Nguyên nhân, triệu chứng bệnh sốt rét và cách phòng ngừa

(VOH) – Sốt rét là một căn bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan cao trong cộng đồng. Nhận diện triệu chứng, điều trị kịp thời và chủ động phòng chống luôn là những biện pháp tốt để ngăn ngừa bệnh tật.

1. Bệnh sốt rét là gì?

Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền từ người này sang người khác thông qua vết muỗi đốt.

Muỗi chứa ký sinh trùng Plasmodium là muỗi Anophen. Khi bị đốt, những ký sinh trùng này sẽ theo nước bọt của muỗi để đi vào máu của bạn. Sau đó, chúng sẽ di chuyển đến gan để trưởng thành. Sau vài ngày, các ký sinh trùng trưởng thành sẽ xâm nhập lại vào máu và bắt đầu lây nhiễm các tế bào hồng cầu.

Trong vòng 48 – 72 giờ, các ký sinh trùng bên trong các tế bào hồng cầu nhân lên, khiến tế bào bị nhiễm bệnh vỡ ra. Cùng lúc đó, các ký sinh trùng tiếp tục lây nhiễm sang các tế bào hồng cầu khác.

Khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh có thể gặp phải những cơn sốt theo chu kỳ, cứ 2 – 3 ngày sốt một lần. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị tử vong nếu không được điều trị sớm.

Trên thực tế, sốt rét là căn bệnh phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Á, châu Mỹ và châu Phi – nơi ký sinh trùng có thể sống. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sốt rét đều là những người đi du lịch đến các quốc gia nơi bệnh sốt rét đang diện hiện.

2. Nguyên nhân gây bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét sẽ xảy ra khi bạn bị muỗi Anophen có chứa ký sinh trùng Plasmodium đốt. Theo nghiên cứu có đến 4 loài ký sinh trùng sốt rét có thể lây nhiễm sang người là: Plasmodium vivax, P. ovale, P. malariae và P. Falciparum. 

nguyen-nhan-trieu-chung-benh-sot-ret-va-cach-phong-ngua-voh-0
Muỗi Anophen chính là vật trung gian truyền bệnh sốt rét (Nguồn: Internet)

Việt Nam có 3 loại là: P. falciparum, P.vivax và P.malariae.Trong đó, P. falciparum là loại ký sinh trùng có thể gây ra bệnh sốt rét nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao nhất.

2.1 Bệnh sốt rét lây truyền qua đường nào?

Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu. Vì vậy, có 4 phương thức lây truyền bệnh chủ yếu là:

  • Thông qua vết cắn (đốt) của muỗi
  • Cấy ghép nội tạng
  • Truyền máu
  • Sử dụng chung kiêm tiêm hoặc ống tiêm

Phụ nữ mang thai bị bệnh sốt rét cũng có thể truyền bệnh cho con trong quá trình sinh nở (hiếm gặp). Trường hợp này gọi là bệnh sốt rét bẩm sinh.

2.2 Ai có nguy cơ mắc bệnh sốt rét?

Sốt rét là bệnh lý phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ lứa tuổi nào. Những đối tượng có khả năng mắc bệnh cao hơn là:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Những người đã từng đến những nơi có dịch sốt rét
  • Những vùng quê, nông thôn không có điều kiện tiếp xúc với truyền thông, không biết cách phòng ngừa bệnh
  • Người nghi ngờ bị muỗi Anophen đốt (cắn) nhưng lại không đến cơ sở y tế kiểm tra

3. Triệu chứng sốt rét

Các triệu chứng của bệnh sốt rét thường phát triển trong vòng 10 ngày đến 4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Một số trường hợp, các triệu chứng bệnh có thể không phát trong vài tháng, do ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể không sẽ không hoạt động trong thời gian dài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bệnh sốt rét ở Việt Nam được chia làm 2 loại như sau:

3.1 Sốt rét thông thường

Đây là dạng bệnh có những biểu hiện triệu chứng xuất hiện ngay sau khi nhiễm bệnh. Dạng này không đe dọa đến tính mạng người bệnh và thường được thể hiện qua 3 dạng sốt sau đây:

Sốt sơ nhiễm

Dạng sốt xuất hiện đầu tiên nhưng không điển hình. Bạn có thể bị sốt cao liên tục trong vài ngày. Thường bị nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác.

