4 dạng rối loạn lo âu dân công sở có nguy cơ cao mắc phải

(VOH) – Ở đời sống hiện đại, chúng ta luôn tất bật với công việc và bỏ quên việc chăm sóc đời sống tinh thần. Tuy nhiên, để áp lực dồn nén có thể khiến bạn mắc phải chứng rối loạn lo âu mà không hay.

Rối loạn lo âu (tên tiếng Anh: anxiety disorder) được biết đến như một chứng bệnh rối loạn tâm lý khá phổ biến, bao gồm các dạng rối loạn sau: 

  • Rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn ám ảnh xã hội 
  • Rối loạn lo âu khi xa cách 
  • Rối loạn hoảng sợ 
  • Rối loạn lo âu do thuốc 
  • Rối loạn stress sau sang chấn 

Một số thống kê đã chỉ ra rằng tỷ lệ đối mặt rối loạn lo âu trong cả đời người có thể lên tới 5.7%, có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và độ tuổi nào. Song nhóm người làm việc tại các công sở, văn phòng thường nguy cơ mắc phải cao hơn so với các nhóm khác. Trong đó, dân công sở thường gặp phải 4 dạng rối loạn lo âu phổ biến dưới đây: 

1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tên tiếng Anh: Obsessive-Compulsive Disorder) hay chúng ta vẫn thường quen gọi là bệnh “thích sạch sẽ”. Thực tế thì những ý nghĩ gây lo lắng, sợ hãi thường xuất hiện ở những người mắc phải dạng rối loạn này. Các ý nghĩ đó gây ra sự ám ảnh và khiến người bệnh lặp đi lặp lại hành động một cách vô lý (hành vi cưỡng chế) nhằm giải tỏa bớt nỗi lo. 

4-dang-roi-loan-lo-au-dan-cong-so-co-nguy-co-cao-mac-phai-voh-0
Người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường thích sự sạch sẽ, tỉ mỉ và thích lau dọn mọi lúc (Nguồn: Internet) 

Các dấu hiệu mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế điển hình: 

  • Thích sạch sẽ, luôn cảm thấy vi khuẩn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, chính vì vậy họ thích lau dọn bàn làm việc và văn phòng mọi lúc. 
  • Thói quen rửa tay liên tục và lau chùi từng ngón tay. 
  • Chú ý vào từng tiểu tiết, luôn yêu cầu sự hoàn hảo.
  • Thường trễ hạn công việc, kế hoạch bởi dành thời gian kiểm tra việc mình làm nhiều hơn 3 lần. 
  • Không nghỉ ngơi cho đến khi hoàn thành toàn bộ công việc. 
  • Luôn cẩn trọng, suy xét kĩ càng trước khi đưa ra quyết định vì sợ cảm giác phạm sai lầm. 

2. Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)

Rối loạn lo âu lan tỏa (tên tiếng Anh: Generalized Anxiety Disorder) là dạng rối loạn lo âu nghiêm trọng nhất và cần kịp thời phát hiện sớm để kết hợp điều trị bằng thuốc cùng phương pháp trị liệu tâm lý. 

Có thể nói khi mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa, người bệnh thường không thể ngắt cơn suy nghĩ, hết mối lo này đến mối lo khác xuất hiện dù phần lớn chúng không trở thành sự thật. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới vòng lặp của sự chán chường, kiệt sức, tự ti và không còn nhiều niềm tin vào mọi điều trong cuộc sống. 

4-dang-roi-loan-lo-au-dan-cong-so-co-nguy-co-cao-mac-phai-voh-1
Mắc rối loạn lo âu lan tỏa có thể khiến bạn thường xuyên cáu gắt, mất bình tĩnh (Nguồn: Internet)

Các dấu hiệu mắc rối loạn lo âu lan tỏa điển hình: 

  • Thường xuyên mất tập trung hoặc nhớ trước quên sau khi giải quyết công việc.
  • Cảm thấy hồi hộp, cơ thể run rẩy nếu phải gặp mặt, trò chuyện với sếp hay đồng nghiệp. 
  • Dễ cáu gắt, mất bình tĩnh và rơi vào các cuộc cãi vã, xung đột với đồng nghiệp. 
  • Không thể tham gia các hoạt động thể thao bởi cơ bắp bị căng cứng và đau thắt ngực. 
  • Khó ngủ sâu giấc, thường xuyên giật mình và bất an. 

Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

3. Rối loạn ám ảnh xã hội (SAD)

Rối loạn ám ảnh xã hội (tên tiếng Anh: Social Anxiety Disorder) sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối, lo lắng một cách ám ảnh về việc người khác đánh giá, nhìn nhận về mình. Hầu hết nếu mắc chứng này, người bệnh hiểu rõ rằng không có gì đáng sợ hay xấu hổ, song họ vẫn gặp phải khó khăn để kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình.

4-dang-roi-loan-lo-au-dan-cong-so-co-nguy-co-cao-mac-phai-voh-2
Luôn cảm thấy lo lắng, nghi ngại về sự đánh giá của mọi người xung quanh là biểu hiện của rối loạn ám ảnh xã hội (Nguồn: Internet) 

Các dấu hiệu mắc rối loạn ám ảnh xã hội điển hình: 

  • Ngại ngùng và rất khó bắt chuyện với đồng nghiệp. 
  • Hạn chế tham gia các hoạt động liên hoan, hội họp của công ty, thường đỏ mặt và toát mồ hôi khi gặp nhiều người. Có thể lo lắng trong nhiều ngày trước khi sự kiện diễn ra. 
  • Trong các cuộc họp, ít phát biểu bày tỏ ý kiến dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng vì rất để ý hình ảnh bản thân trước nhiều người, lo sợ bị đánh giá thấp. 

Xem thêm: Đây là lý do vì sao bạn thường xuyên ra mồ hôi nhiều, bác sĩ mách bạn cách khắc phục chuẩn nhất

4. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn stress sau sang chấn (tên tiếng Anh: Post Traumatic Stress Disorder) hay còn được gọi là hậu sang chấn. Rối loạn này xảy ra phần lớn do một chấn thương tâm lý quá mạnh như chứng kiến người thân qua đời đột ngột hay gặp tai nạn nghiêm trọng. Rối loạn này làm người bệnh luôn cảm giác rằng họ đang sống lại trong sự kiện hay hoàn cảnh đau buồn, nghiêm trọng đó. 

4-dang-roi-loan-lo-au-dan-cong-so-co-nguy-co-cao-mac-phai-voh-3
Hậu sang chấn khiến người bệnh cảm thấy đang phải trải qua lại một lần nữa các sự kiện đau buồn (Nguồn: Internet)

Các dấu hiệu rối loạn stress sau sang chấn điển hình: 

  • Cảm thấy muốn trốn tránh, không nhắc mọi điều gợi nhớ tới sự kiện đau buồn đã qua.
  • Có những suy nghĩ tiêu cực và bi quan vào tương lai. 
  • Cảnh giác cao độ, đề phòng với tất cả mọi người xung quanh. 
  • Thường xuyên lạm dụng chất kích thích, không kiểm soát được hành vi tự làm hại bản thân.

Công việc hay các deadline là những yếu tố không thể thiếu trong đời sống, nhưng hãy cố gắng lên lịch trình hợp lý, điều tiết giữa nghỉ ngơi và làm việc, giảm tối đa tình trạng căng thẳng, áp lực quá mức. Nếu nhận thấy có những dấu hiệu lo âu bất thường, cần chia sẻ với người thân xung quanh, kịp thời liên hệ tới các chuyên gia y tế để điều trị. 

Mời các bạn theo dõi chương trình Phòng mạch FM - Đài Tiếng Nói Nhân dân TPHCM: Rối loạn lo âu - Nguyên nhân và giải pháp điều trị. 

 

Bình luận