Khám phá tác dụng của rau muống - đâu chỉ là loại rau 'bổ máu'

(VOH) – Nếu như trước kia rau muống chỉ được biết đến là thực phẩm có thể chế biến ra nhiều món ăn, thì giờ đây tác dụng của rau muống đã được đánh giá cao hơn trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh.

Không phải là loại rau đặc sản riêng có của vùng miền nào mà gần như “từ Bắc chí Nam”, rau muống đều được canh trồng rất phổ biến, trở thành một thực phẩm cực kì dân dã và gần gũi với hầu hết các gia đình Việt.

1. Rau muống là gì?

Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk, thuộc họ Khoai Lang. Là loại thực vật nhiệt đới bán sinh, sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 30 độ C. Rau muống thường mọc ở ao, hồ, những nơi ẩm ướt, có thể bò lan trên mặt đất hoặc mặt nước.

Rau muống có hình trụ, có mắt, rỗng ruột. Lá màu xanh lục, hình đầu mũi tên, mọc ở mắt dây. Hoa rau muống có màu trắng hoặc tím nhạt, hình giống cái phễu. Quả nang tròn, chứa 4 hạt có lông màu hung.

kham-pha-tac-dung-cua-rau-muong-dau-chi-la-loai-rau-bo-mau-voh-0
Rau muống thường sinh trưởng ở những khu vực ẩm ướt (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, có 2 loại rau muống chính là rau muống trắng và rau muống tía. Rau muống trắng thường được trồng trên cạn, gieo trồng theo luống. Rau muống tía thường mọc hoang dưới nước, có thân đỏ nên còn được gọi là rau muống đồng, rau muống ruộng hay rau muống đỏ.

Bên cạnh đó, do nước ta có tính đa dạng khí hậu nên nếu như ở miền Nam, có thể thu hoạch rau muống quanh năm thì tại miền Bắc, rau muống đạt độ ngon giòn và cho sản lượng thu hoạch cao nhất vào giai đoạn từ mùa hè kéo dài tới đầu mùa thu.

2. Tác dụng của rau muống

Dựa trên nghiên cứu thành phần, các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy khá nhiều tác dụng của rau muống trong việc phòng và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Cụ thể:

2.1 Phòng chống thiếu máu

Không phải ngẫu nhiên mà rau muống được xếp vào nhóm rau xanh bổ máu, góp phần giảm thiểu tỉ lệ bị thiếu máu. Theo đó, hàm lượng vi chất sắt được tìm thấy trong loại rau này khá dồi dào, tương đương với hơn 20% nhu cầu hàng ngày của cơ thể, giúp duy trì quá trình sản sinh tế bào hồng cầu, đảm bảo hoạt động vận chuyển oxy tới các tế bào.

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.2 Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Rau muống là một trong những nguồn tự nhiên cung cấp đa dạng các vitamin nhóm B mà bạn không nên bỏ qua, điển hình như vitamin B9, vitamin B1, vitamin B2 hay vitamin B3. Đặc biệt những loại vitamin B này đều đảm nhiệm vai trò quan trọng giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh, có khả năng ức chế homocysteine, điều hòa huyết áp ổn định, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và tình trạng xơ vữa động mạch.

2.3 Tốt cho gan

Một số nghiên cứu đã và đang được tiến hành để chứng minh công dụng của dịch chiết từ rau muống với sức khỏe của lá gan. Các hoạt chất trong rau muống có đặc tính thanh nhiệt giải độc khá hiệu quả, từ đây có thể giảm áp lực lên hoạt động bài tiết của gan và hạn chế tỉ lệ mắc các bệnh lý liên quan đến gan.

kham-pha-tac-dung-cua-rau-muong-dau-chi-la-loai-rau-bo-mau-voh-1
Rau muống thanh mát, mọng nước giúp thanh nhiệt, giải độc, tốt cho gan (Nguồn: Internet)

2.4 Ngăn ngừa ung thư

Ăn rau muống với một liều lượng hợp lý là cách thức đơn giản để cơ thể bạn hấp thu thêm các nhóm chất chống oxy hóa tuyệt vời như vitamin C, beta-carotene hay cryptoxanthin. Chúng sẽ trực tiếp tham gia hình thành nên “vách ngăn” bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do, giúp bạn chủ động phòng chống những bệnh ung thư nguy hiểm.

