Tại sao dễ bị đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn bánh mì?

VOH - Tại sao bụng cảm thấy khó chịu, khó tiêu hóa sau khi ăn bánh mì hoặc các thực phẩm làm từ lúa mì? Đó là bởi vì các thực phẩm này có liên quan đến “gluten”.

Các thầy thuốc đông y cho biết, một số người sẽ xuất hiện các triệu chứng đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn bánh mì hoặc các thực phẩm chế biến từ lúa mì, chủ yếu là khó tiêu hóa do gluten gây ra, thậm chí là gây ra các vấn đề về rối loạn tự miễn dịch.

Vì vậy, lựa chọn thực phẩm chủ yếu phù hợp với bản thân là bước khởi đầu của việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mình.

Tại sao dễ bị đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn bánh mì? 1
Sau khi ăn bánh mì hoặc các thực phẩm làm từ lúa mì bị đầy hơi và tiêu chảy có thể do “gluten” gây ra -  Ảnh: TVBS

Ảnh hưởng của gluten đối với cơ thể

Thầy thuốc đông y học Huang Xianming người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, gluten là một loại protein tồn tại trong các loại lúa mì như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và một số loại yến mạch.

Khả năng tiêu hóa gluten của cơ thể con người rất kém, rất dễ gây ra bụng đầy hơi và tiêu chảy, thậm chí là các vấn đề về rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như đau cơ xơ hóa, thấp khớp… có thể do hấp thụ quá nhiều gluten.

Vi khuẩn bifidobacteria trong cơ thể con người rất hữu ích cho quá trình tiêu hóa gluten, nhưng chất diệt cỏ “glyphosate” trong cây trồng sẽ làm giảm vi khuẩn bifidobacteria và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa gluten.

Xem thêm:  12 thực phẩm có thể giúp bạn 'đánh bay' chứng đầy bụng nhanh chóng

Nên ăn loại bánh mì nào?

Thầy thuốc Huang Xianming cho biết, nếu muốn giảm tác hại của gluten đối với cơ thể, mọi người cần chú ý lựa chọn các loại bánh mì hoặc các thực phẩm làm từ lúa mì. Các loại thực phẩm sau đây có thể sử dụng theo tình trạng cụ thể của mỗi người:

Lúa mì Châu Âu và lúa mì Mỹ

Lúa mì về cơ bản được chia thành “lúa mì Châu Âu’ và “lúa mì Mỹ”. Lúa mì Châu Âu ít gluten hơn, bánh mì làm ra từ lúa mì Châu Âu sẽ có độ dẻo dai hơn. Trong khi lúa mì Mỹ có nhiều gluten hơn, bánh mì làm ra sẽ mềm mịn và ngon hơn.

Gạo trắng và gạo lứt

Gạo lứt tuy giàu chất dinh dưỡng và vitamin, nhưng nó cũng chứa nhiều chất xơ và gluten, sẽ làm giảm tỷ lệ hấp thụ protein của cơ thể. Trong điều trị theo đông y, đôi khi các thầy thuốc khuyên bệnh nhân nên sử dụng gạo trắng làm lương thực chính để ăn. Hơn nữa, gluten trong gạo trắng tương đối ít, nhưng nếu sợ ăn gạo trắng sẽ gây thừa carbonhydrat, mọi người có thể nấu thành cơm trắng rồi để nguội trước khi ăn, sử dụng “tinh bột kháng” để giảm hiệu quả hấp thụ của cơ thể, có công dụng giúp giảm cân.

Tại sao dễ bị đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn bánh mì? 2
Nên chọn sản phẩm yến mạch có chứng nhận “không chứa gluten” -  Ảnh: TVBS

Bột yến mạch và kiều mạch

Yến mạch là loại ngũ cốc rất bổ dưỡng, nhưng lại dễ bị nhiễm gluten, do dây chuyền sản xuất nhiều loại yến mạch cũng chính là dây chuyền sản xuất lúa mì, cho nên dẫn đến bị nhiễm gluten. Nếu muốn ăn yến mạch không bị nhiễm gluten, mọi người có thể chọn sản phẩm yến mạch có chứng nhận “không chứa gluten”.

Bản thân kiều mạch không chứa gluten, nhưng mì soba (còn gọi là mì kiều mạch) vẫn chứa gluten, vì sợi mì soba được sản xuất bằng cách thêm lúa mì vào để giúp kết dính chúng lại với nhau. Mọi người cần lựa chọn mì soba kỹ càng khi mua, tránh mua phải sản phẩm chứa nhiều gluten.

Giảm tác hại của gluten đối với cơ thể

Thầy thuốc Huang Xianming nhắc nhở mọi người rằng, mặc dù gluten có hại cho cơ thể nhưng mọi người sẽ rất khó thực hiện chế độ ăn “không có gluten” hàng ngày.

Vì vậy, mọi người có thể thỉnh thoảng chọn chế độ ăn uống “không có gluten”, trước tiên thực hiện chế độ ăn uống này trong 10 đến 14 ngày, sau đó thỉnh thoảng ăn một ít thực phẩm làm từ lúa mì có chứa gluten, chẳng hạn như pizza, mì ống và các loại mì làm từ lúa mì châu Âu.

Chế độ ăn uống này có thể tối đa hóa hiệu quả giảm tác hại của gluten đối với cơ thể.

Bình luận