Những cách chữa bệnh gút hiệu quả, nhiều người áp dụng

(VOH) - Theo thống kê có 95% nam giới tuổi trung niên mắc bệnh gút, ngoài ra, những người béo phì, nghiện rượu, phụ nữ sau mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là những cách chữa bệnh gút.

Bệnh gút (gout) hay thống phong là một bệnh chuyển hóa có triệu chứng nổi bật ở các khớp. Nguyên nhân là do tích tụ nhiều axit uric trong máu. Các axit này sẽ lắng đọng trong khớp gây ra bệnh. Người mắc bệnh gút thường xuyên bị đau đớn và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát. Gút là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn.

nhung-cach-chua-benh-gut-hieu-qua-nhieu-nguoi-ap-dung-voh-1

Bệnh gout phát hiện càng sớm càng dễ điều trị (Nguồn: Internet)

1. Tổng hợp những cách chữa bệnh gút hiện nay

Nếu nhận biết sớm và tích cực điều trị thì các triệu chứng của bệnh gút sẽ thuyên giảm, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là những cách trị bệnh gút phổ biến, được nhiều người áp dụng.

1.1 Dùng thuốc điều trị bệnh gút

nhung-cach-chua-benh-gut-hieu-qua-nhieu-nguoi-ap-dung-voh-2

Chữa bệnh gout bằng thuốc (Nguồn: Internet)

Thuốc điều trị bệnh gout sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn khi bị cơn gout cấp tấn công, ngăn chặn các cơn tấn công khác và tránh sự hình thành của sạn thận và khối u dưới da quanh khớp bị gout. Quá trình điều trị thành công có thể giúp làm giảm các triệu chứng cũng như giảm mức độ phá hủy về lâu dài ở những khớp xương bị gout.

Đối với bệnh nhân gout, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị sau:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) gồm: indomethacin và naproxen giúp giảm đau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
  • Thuốc corticosteroid - một loại kháng viêm mạnh. Loại corticosteroid phổ biến nhất là thuốc prednisone.
  • Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng colchicine nếu NSAIDs và corticosteroid không có tác dụng.
  • Để ngăn ngừa các cơn đau nghiêm trọng tái phát trong tương lai, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc uống hằng ngày như allopurinol hoặc probenecid. Các loại thuốc này sẽ giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu của người bệnh.

Người bệnh nên sử dụng thuốc càng sớm càng tốt khi cơn đau bất ngờ xảy ra. Sau khi uống thuốc, cơn đau thường sẽ biến mất trong vòng 12 giờ.

Lưu ý: Người bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng đã khỏi.

1.2 Chữa bệnh gout theo kinh nghiệm dân gian

Theo lương y Thảo Nguyên, bệnh gout có thể được khắc phục nhờ vào những bài thuốc sau:

  • Cành dâu và đường phèn: Dùng 1kg cành dâu và 500g đường phèn để sắc thuốc uống. Trước hết, bạn đem cành dâu sắc lấy nước, sau đó thêm đường phèn vào làm thành cao, mỗi buổi sáng uống nửa thìa, hòa vào nước sôi, uống khi nước còn ấm.
  • Lá vừng tươi: Dùng khoảng 60g lá vừng tươi, rửa sạch, băm nhỏ, sắc nước uống mỗi ngày từ 2 – 3 lần.
  • Đậu tương, lá ngô, đào nhân: Dùng 50g đậu tương, 30g lá ngô, 15g đào nhân sắc nước uống mỗi ngày, uống từ 2 – 3 lần. Đây là một bài thuốc chữa bệnh gút rất hay.
  • Cỏ hy thiêm và cam thảo: Dùng 90g cỏ hy thiêm và 10g cam thảo. Nghiền cả 2 vị thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sôi để ấm, ngày uống 3 lần.
  • Lá lốt, vòi voi, rễ bưởi bung, cỏ xước tươi: Mỗi vị dùng 30g, cắt nhỏ, sao vàng và cho vào ấm sắc với 3 chén nước tới khi còn lại 1 chén thì chia làm 3 lần uống/ngày. Dùng liên tục trong 1 tuần.

1.3 Hỗ trợ trị bệnh gout bằng chế độ ăn và tập luyện

Chế độ ăn uống

nhung-cach-chua-benh-gut-hieu-qua-nhieu-nguoi-ap-dung-voh-3

Người bệnh gout cần hạn chế ăn các loại hải sản như tôm, cua,...(Nguồn: Internet)

  • Thực phẩm nên ăn: Người bệnh gout nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, cải bẹ xanh, cam, nho, lê, dâu tây, cherry…uống đủ nước mỗi ngày, uống nước khoáng không ga, có độ kiềm cao. Nên chọn các loại thịt có màu trắng như thịt cá sông, thịt ức gà, thịt heo,…Nên thay thế các loại dầu bằng dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng,…để giảm bớt lượng chất béo. Nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế chiên, xào, nướng.
  • Thực phẩm nên tránh: Một số loại rau không tốt cho người bệnh gout như rau bina, cải bắp, măng tây, giá đỗ và nấm,…vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể. Người bệnh gút cũng cần hạn chế tối đa các thực phẩm có lượng purin cao như nội tạng động vật, thịt bò, tôm, cua, ghẹ, thịt thú rừng, các loại động vật có vỏ (sò, ốc, hến,…). Trong quá trình điều trị bệnh gút, người bệnh cũng cần tránh uống rượu, bia vì nó làm gia tăng sự tạo axit trong gan và ngăn cản thận thải axit uric.

Tập luyện, vận động

  • Kiểm soát cân nặng: Thừa cân sẽ khiến bệnh gút tiến triển nhanh hơn. Vì thế, hãy duy trì cân nặng ở mức vừa phải bằng cách ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, không thức khuya, có chế độ tập luyện hợp lý,…
  • Tập thể dục mỗi ngày: Tập thể dục thường xuyên là cách để bạn ngăn ngừa các cơn đau do bệnh gout gây ra. Tập thể dục không những giúp bạn duy trì một trọng lượng khỏe mạnh mà còn giúp giữ mức axit uric thấp.

Bệnh gút có thể được đẩy lùi nếu bạn kiên trì điều trị và kiêng cữ đúng mức. Đặc biệt, khi kết hợp nhiều biện pháp điều trị bệnh gút cùng lúc có thể giúp bạn chữa trị nhanh hơn.

Bình luận