Bệnh gout và những điều cần biết

(VOH) - Bệnh gout dễ xảy ra ở những người trưởng thành, nhất là từ 40 tuổi trở lên. Nếu không nhận biết và chữa trị đúng cách, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là tàn phế.

1. Bệnh gout là gì?

Bệnh gout (hay còn gọi là gút, thống phong) là một loại viêm khớp đột ngột gây sưng đỏ và đau ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp. 

Nói cách khác, bệnh gút là bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan đến chế độ ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric.

Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) sẽ làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần dẫn đến biến dạng và cứng khớp. 

Bệnh gút thường gặp nhiều ở nam giới từ 40 tuổi trở lên, tuy nhiên, nữ giới cũng phải cảnh giác với căn bệnh này.

benh-gout-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Sự lắng đọng của axit uric tại khớp (Nguồn: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh gút

Gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, chúng thường được đào thải qua nước tiểu và phân.

Với những bệnh nhân bị gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng, đau cho người bệnh.

Nguyên nhân chính làm cho axit uric tăng cao trong cơ thể là do người bệnh thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm chứa purin. Purin là chất có sẵn trong cơ thể, nhưng một số thực phẩm cũng có chứa nhiều chất này. Việc ăn càng nhiều thực phẩm chứa purin, nguy cơ mắc bệnh gút càng cao.

Theo đó, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout gồm có:

  • Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản.
  • Nam giới dễ mắc bệnh hơn nữ giới.
  • Uống nhiều bia rượu trong thời gian dài.
  • Bị béo phì.
  • Có người nhà từng bị bệnh gút. 
  • Tăng cân quá mức.
  • Tăng huyết áp.
  • Chức năng thận bất thường.
  • Sử dụng một số loại thuốc nhất định như aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu, các loại thuốc có thể làm giảm hệ miễn dịch như cyclosporine,…
  • Tiền sử mắc bệnh tiểu đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm,…
  • Mất nước thường xuyên, cơ thể khó loại bỏ axit uric qua nước tiểu nên làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.

3. Biểu hiện nhận biết bệnh gout

Ở giai đoạn đầu, bệnh gout thường không có bất kỳ triệu chứng nào, ngoại trừ nồng độ axit uric trong máu cao. Người bệnh có thể nhận biết bị gout khi xuất hiện cơn gout cấp tính đầu tiên. 

3.1 Cơn gout cấp

Ban đầu thường là những cơn gout rất điển hình, thể hiện ở khớp ngón bàn chân (chiếm 75%), các khớp khác chiếm 25% (khớp cổ chân, khớp gối, cổ tay, khuỷu tay,…)

Người bệnh thường bị đau đột ngột dữ dội kèm triệu chứng sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết,…ở một khớp. Thời gian xuất hiện cơn đau thường là ban đêm. Cơn đau khớp có thể kéo dài từ 24 – 48 tiếng và trong khoảng 3 – 10 ngày sẽ tự khỏi hoàn toàn.

Càng về sau, đợt viêm cấp sẽ kéo dài, không tự khỏi, biểu hiện ở nhiều khớp, đối xứng và để lại di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động,…

Ngoài ra, trong cơn gout cấp, người bệnh cũng có thể gặp một số biểu hiện toàn thân như sốt, rét run, cứng gáy, mệt mỏi,…

Khoảng cách giữa cơn gout cấp đầu tiên và cơn thứ 2 có thể từ vài tháng đến vài năm, thậm chí là hơn 10 năm. Càng về sau khoảng cách càng ngắn lại, đồng thời các cơn viêm khớp cấp xảy ra liên tiếp và không khi nào dứt cơn.

3.2 Viêm khớp gout mạn

Người bệnh bị viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp,…Các biểu hiện toàn thân gồm thiếu máu, suy thận mạn do các axit uric lắng đọng dưới dạng muối urat ở nhu mô thận. Hiện tượng suy thận lúc đầu tiềm tàng, không có biểu hiện lâm sàng, sau đó tăng dần, thận không thể phục hồi. Đây là nguyên nhân chính làm tử vong và giảm tuổi thọ cho bệnh nhân gout. 

4. Các giai đoạn của bệnh gout

Thông thường, bệnh gout trải qua 3 giai đoạn là:

4.1 Giai đoạn tiềm ẩn

Trong giai đoạn này, mức axit uric trong máu tăng lên nhưng vẫn chưa có biểu hiện gì của bệnh nên người bệnh không cảm nhận được.

