Quản trị stress trong sức khỏe doanh nghiệp

(VOH) - Tại môi trường làm việc, stress diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, càng giữ chức vụ, vị trí quan trọng thì càng dễ bị stress.

Giám đốc, quản lý, trưởng phòng… bị stress vì các quyết định, chiến lược, kế hoạch, doanh thu… Cấp nhân viên thì stress vì dự án, deadline, ý tưởng, các mối quan hệ đồng nghiệp… Thế nhưng, dù có stress đến đâu thì lãnh đạo cũng không thể từ bỏ doanh nghiệp và nhân viên cũng không thể từ bỏ việc làm. Vì thế, mỗi khi bị stress hầu như mọi người đều âm thầm chịu đựng hoặc để tự “trôi” qua. Nhưng thực tế, sự ức chế âm ỉ tồn tại chờ ngày bùng phát.

Đó là nội dung tại Talk show với chủ đề “CORPORATE WELLNESS & STRESS MANAGEMENT” nằm trong chuỗi hoạt động của Vietnam Health Award – Giải thưởng Sức Khỏe Việt Nam tổ chức giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia tư vấn tại talkshow

Chế độ sống khỏe tại doanh nghiệp hội tụ 8 yếu tố

Khi một doanh nghiệp quan tâm đến chế độ sức khỏe, cải thiện tinh thần của nhân viên thì uy tín của doanh nghiệp đó sẽ được nâng cao đồng thời tăng cường khả năng thu hút nhiều nhân viên chủ chốt. Quan tâm sức khỏe trong môi trường làm việc là yếu tố giữ chân nhân tài, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, chế độ sống khỏe tại doanh nghiệp (Corporate Wellness) phải hội tụ 8 yếu tố: cảm xúc tinh thần, môi trường làm việc, tài chính, trình độ chuyên sâu, chức vụ, nền tảng thể chất, mối quan hệ xã hội và tâm hồn. Tuy nhiên, hầu hết nhiều nhà lãnh đạo, nhân viên của các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng “Stress”, điều đó chứng tỏ các tổ chức vẫn chưa có phương pháp xây dựng chế độ sống khỏe tại môi trường làm việc một cách hiệu quả.

Quang cảnh buổi talkshow về quản trị stress trong doanh nghiệp

Nhắc đến stress tức là nhắc về những áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, không thể kiểmsoát cảm xúc.... Stress được hiểu là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tiêu cực đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, vào năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Trong số này có đến 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng.

Quản lý sự căng thẳng bằng phương pháp trị liệu

Mức độ stress có thể được đo lường một cách dễ dàng nhưng điều trị stress không hề đơn giản. Để tránh những ảnh hưởng đáng tiếc mà stress mang đến tại môi trường làm việc, các cấp lãnh đạo cần tìm hiểu nguyên nhân của stress để có những phương pháp quản lý sự căng thẳng (Stress management) thích hợp, giúp bản thân và nhân viên luôn giữ được tinh thần bình an – hạnh phúc và thăng hoa trong công việc.

“Quản lý sự căng thẳng” tạm dịch từ “Stress Management” là cụm từ nói về một số phương pháp trị liệu tâm lý nhằm kiểm soát mức độ căng thẳng của một người ở mức tiêu cực thấp nhất để cải thiện các chức năng duy trì cuộc sống tích cực mỗi ngày.

Nếu doanh nghiệp hiểu rõ về chế độ sống khỏe và cách quản lý sự căng thẳng trong môi trường làm việc thì sẽ nắm giữ được chìa khóa thành công.

Bình luận