Sốt điển hình

nguyen-nhan-trieu-chung-benh-sot-ret-va-cach-phong-ngua-voh-1
Sốt chính là triệu chứng đặc trứng của bệnh sốt rét (Nguồn: Internet)

Được chia thành 3 giai đoạn khác nhau:

  • Giai đoạn rét run: toàn thân run rẩy, môi tái, nổi da gà, kéo dài từ 30 phút đên 2 tiếng
  • Giai đoạn sốt nóng: bệnh nhân giảm triệu chứng run, nhưng thân nhiệt bắt đầu tăng lên, có thể đạt đến 41 độ C, mặt đỏ, da khô, tim đập nhanh, thở nhanh, thở mạnh, nhức đầu và khát nước, thường kéo dài đến 3 giờ
  • Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm, ra mồ hôi nhiều, giảm nhức đầu, khát nước. Bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn

Sốt rét cụt

Những cơn sốt không còn xuất hiện thành cơn mà chỉ có biểu hiện rét run, kéo dài từ 1 – 2 giờ. Thể sốt này chỉ gặp ở những bệnh nhân bị sốt rét nhiều năm.

Bên cạnh 3 dạng sốt kể trên, người bệnh còn có thể gặp phải tình trạng ký sinh trùng lạnh, tức bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng mầm bệnh vẫn còn trong cơ thể. Khi làm xét nghiệm thì kết quả là dương tính, nhưng bệnh không gây biểu hiện sốt và sức khỏe ổn định bình thường.

3.2 Sốt rét ác tính

Các dấu hiệu nổi bật nhất của sốt rét ác tính là:

  • Thể não: Người bệnh có biểu hiện rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, tiêu chảy không kiểm soát.... Tỷ lệ tử vong ở người bị sốt rét ác tính thể não là rất cao.
  • Thể giá lạnh: Ở thể này, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, da xanh xao tái nhợt, đổ mồ hôi, nhức đầu, lạnh toàn thân
  • Thể tiêu hóa: Người bệnh sẽ có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy cấp, thân nhiệt xuống thấp
  • Thể phổi: Xuất hiện các tình trạng khó thở, thở nhanh, tím tái, có thể khạt ra máu màu hồng. Khi siêu âm thấy đáy đổi có nhiều ran ẩm, ran ngáy.
  • Thể gan mật: Ở thể này, da và mắt của người bệnh có màu vàng, buồn nôn và nôn. Đi ngoài phân có màu vàng, nước tiểu vàng có nhiều muối mật. Hôn mê.

Xem thêm: Thấy triệu chứng vàng da, nguy cơ cao đang mắc các bệnh thuộc 4 nhóm nguy hiểm

4. Sốt rét và sốt xuất huyết có giống nhau không?

Nhiều người cho rằng, sốt rét và sốt xuất huyết là một bệnh, vì đều lây truyền từ muỗi. Tuy nhiên thực tế đây là 2 căn bệnh hoàn toàn khác nhau cả về vật trung gian truyền bệnh (loại muỗi) và cả về triệu chứng nhận biết.

Để phân biệt sốt xuất huyết và sốt rét bạn cần dựa vào vật trung gian lây truyền, biểu hiện bệnh.... Cụ thể như sau:

  Sốt rét Sốt xuất huyết
Vật trung gian truyền bệnh Muỗi cái Anophen Muỗi nhiễm Aedes aegypti
Thời gian ủ bệnh 10 – 15 ngày sau khi bị đốt (cắn) 4 – 5 ngày sau khi bị đốt (cắn)
Triệu chứng đặc trưng

Sốt lặp lại 2 – 3 ngày một lần.

Mỗi cơn sốt rét diễn ra từ 15 phút đến 1 giờ với các triệu chứng: ớn lạnh, hấp nóng, đỗ mồ hôi nhiều

Một số triệu chứng nghiêm trọng: mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau nhức người... thay đổi nhận thức, co giật, khó thở....

Sốt cao đột ngột kèm đau nhức xương khớp

Đau đầu

Xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, nướu

Một số triệu chứng không đặc trưng: buồn nôn, nôn, chán ăn, đau hốc mắt...

