Vỏ run-flat là gì?
Vỏ (lốp) xe run-flat, với cấu tạo đặc biệt của mình có khả năng giúp chiếc xe có thể tiếp tục di chuyển sau khi bị mất áp suất.
Có nhiều công nghệ để tạo nên các loại vỏ runflat khác nhau nhưng cơ bản chia thành 3 loại:
Run-flat "tự hỗ trợ" (self-supporting) có kết cấu thành lốp được gia cố có thể hỗ trợ xe tiếp tục di chuyển thêm khoảng 50-80km nữa sau khi bánh xe mất áp suất.
Run-flat "tự vá" (self-sealing) được phủ một lớp lót bên trong vỏ xe có khả năng tự bịt kín trong trường hợp bánh xe bị thủng lỗ nhỏ do đinh hoặc vít.
Ít phổ biến hơn là loại run-flat có "vòng hỗ trợ" (Support ring run-flat), loại này có một vòng cấu trúc cứng chèn bên trong vỏ nhằm có thể hỗ trợ trọng lượng của xe trong điều kiện bánh xe mất áp suất. Đây là loại thường trang bị cho xe quân sự, xe đặc chủng hoặc các dòng xe bọc thép dành cho nhân vật quan trọng.
Vì sao vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam
Dù có rất nhiều ưu điểm so với các loại vỏ xe thông thường, nhưng tại Việt Nam, loại vỏ này vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Lý do chủ yếu nằm ở giá thành sản phẩm. So với một chiếc vỏ có cùng kích cỡ, vỏ run-flat có giá đắt hơn khoảng 40%.
Hơn nữa, do cấu tạo nhằm đảm bảo khả năng vận hành của vỏ xe dù bị mất áp suất nên vỏ run-flat có khả năng đàn hồi và giảm xóc kém hơn các loại vỏ thông thường, đặc biệt là khi đi đường xấu hoặc vào cua. Và đương nhiên, vỏ run-flat cũng tạo ra tiếng ồn lớn hơn khi so với thông thường.

Các lý do đó khiến cho vỏ run-flat chưa được ưa chuộng tại Việt Nam. Thậm chí, một số mẫu xe cao cấp, dù được trang bị vỏ run-flat tiêu chuẩn theo xe, nhưng sau khi các vỏ này hư hỏng cũng bị chủ xe thay thế bằng các loại vỏ thông thường để có thể thoải mái sử dụng.