Tận hưởng tác dụng của củ niễng qua 3 món ăn ngon, dễ làm

(VOH) - Củ niễng thường được dùng để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ngoài dùng trong ăn uống củ niễng còn có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Vậy bạn đã biết những tác dụng của củ niễng là gì chưa?

Mỗi năm mùa niễng chỉ kéo dài khoảng 1-3 tháng, chính vì thế, nhiều người đã tranh thủ tìm mua để chế biến món ăn ngon. Thế nhưng, ít ai biết được rằng loại củ này còn có tác dụng chữa bệnh.

1. Củ niễng là cây gì?

Củ niễng là củ của cây niễng hay niềng niễng (tên gọi khoa học là Zizania latifolia), là một loài cỏ sống lâu năm thuộc họ Hòa Hảo. Đây là loại cây thân thảo, thường mọc chìm dưới nước hoặc chỗ có nhiều bùn. Thân rễ phát triển mạnh, thân đứng thẳng cao khoảng 1 – 2m, phân thân dưới xốp, to.

tac-dung-cua-cu-nieng-voh-0
Củ niễng thường được dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn (Nguồn: Internet)

Hiện nay, niễng đã trở nên khan hiếm trong tự nhiên, tuy nhiên, một số nơi vẫn gieo trồng loại củ này để lấy phần củ (chồi) làm thức ăn bởi chúng có vị ngọt và mềm. Mùa thu hoạch củ niễng thường bắt bắt đầu vào mua thu (khoảng tháng 9, 10, 11) hàng năm.

2. Ăn củ niễng có tác dụng gì?

Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong củ niễng chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như: protein, lipid, carbohydrate, canxi, sắt, kali, đồng, kẽm, selen... và các vitamin bao gồm vitamin A, C, D, K, vitamin nhóm B,... cùng các hợp chất chống oxy hóa.

Chính nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng nên y học hiện đại cho rằng, ăn củ niễng có tác dụng phòng bệnh cao huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch, hay các bệnh xơ cứng gan, u-rê máu cao. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho biết, củ niễng có thể có tác dụng tốt trong việc giữ ẩm, trắng da và giảm béo.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng của niễng theo khoa học là không nhiều. Những lợi ích của củ niễng đối với sức khỏe con người chủ yếu đến từ y học cổ truyền.

Trong Đông y, củ niễng có vị ngọt, tính lạnh, không độc. Tác dụng của củ niễng là giúp chữa khát, hạ nhiệt, giải nhiệt. Ăn củ niễng cũng giúp làm giảm triệu chứng đau bụng, nhiệt, kiết lỵ, táo bón. Ngoài ra, củ niễng cũng có tác dụng chữa say rượu.

Không có nhiều thông tin nghiên cứu về tác dụng của củ niễng đối với sức khỏe thai kỳ cũng như những mặt tiêu cực mà mẹ bầu có thể gặp phải khi tiêu thụ loại củ này. Do đó, mẹ bầu có thể dùng củ niễng để chế biến thành các món ăn ngon hàng ngày trong giai đoạn mang thai.

Những thành phần dưỡng chất trong củ niễng đều là những chất cần thiết để giúp thai kỳ của mẹ được khỏe mạnh an toàn. Đồng thời cũng giúp hạn chế một số vấn đề như chứng táo bón thai kỳ.

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 12 bí kíp giải rượu bia này đảm bảo bạn không còn say xỉn triền miên nữa

3. Các món ăn bài thuốc từ củ niễng

Củ niễng có thể được dùng như một vị thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, cần kết hợp với nhiều vị thuốc khác mới tăng hiệu quả. Do đó, nếu muốn dùng củ niễng như một loại dược liệu chữa bệnh bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để có liều dùng phù hợp.

Củ niễng thường được thái nhỏ ăn sống, nấu chín hoặc nấu nước uống.

tac-dung-cua-cu-nieng-voh-1
Củ niễng có thể được chế biến như một món ăn bài thuốc (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng củ niễng nấu ăn, kết hợp với những thực phẩm khác để tạo thành một món ăn bài thuốc vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số gợi ý món ăn bài thuốc từ củ niễng bạn có thể tham khảo:

3.1 Củ niễng trộn

Món ăn này có tác dụng phòng ngừa bệnh cao huyết áp

Nguyên liệu

  • Củ niễng: 500g
  • Dăm bông chín: 25g
  • Trứng gà: 1 quả
  • Dầu mè
  • Gia vị thông dụng: muối, mì chính, đường trắng, tiêu bột...