2.5 Kích thích tiêu hóa

Rau muống giòn ngọt, mọng nước và đặc biệt rất giàu chất xơ nên là thực phẩm khá “thân thiện” với hệ tiêu hóa, nhất là với những đối tượng đang mắc chứng đầy bụng khó tiêu hay táo bón.  

Xem thêm: Áp dụng cách này, chứng táo bón sẽ tự ‘rời xa’ bạn ngay mà không cần phải ‘đuổi’

2.6 Hỗ trợ giảm cân

Nếu bạn đang lên kế hoạch ăn kiêng giảm cân, bạn có thể tham khảo bổ sung các món ăn từ rau muống vào thực đơn hàng ngày. Bởi theo phân tích dinh dưỡng, cùng với lượng chất xơ dồi dào thì hàm lượng calo của rau muống lại ở mức khá thấp, trong 100g rau tươi chỉ chứa khoảng 19kcal.

2.7 Chống lão hóa

Chất chống oxy hóa trong rau muống còn giúp ngăn chặn tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Đồng thời tăng cường khả năng chống lại các tác hại khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và làm giảm nếp nhăn trên da.

Ngoài ra, nước ép rau muống cũng là loại thức uống cực kỳ tốt cho làn da nhờ khả năng loại bỏ các độc tố có hại ra khỏi cơ thể. Các dưỡng chất như vitamin C, carotene và lutein đều là những khoáng chất quan trọng làm da sáng và săn chắc hơn.

Xem thêm: Chống lão hóa da với 5 chất chống oxy hóa có hiệu quả ‘siêu cấp’

2.8 Cải thiện thị lực

Ngoài việc cung cấp lượng lớn vitamin nhóm B, vitamin C, rau muống cũng đem tới cho cơ thể nguồn vitamin A quý giá – hoạt chất cực kì cần thiết cho cho đôi mắt, góp phần sản xuất tăng glutathione ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.

2.9 Tốt cho tóc

Nước ép rau muống giúp cải thiện da và còn khắc phục tình trạng rụng tóc, thúc đẩy quá trình mọc tóc, cải thiện cấu trúc cũng như chất tóc.

3. Tác dụng của rau muống trong y học dân gian

Theo tài liệu Cây rau làm thuốc – Phó.TS Võ Văn Chi (NXB Đồng Tháp), để sử dụng rau muống làm thuốc người ta thường thu hái toàn cây hoặc rễ, dùng tươi. Rau muống có vị ngọt dịu, tính mát nên tác dụng của rau muống là giúp chống độc, chống viêm, lợi tiểu, cầm máu.

kham-pha-tac-dung-cua-rau-muong-dau-chi-la-loai-rau-bo-mau-voh-2
Tác dụng của rau muống cũng được đánh giá cao trong Đông y (Nguồn: Internet)

Trong y học dân gian thường dùng rau muống để chữa:

  • Ngộ độc độc thức ăn: Rau muống (toàn cây hoặc rễ) 500 – 1000g giã nát, chiết dịch uống. Có thể phối hợp với đậu xanh 120g, rễ cam thảo bắc 30g, sắc uống.
  • Chảy máu cam: Rau muống giã nát với đường, thêm nước và uống.
  • Huyết vận, mề đay, phong ngứa: Đọt non rau muống tía 7 cái, đường thẻ 1 cục nhỏ, đâm nát và đắp.

Tuy nhiên, rất nhiều bài thuốc y học dân gian về rau muống vẫn chưa được khoa học kiểm chứng. Vì thế, bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe.

4. Bà bầu ăn rau muống có tốt không?

Là loại rau bình dân và khá giàu chất dinh dưỡng nên cho tới nay các chuyên gia dinh dưỡng vẫn thường khuyến khích bà bầu ăn thêm rau muống trong thời kì dưỡng thai. Bà bầu ăn rau muống có tốt cho sức khỏe, thế nhưng điều cần lưu ý là phải ngâm rửa sạch rau và chỉ ăn rau đã được chế biến chín.