Xem thêm: Chẩn đoán sốt siêu vi và cách phân biệt sốt siêu vi với sốt xuất huyết

5. Bệnh sốt rét có nguy hiểm không?

Sốt rét có thể gây ra một số biến chứng đe dọa tính mạng khi:

  • Bạn bị sưng mạch máu não hoặc sốt rét thể não
  • Tích tụ chất lỏng trong phổi gây khó thở hoặc phù phổi
  • Suy thận, suy gan hoặc lá lách
  • Thiếu máu do phá hủy các tế bào hồng cầu
  • Lượng đường trong máu thấp

6. Bệnh sốt rét chẩn đoán như thế nào?

Khi đến gặp bác sĩ, bạn sẽ được chẩn đoán bệnh sốt rét bằng các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

6.1 Ca bệnh lâm sàng

Bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng điển hình hoặc sốt không điển hình mà không được xét nghiệm máu, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính nhưng có 4 đặc điểm sau:

  • Đang sốt trên 37.5 độ C hoặc có sốt trong 3 ngày gần đây
  • Không giải thích được nguyên nhân gây sốt khác
  • Đang ở hoặc vừa mới du lịch tại vùng sốt rét trong vòng 9 tháng trở lại
  • Điều trị bằng thuốc sốt rét có đáp ứng tốt trong vòng 3 ngày

6.2 Ca bệnh cận lâm sàng

Bệnh nhân được xác định có ký sinh trùng sốt rét trong máu thông qua việc xét nghiệm máu.

nguyen-nhan-trieu-chung-benh-sot-ret-va-cach-phong-ngua-voh-2
Xét nghiệm máu giúp tìm ra virus gây bệnh sốt rét (Nguồn: Internet)

Các phương pháp xét nghiệm sốt rét thường được áp dụng là:

  • Phương pháp nhuộm Giemsa
  • Phương pháp nhuộm nhanh AO (Acridine Coat)
  • Phương pháp QBC (Quantitative Buffy Coat)
  • Các test chẩn đoán nhanh
  • Phương pháp sinh học phân tử (polymerase chain reaction-PCR)
  • Phương pháp phát hiện hiện kháng thể kháng ký sinh trùng sốt rét

7. Điều trị bệnh sốt rét

Sốt rét có thể là một tình trạng đe dọa tính mạng, đặc biệt là khi bạn nhiễm ký sinh trùng P.falciparum. Bệnh thường được điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa trên loại ký sinh trùng mà bạn đang mắc phải.

Một số trường hợp thuốc được kê đơn có thể sẽ không làm hết nhiễm trùng do ký sinh trùng kháng thuốc. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể cần sử dụng nhiều loại thuốc hoặc thay đổi hoàn toàn các loại thuốc đang sử dụng để điều trị cho bạn.

Ngoài ra, một số loại ký sinh trùng sốt rét, chẳng hạn như P.vivax và P.ovale có các giai đoạn ký sinh tại gan – nơi mà chúng có thể sống được trong một thời gian dài và được kích hoạt lại để gây tái phát nhiễm trùng. Nếu bạn nhiễm một trong những loại ký sinh trùng sốt rét này, bạn sẽ được cho dùng loại thuốc thứ hai để ngăn ngừa tái phát trong tương lai.

8. Cách phòng chống bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét tuy nguy hiểm nhưng lại rất dễ kiểm soát. Một số cách phòng bệnh sốt rét mà bạn và gia đình có thể thực hiện:

  • Phun thuốc muỗi định kỳ trong nhà và ngoài vườn
  • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
  • Khi ngủ nên thả màn kể cả buổi trưa hay buổi tối
  • Khi đến những nơi đang có dịch hãy mang theo thuốc đuổi muỗi, mặc áo dài tay, quần dài để hạn chế bị muỗi đốt
  • Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đã từng đi du lịch đến khu vực có bệnh sốt rét hoặc nếu bạn sống trong một khu vực như vậy.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm cần phải được thăm khám và điều trị kịp thời. Thực hiện điều trị sớm khi phát hiện bệnh cũng như chủ động hơn trong việc phòng ngừa sẽ góp phần làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Bình luận