Liệu sốt xuất huyết có bị lại không nếu đã từng mắc?

(VOH) - Ở Việt Nam sốt xuất huyết thường gây ra các vụ dịch lớn và khó kiểm soát. Rất nhiều người thắc mắc sốt xuất huyết có bị lại không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra, lâm sàng gồm sốt cao đột ngột, đau mỏi và xuất huyết. Sốt xuất huyết có các bệnh cảnh lâm sàng từ nhẹ đến nặng, đôi khi còn có trường hợp sốc do tăng tính thấm thành mạch, hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Có thể tử vong nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.  

1. Sốt xuất huyết có bị lại không?

Virus dengue, họ Flaviviridae, nhóm Arbovirus, có 4 týp huyết thanh là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type này đều có thể gây dịch sốt xuất huyết. Mỗi lần mắc bệnh là do 1 týp Dengue xâm nhập vào cơ thể.

Các nghiên cứu cho thấy, D2 có liên quan tới sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết có sốc. Nhiễm virus dengue lần đầu tạo ra miễn dịch bền suốt đời với týp đã nhiễm, miễn dịch chéo một phần với 3 týp còn lại và có tính bảo vệ nhất thời (6 tháng). 

Vì thế, mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị lại. Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 týp dengue. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít người mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 4, thường chỉ bị 2 hoặc 3 lần.

Lần bị sau thường nặng hơn lần bị trước do các kháng thể của 2 hoặc 3 týp virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể con người. Các phản ứng sốt, đau mỏi, xuất huyết sẽ trầm trọng hơn. Chính vì thế, khi mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hay thứ 3, bạn không nên chủ quan mà cần đến ngay bệnh viện để được khám và được điều trị kịp thời.

2. Dịch tễ sốt xuất huyết

Virus dengue có mặt và gây bệnh ở hầu như tất cả mọi nơi trên thế giới.

2.1 Trên thế giới 

Có khoảng 400 triệu trường hợp sốt xuất huyết xảy ra trên toàn thế giới hàng năm, chủ yếu ở các vùng khí hậu nhiệt đới nơi muỗi phát triển mạnh.

Lần đầu tiên dengue xuất huyết ở Philippine (1953), sau đó Đông Nam Á, các quần đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước khác. 

lieu-sot-xuat-huyet-co-bi-lai-khong-neu-da-tung-mac-voh-1
Các khu vực có số người mắc sốt xuất huyết cao (Nguồn: Internet)

Các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất bao gồm:

  • Châu Phi cận Sahara
  • Trung Mỹ
  • Mexico
  • Vùng Ca-ri-bê
  • Những hòn đảo Thái Bình Dương
  • Nam Mỹ (ngoại trừ Argentina, Chile và Paraguay)
  • Đông Nam Á (đặc biệt là Thái Lan, Singapore)
  • Miền Nam Trung Quốc
  • Đài loan
  • Phần phía bắc của Úc

Xem thêm: Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nếu phòng tránh không đúng cách

2.2 Ở Việt Nam

Sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, dịch thường xảy ra cuối hè, đầu mùa mưa. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung là vùng lưu hành cao, chiếm 84% số mắc của cả nước. 

Chu kỳ dịch 3 - 4 năm. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ từ 3 - 9 tuổi, thanh thiếu niên và trung niên. Tỷ lệ về giới tính là ngang nhau. Trước đây dịch ở thành phố, thị xã, nay lan rộng đến nông thôn. 

Các tỉnh phía nam, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh lên đến 90%. Trong khi ở phía Bắc, tỷ lệ người lớn trong các vụ dịch là 9.6% - 38.6%. 

3. Vật trung gian của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết không thể truyền trực tiếp từ người sang người, muỗi cái Aedes là véc tơ truyền bệnh. Người là vật chủ chính, ngoài ra loài khỉ ở rừng Mã lai và Tây Phi cũng đóng vai trò vật chủ. 

Xem thêm: Hiểu rõ con đường lây nhiễm của sốt xuất huyết để bớt băn khoăn 'bệnh có lây hay không?'

Trong cơ thể muỗi, virus lây nhiễm vào ruột và sau đó lây lan sang các tuyến nước bọt trong khoảng thời gian 8 - 12 ngày. Sau thời gian ủ bệnh này, virus được truyền sang người qua vết đốt của muỗi Aedes cái.

lieu-sot-xuat-huyet-co-bi-lai-khong-neu-da-tung-mac-voh-2
Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Internet)

Nước ta, Aedes aegypti là muỗi truyền bệnh chính, có mặt hầu hết các tỉnh, trừ Đà lạt, vùng núi cao - khí hậu lạnh  phía bắc. Muỗi Aedes aegypti có các đặc điểm sau:

  • Sống gần nhà hoặc trong nhà, đẻ trứng ở trong nước (vật thải rắn đọng nước như vỏ đồ hộp, lốp xe, vỏ chai, hốc cây, hoặc chum vại chứa nước, hòn non bộ...). Đậu ở chỗ treo áo quần, bàn tủ, ít khi ở tường.  
  • Muỗi đốt người nhiều nhất lúc 9 -10giờ sáng và hoạt động đến 17 - 18 giờ.  
  • Chu kỳ phát triển: trứng thành nhộng rồi muỗi trưởng thành.  
  • Muỗi phát triển ở 20 - 30 độ C, chu kỳ phát triển nhanh 9 ngày, trung bình 12, chậm 20 ngày. 

Ngoài ra, người ta còn phân lập virus ở muỗi Aedes albopictus tại Châu Á - Thái Bình Dương, hiện đã xuất hiện một số nơi trên thế giới, kể cả nước ta.

Xem thêm: Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?

4. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết tái phát

Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết có thể tái phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  • Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam thường lớn, nghiêm trọng và rất khó kiểm soát. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong cuộc đời mình. Bởi vậy, nếu đã từng mắc bệnh, mọi người không nên chủ quan, lơ là mà càng phải chú ý phòng dịch, vì các lần mắc sau bệnh thường nghiêm trọng và nguy hiểm hơn lần mắc trước.

Bình luận