Cách làm

  • Đầu tiên, bạn bóc bẹ gọt vỏ củ niễng, luộc chín vớt ra để ráo, trong khi đó bạn cho trứng gà đánh nhuyễn vào chảo rán thật mỏng, rồi gắp ra đĩa.
  • Sau khi để ráo củ niễng, bạn thái củ chỉ dài, rồi cho hỗn hợp dăm bông và trứng gà rán cho lẫn vào bát.
  • Cuối cùng, nêm một ít mắm muối, mì chính, đường, tiêu bột, dầu vừng vào bát rồi trộn đều là ăn được. 

3.2 Cháo củ niễng

Món cháo củ niễng có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn bệnh đái tháo đường 

Nguyên liệu

  • Củ niễng: 100g
  • Thịt lợn băm: 50g
  • Gạo tẻ: 100g
  • Nấm hương: 25g
  • Dầu mè
  • Gia vị thông dụng: muối, hạt nêm, bột ngọt, đường...

Cách làm

  • Đầu tiên, bạn làm sạch thái chỉ củ niễng, nấm hương ngâm nở thái sợi.
  • Tiếp theo, bạn cho dầu vừng vào chảo đun nóng, đổ thịt băm, củ niễng, nấm hương, muối, mì chính vào xào thơm rồi múc ra bát.
  • Sau cùng, gạo tẻ bạn vo sạch đổ nước vào nấu cháo, khi cháo nhừ đổ bát thịt xào củ niễng nấm hương vào đảo đều, đun sôi lên là có thể ăn được. 

3.3 Củ niễng xào thịt

Đây là món ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tư âm nhuận táo, tốt cho người viêm tuyến tiền liệt thiên về nhiệt

Nguyên liệu

  • Củ niễng: 200g
  • Thịt heo nạc: 100g
  • Cà rốt: 50g
  • Gừng tươi, tỏi, hành tím
  • Gia vị thông dụng: muối, đường, hạt nêm, bột ngọt...

Cách làm

  • Đầu tiên, bạn lấy hành, gừng rửa sạch thái nhỏ, tỏi bóc vỏ thái miếng, củ niễng rửa sạch thái miếng.
  • Tiếp theo, cà rốt bạn gọt vỏ rửa sạch thái miếng, cho vào nước sôi chần một lúc. Đối với thịt nạc, bạn cũng rửa sạch, lọc hết gân, thái miếng.
  • Sau đó, bạn cho dầu vào nồi đun nóng, cho hành tỏi vào phi thơm, cuối cùng cho thịt nạc và củ niễng, cà rốt vào xào cùng. Sau khi xào chín, nêm muối, mì chính trộn đều là được. 

Lưu ý: Tác dụng của củ niễng đối với sức khỏe là rất hữu ích, nhưng chúng ta nên sử dụng đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất. Theo khuyến cáo, bạn không nên ăn củ niễng với mật ong. Đặc biệt, người bị sỏi đường tiết niệu, đau bụng tiêu chảy, tỳ vị hư hàn, người dương suy hoạt tinh cũng không nên ăn củ niễng. 

Xem thêm: Học cách chế biến củ niễng thành các món ăn ngon lành, giúp bữa ăn thêm hấp dẫn

4. Thành phần dinh dưỡng có trong củ niễng

Tuy không có nhiều nghiên cứu khoa học nhưng thành phần dinh dưỡng trong củ niễng đã được tìm hiểu và chứng minh. Trong 100g củ niễng, người ta ghi nhận có chứa các thành phần dinh dưỡng sau:

  • Nước: 90.2 g
  • Năng lượng: 30 Kcal
  • Chất đạm: 2.0g
  • Chất đường bột: 5.4g
  • Chất xơ: 1.8g
  • Canxi: 24mg
  • Sắt: 1.40mg
  • Photpho: 92mg
  • Vitamin C: 2mg

5. Một số lưu ý khi sử dụng củ niễng

Mặc dù ăn cũ niễng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được loại thực phẩm này. Những người sau đây không nên sử dụng củ niễng gồm:

  • Người có tỳ vị hư hàn
  • Bụng yếu, đau bụng và tiêu chảy.
  • Bệnh sỏi đường tiết niệu
  • Dương suy hoạt tinh
  • Ngoài ra không dùng cũ niễng với mật ong

Như vậy có thể thấy, củ niễng là loại củ vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng, điều này cho thấy ăn củ niễng mang đến nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, mỗi năm mùa niễng chỉ có một lần, vì thế hãy tranh thủ tìm mua loại củ này để “tận dụng” làm món ăn bổ dưỡng.

Bình luận