phẩm trong từng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe - Ảnh minh họa

Ăn đúng cách

Tết thường lịch trình sinh hoạt các gia đình đều thay đổi, những bữa tối đoàn tụ sum vầy khiến nhiều người thức dậy muộn hơn vào ngày hôm sau, dễ dẫn đến bỏ bữa sáng vì đã gần đến bữa trưa.

Nhiều người ăn không đúng giờ,bỏ bữa, để quá đói, ăn vội, ăn qua loa hoặc ăn bù...

Khi ăn không đúng giờ, ăn lúa chưa đói, ăn bù… thì tiêu hóa sẽ khó khăn, không có cảm giác ngon miệng, thức ăn lưu cữu trong dạ dày lâu gây đầy hơi, chướng bụng và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây rối loạn tiêu hóa.

Hãy cố gắng duy trì các bữa ăn vào thời gian như ngày thường.

Cách ăn cũng rất quan trọng, nhai, nuốt kỹ sẽ giúp dạ dày cảm nhận và ra tín hiệu là đã no chính xác hơn so với việc ăn nhanh, ăn vội.

Trong từng bữa ăn, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn.

Với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.

Ăn ít đồ ngọt, chất béo

Việc sử dụng nhiều thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt...không có lợi cho sức khỏe, nguy cơ tăng cân ở người thừa cân béo phì, tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường...

Trẻ em ăn nhiều bánh kẹo ngọt khiến một số trẻ dễ thừa cân béo phì, một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, một số trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể gây xuống ký, suy dinh dưỡng sau Tết.

Với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món cung cấp năng lượng rất lớn, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể. 

Hạn chế  thực phẩm nhiều dầu mỡ, ngọt, nhiều muối, chiên rán có thể giúp cơ thể duy trì lượng calo mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

Tăng cường nước nhưng uống ít nước có gas, thức uống có cồn

Uống nhiều nước sẽ thải ra nhiều chất độc hơn. Đây là cách đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ cần khoảng hơn 300ml nước là có thể no mà nó không hề có chứa calo, thay nước trái cây, soda hoặc đồ uống có cồn bằng nước tinh lọc.

Thêm vài lát dưa chuột hoặc lá bạc hà để tăng thêm hương vị khi uống.

Hạn chế bia rượu, nước ngọt, tiêu thụ càng ít càng tốt. 

Trong việc bảo quản thực phẩm nên đặc biệt chú ý đến các thực phẩm ăn lạnh, ăn liền như: Giò, chả, món thịt chân giò muối…  không để quá lâu, không để đến mức bị ôi thiu. Khi cất thực phẩm trong tủ lạnh cần bảo quản một cách riêng biệt để tránh ôi nhiễm từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

     Người gia đình có thói quen vào ngày Tết thường chế biến và dự trữ thực phẩm để ăn trong nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, lên mốc. Vì vậy, không cần thiết mua, dự trữ và nấu quá nhiều thức ăn chế biến sẵn trong ngày tết nếu điều kiện bảo quản không thật tốt, an toàn.

Bình luận