Duy trì sử dụng đúng cách như vậy, mẹ có thể chủ động phòng ngừa một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

  • Thiếu máu thai kì
  • Tăng huyết áp thai kì
  • Khắc phục chứng mờ mắt

Xem thêm: Bà bầu ăn rau muống có tốt không? 7 lý giải này sẽ ‘gỡ rối’ mọi băn khoăn của mẹ

5. Những món ngon từ rau muống nên thuốc

Rau muống là loại rau cực kỳ phổ biến trong bữa cơm gia đình, bởi chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: rau muống xào tỏi/chao/nấm/mắm tôm; thịt xào rau muống; canh chua rau muống; rau muống luộc; gỏi rau muống tôm thịt; ốc/nghêu xào rau muống; rau muống ngâm chua ngọt,....

kham-pha-tac-dung-cua-rau-muong-dau-chi-la-loai-rau-bo-mau-voh-3
Các món ăn từ rau muống hấp dẫn mà còn dùng làm bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu bạn kết hợp rau muống với những loại thực phẩm dưới đây thì không chỉ tạo thành món ăn ngon mà còn có thể chữa bệnh.

5.1 Rau muống + trứng gà: Món ăn hạ huyết áp

Rau muống rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Đập trứng gà ra tô, đánh nhuyễn cùng chút gia vị. Làm nóng chảo với dầu ăn, xào trứng vừa vón thành khuôn (chưa chín hẳn) thì cho rau muống vào xào. Rau chín thêm chút gia vị và ăn khi nóng ấm.

5.2 Rau muống + thịt gà: Món ăn giảm hấp thu cholesterol

Rau muống rửa sạch cắt khúc vừa ăn, thịt gà thái mỏng. Cho dầu vào chảo nóng vừa, thêm ít tỏi băm phi thơm, xào thịt gà trên lửa to vừa, khi thịt gà gần chín cho chút gia vị đảo đều. Tiếp tục thêm rau muống vào xào. Rau chín, thêm chút gia vị, ăn khi còn nóng.

5.3 Rau muống + râu ngô: Món ăn giảm lượng đường trong máu

Chọn rau muống tươi, nhặt lấy phần thân khoảng 60g, râu ngô 30g, thêm nước vừa đủ nấu thành món canh. Chắt nước canh để uống, 2-3 lần/ ngày. Canh rau muống râu ngô có thể giúp làm tăng tiết insulin, hỗ trợ điều trị bệnh đường máu hiệu quả.

Ngoài các món ăn trên thì bạn có thể làm các món sau để bữa ăn thêm phần dinh dưỡng:

  • Rau muống xào tỏi
  • Bò xào rau muống
  • Nộm rau muống
  • Ốc xào rau muống
  • Rau muống xào chao

Xem thêm: ‘Tuyển tập’ 15 món ngon từ rau muống – dân dã nhưng nhắc tới ai cũng thèm

6. Lưu ý cần biết để tránh tác hại của rau muống

Rau muống là thực phẩm tương đối lành mạnh, song điều đó không có nghĩa rằng bạn có thể ăn bao nhiêu tùy thích bởi nguy cơ mắc phải các tác hại của rau muống vẫn có thể xảy ra. Tốt nhất hãy chú ý chỉ ăn khoảng 2 – 3 bữa trong tuần, từ 150 – 200g một lần.

Cùng với đó, nếu thuộc nhóm người có tì vị hư hàn, sỏi thận,…thì nên cắt giảm bớt rau muống trong khẩu phần ăn, nhằm bảo vệ sức khỏe và tránh làm bệnh tình nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Điểm mặt 4 tác hại của rau muống cần thận trọng khi ăn

7. Thành phần dinh dưỡng của rau muống

Rau muống có giá trị dinh dưỡng rất cao, theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế, trung bình trong 100g rau muống sẽ có chứa những thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Nước: 92 g
  • Năng lượng: 25 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 2.1 g
  • Chất béo: 0.4g
  • Chất xơ: 1g
  • Canxi: 100mg
  • Magie: 15mg
  • Đồng: 100mg
  • Kali: 331mg
  • Vitamin C: 23mg
  • Vitamin PP: 0.7mg
  • Vitamin E: 2.0mg
  • Vitamin K: 482.9 mg

Ngoài ra, trong rau muống còn chứa nhiều loại axit amin cần thiết như: Lizin (0.14), Metionin (0.07), Tryptophan (0.04), phenylalanin (0.14), valin (0.10), Leucin (0.15), Isoleucine (0.11), Arginnine (0.16), Histidine (0.06).

Với những giá trị dinh dưỡng và các tác dụng của rau muống trong điều trị bệnh, rau muống xứng đáng là loại rau dân dã thân thiện cho sức khỏe. Vì thế, ngay từ bây giờ bạn nên thường xuyên kết hợp rau muống trong các bữa ăn gia đình để vừa có được món ăn vừa giúp phòng ngừa bệnh tật.

Bình luận