Khám phá tác dụng của hoàng kỳ - vị thuốc quý không thua kém nhân sâm

(VOH) – Hoàng kỳ là một vị thuốc bổ lâu đời, tác dụng không thua kém nhân sâm. Vậy tác dụng của hoàng kỳ là gì và vị thuốc này được sử dụng như thế nào trong các bài thuốc chữa bệnh?

Hoàng kỳ (hay còn gọi là Bắc kỳ) có tên khoa học là Astragalus membranaceus Bge, là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu, sống lâu năm, cao 50 - 80cm, rễ cái dài và mọc sâu, rất khó bẻ, vỏ ngoài màu vàng đỏ hay nâu. Thân mọc thẳng đứng, trên có phân nhiều cành. Lá mọc so le, kép, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả giáp mỏng, dẹt, đầu dài ra thành hình gai nhọn, trên quả có lông ngắn, bên trong quả có 5 - 6 hạt màu đen hình thận

kham-pha-nhung-tac-dung-cua-hoang-ky-vi-thuoc-quy-khong-thua-kem-nhan-sam-voh

Hoàng kỳ là vị bổ thuốc lâu đời (Nguồn: Internet)

Hoàng kỳ là một vị thuốc bổ lâu đời, được xem là vị thuốc quý như nhân sâm. Trong quyển sách chuyên ngành dược vật học đầu tiên thời Đông Hán “Thần Nông bản thảo kinh” đã liệt kê hoàng kỳ là thượng phẩm.

1. Hoàng kỳ có tác dụng gì trong Đông y?

Hoàng kỳ vốn được xem là thuốc bổ khí từ xưa đến nay. Trong Đông y, hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn. Rễ phơi khô có tác dụng bổ khí, cố biểu, giải độc, sinh cơ và lợi niệu. Người xưa cho rằng tác dụng của hoàng kỳ chính là giúp giải độc, bồi bổ tỳ - vị, bổ nguyên khí, tăng cường chức năng tạng phủ, giảm chứng suy nhược cơ thể, trị lở loét, hoạt huyết.

Chính vì thế, hoàng kỳ là vị thuốc thông dụng dùng để bổ khí, được ví như “anh em sinh đôi” của nhân sâm tuy công dụng của mỗi vị có khác nhau. Nếu như nhân sâm có tác dụng chính là đại bổ nguyên khí, dưỡng âm cho toàn thể trạng, thì hoàng kỳ là vị thuốc giúp bổ khí thăng dương, có tác dụng chính trong việc bổ dưỡng cho người có cơ thể yếu ớt, người hay đau ốm, thiếu dương, sức khỏe dưới mức trung bình, mạch hay tế bào đều suy nhược, thiếu sức sống.

Thông thường trong các bài thuốc bổ thận, sinh tinh đều cần có các vị thuốc bổ khí như nhân sâm, hoàng kỳ.

1.1 Bài thuốc thập toàn đại bổ

Dược liệu gồm đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g, hoàng kỳ 10g, nhục quế 6g.

Bài thuốc có công dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, giúp thận khỏe - sinh tinh.

kham-pha-nhung-tac-dung-cua-hoang-ky-vi-thuoc-quy-khong-thua-kem-nhan-sam-1-voh

Hoàng kỳ được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y (Nguồn: Internet)

1.2 Bài thuốc quy tỳ thang

Dược liệu gồm có nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g,  phục thần 12g, toan táo nhân 12g, long nhãn nhục 8g, đương quy 8g, viễn chí 4g,  mộc hương 1,5g, cam thảo  1,5g, gừng tươi 3 lát, hồng táo 3 quả; sắc uống.

Quy tỳ thang có tác dụng chữa cho những người thuộc dạng bệnh: Tâm Tỳ lưỡng hư với các triệu chứng hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, lo nghĩ vẩn vơ, hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó, phụ nữ kinh nguyệt thất thường, nam giới bị chứng dương suy, xuất tinh sớm...

2. Công dụng của hoàng kỳ theo y học hiện đại

Theo các nghiên cứu y học hiện đại, hoàng kỳ chứa nhiều chất glucozit, glucose, sucrose, mucin, resin, acid amin, choline, acid folic, sitosterol, flavonoid, Fe, Mn, Zn nên công dụng của hoàng kỳ là làm tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, oxy hóa, bảo vệ tế bào, làm mạnh tim, gan, dạ dày, tử cung, ngừa ung thư.

Qua nhiều nghiên cứu lâm sàng và thực tiễn, người ta nhận thấy hoàng kỳ có tác dụng như:

2.1 Giảm protein niệu (đạm niệu)

Protein niệu có thể gây tổn thương thận và khiến bệnh lý thận trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng hoàng kỳ bạn có thể làm giảm mức độ protein niệu, từ đó làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính.

2.2 Giảm lipid máu

Một số chất trong hoàng kỳ có tác dụng cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid do tác động lên thụ thể tại gan.

2.3 Chống viêm và điều hòa miễn dịch tại thận

kham-pha-nhung-tac-dung-cua-hoang-ky-vi-thuoc-quy-khong-thua-kem-nhan-sam-2-voh

Trong y học hiện đại hoàng kỳ cũng chứa nhiều công dụng tuyệt vời (Nguồn: Internet)

Một trong những tác dụng của hoàng kỳ là giúp ức chế các cytokine gây viêm và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong các tế bào biểu mô.

2.4 Lợi tiểu

Hoàng kỳ có tác dụng cải thiện, cân bằng nước và natri, làm tăng lượng nước tiểu.

2.5 Kiểm soát huyết áp

Hoàng kỳ có tác dụng điều tiết huyết áp hai chiều. Khi dùng liều nhỏ gây tăng huyết áp, khi dùng liều lớn làm giảm huyết áp. Hoàng kỳ khi dùng hạ huyết áp, lượng dùng phải trên 30g/ngày.

2.6 Chống lại tổn thương do thiếu máu cục bộ

Hỗn hợp của hoàng kỳ và đương quy (30g/ngày/lần/3 tháng) đã được chứng minh bảo vệ thận chống lại tổn thương thiếu máu cục bộ và tăng phục hồi chức năng và mô học sau khi thận tổn thương do thiếu máu cục bộ.

2.7 Làm chậm quá trình xơ hóa thận

Hoàng kỳ và đương quy tác động trên biểu hiện TGF-1 - một chất điều chỉnh quan trọng ảnh hưởng đến sự tiến triển của xơ thận. Ngoài ra, khi sử dụng hoàng kỳ và hỗn hợp của hoàng kỳ với các loại thuốc khác như đương quy và xuyên khung sẽ rất tốt trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính, hạn chế kích hoạt viêm, điều hòa miễn dịch nội tại thận, giảm đạm niệu, tăng albumin huyết và giảm lipid máu, tăng độ lọc cầu thận.

2.8 Tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương thận

Nhiều nghiên cứu cho thấy dùng hoàng kỳ có thể làm cải thiện chức năng thận. Hoàng kỳ có thể duy trì mức độ ổn định của eGFR và trì hoãn việc bắt đầu điều trị thay thế thận ở những bệnh nhân thận mãn tính giai đoạn 4 tiến triển.

Lưu ý: Hoàng kỳ không nên dùng chung với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Ngoài ra, bạn có thể bị tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng đồng thời hoàng kỳ với thuốc chống đông máu, kháng tiểu cầu, hoặc thuốc chống huyết khối.

Bình luận