4.2 Giai đoạn xuất hiện bệnh

Trong giai đoạn này, nồng độ axit uric tăng rất cao và bắt đầu có sự hình thành các tinh thể và xuất hiện các khớp viêm. Người bệnh sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau thường không kéo dài và sau một thời gian sẽ xuất hiện các biểu hiện khác của bệnh với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.

4.3 Giai đoạn biến dạng khớp

benh-gout-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Bệnh gút tiến triển có thể làm biến dạng khớp (Nguồn: Internet)

Ở giai đoạn này, các biểu hiện của bệnh sẽ không biến mất. Các tinh thể axit uric sẽ lắng đọng, gây viêm ở nhiều khớp, nên làm cho các khớp xuất hiện các khối chất nổi dưới da, gây nên tình trạng đau đớn nghiêm trọng hơn và có thể phá hủy sụn.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh gout chỉ dừng lại ở giai đoạn xuất hiện bệnh, rất hiếm khi có bệnh nhân tiến triển đến giai đoạn biến dạng khớp. Vì bệnh gout đã được điều trị đúng cách. Do vậy, nếu thấy đau khớp bất thường và dữ dội thì bạn nên đi khám để được điều trị và kiểm soát kịp thời.

5. Phương pháp điều trị bệnh gout

Sau khi chẩn đoán bệnh gout, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như indomethacin và naproxen để giảm đau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng corticosteroid, một loại kháng viêm mạnh để điều trị. Loại corticosteroid phổ biến nhất là thuốc prednisone.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng colchicine nếu NSAIDs và corticosteroid không có tác dụng. Người bệnh nên sử dụng thuốc càng sớm càng tốt khi cơn đau bất ngờ xảy ra. Sau khi uống thuốc, cơn đau thường sẽ biến mất trong vòng 12 giờ.

Để ngăn ngừa các cơn đau nghiêm trọng tái phát trong tương lai, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc uống hằng ngày như allopurinol hoặc probenecid. Các loại thuốc này sẽ giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu của người bệnh.

Bên cạnh việc dùng thuốc để chữa bệnh gout, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống cũng sinh hoạt hợp lý để làm hạ và duy trì lượng axit uric trong máu cho phép.

5.1 Về chế độ ăn uống

  • Hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật (tim, gan, thận, óc,…) và các loại thịt đỏ, trứng vịt lộn, cá chích, cá đối, cá mòi, các loại rau mầm, nấm…
  • Dùng nhiều rau xanh, trái cây tươi.
  • Uống đủ nước mỗi ngày (1.5 – 2 lít/ngày) để tăng cường đào thải axit uric. Tốt nhất nên uống nước khoáng kiềm.
  • Nên ăn các loại thịt trắng (thịt cá sông, thịt lườn gà, thịt heo,…) vì thịt có màu trắng thường ít purin hơn.
  • Nên thay thế dầu ăn bằng các loại dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng,…để giảm bớt lượng chất béo.
  • Khi chế biến nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ.
  • Một số loại rau không tốt cho người bệnh gout là rau bina, cải bắp, măng tây và nấm.
  • Hạn chế uống bia, rượu thường xuyên.

5.2 Về chế độ sinh hoạt

  • Tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi diễn tiến của bệnh.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Áp dụng các phương pháp giảm cân nếu đang béo phì.
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không bỏ thuốc giữa chừng.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, bệnh mạch vành,…

6. Biến chứng bệnh gout khi không điều trị đúng cách

Nếu người bệnh gout không dùng thuốc điều trị đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và có thể gây ra các biến chứng như:

6.1 U cục tophi

Bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn.

6.2 Tổn thương khớp

Khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn nếu người bệnh gout không dùng thuốc chữa trị. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương xương và các khớp khác.

6.3 Sỏi thận

Nếu không điều trị bệnh gout đúng cách, các tinh thể axit uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tụ lại trong thận. Và điều này sẽ gây ra bệnh sỏi thận.

Như vậy, khi được chẩn đoán bệnh gút, bạn sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc, đồng thời yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Khi đó, hãy tuân theo những chỉ dẫn và tư vấn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả hoặc có thể sống “hòa bình” với bệnh suốt đời.

Bình luận