Bệnh thủy đậu là gì? Phân biệt bệnh thủy đậu, phỏng dạ, trái rạ và đậu mùa?

(VOH) - Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter. Đây là bệnh lành tính nhưng rất dễ gây ra nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, thậm chí là dẫn đến tử vong.

1. Bệnh thủy đậu là gì? Bệnh phỏng dạ, trái rạ là gì?

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là phỏng dạ, bỏng dạ hoặc trái rạ, cháy rạ, dù tên gọi khác nhau nhưng thực chất đây cùng là một bệnh.

1.1 Bệnh thủy đậu là bệnh gì?

Bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do vi rút Varicella Zoter gây ra, khả năng lây lan cực cao, dễ bùng phát thành dịch.

Bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành, đặc biệt là dễ xảy ra với người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện như trẻ nhỏ, người già và phụ nữ đang mang thai.

Triệu chứng dễ thấy của bệnh là mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Vi rút gây bệnh thủy đậu có nhiều trong hầu họng của người bệnh và trong mụn nước khắp cơ thể.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu là nổi mụn nước ở mặt, chi, sau đó lan nhanh ra toàn thân trong 12 - 24 giờ. Mụn nước có đường kính từ 1 - 3mm, chứa dịch trong dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng. Trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hoặc khi bị nhiễm trùng, mụn sẽ có màu đục do chứa mủ.

Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày và rất dễ lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng hoặc lây qua đường hô hấp. Đáng chú ý, bệnh có thể lây lan trước khi người bệnh ra mụn nước và khi mụn nước đã khô trong vòng 3 tuần. 

Bệnh thủy đậu là gì? Phân biệt bệnh thủy đậu, phỏng dạ, trái rạ và đậu mùa?

Bệnh thủy đậu dễ xảy ra với người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện như trẻ nhỏ, người già và phụ nữ đang mang thai. (Ảnh: Medical News Today)

1.2 Tình hình bệnh thủy đậu ở Việt Nam

Chỉ tính riêng năm 2017, nước ta có khoảng gần 39.000 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 45,9% so với năm trước đó. Còn trong 2 tháng đầu năm 2018, số ca mắc thủy đậu gia tăng với khoảng 3.000 người mắc/tháng.

Thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân, thường bắt đầu vào tháng 1, tăng mạnh và đỉnh điểm vào tháng 3. Dù được đánh giá là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

2. Phân biệt bệnh thủy đậu với bệnh đậu mùa, sởi, tay chân miệng

Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em từ 1-14 tuổi (90%), trong đó hay gặp nhất ở trẻ từ 2-8 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ nhỏ có thể sốt nhẹ, biếng ăn; người lớn sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Nốt phỏng nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu.

Bệnh thủy đậu là gì? Phân biệt bệnh thủy đậu, phỏng dạ, trái rạ và đậu mùa?

Mụn nước của bệnh thủy đậu gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu. (Ảnh: infogyor)

2.1 Phân biệt thủy đậu và đậu mùa

Không giống bệnh thủy đậu, bệnh đậu mùa là bệnh do vi rút Variola thuộc loài Orthopoxvirus gây ra. Vi rút Variola có 2 chủng vi rút là Variola major gây bệnh đậu mùa nặng - tỷ lệ chết/mắc từ 20 - 50%; Variola minor gây bệnh đậu mùa nhẹ có tỷ lệ chết dưới 1%. Tuy nhiên, tính trung bình tỷ lệ gây chết người ở bệnh đậu mùa khoảng 15-20%. Theo thống kê của WHO, từ năm 1978 đến nay, bệnh đậu mùa không còn xuất hiện và sẽ không quay trở lại.

Bệnh đậu mùa là bệnh nhiễm vi rút toàn thân có một số đặc điểm nổi bật là sốt cao 40 độ C, khó chịu, đau đầu, mệt lử, đau lưng dữ dội, có thể đau bụng, nôn và cuối cùng là phát ban ở da sau 2 - 4 ngày. Ban của bệnh đậu mùa phát triển qua các giai đoạn kế tiếp nhau là dát, sần, mụn nước, mụn mủ. Sau 3 - 4 tuần phát ban, các nốt ban đóng vẩy, bong tróc và để lại sẹo lõm hay các vết rỗ ở mặt.

2.2 Phân biệt thủy đậu và sởi

Bệnh sởi – một loại bệnh phát ban khác thì triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 - 40 độ C mệt mỏi, ho, chảy nước mũi, nổi hạch vùng cổ, chẩm, sau tai; viêm kết mạc (đau mắt đỏ, mắt lèm nhèm); sưng đau khớp. Các ban đỏ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh sởi, lan từ mặt xuống chân, tay và  sau đó lan ra toàn thân.

Bệnh sởi có thể xảy ra với bất cứ ai kể cả trẻ em (đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng), người lớn, phụ nữ mang thai không có miễn dịch/không được tiêm phòng sởi/được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch. Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

2.3 Phân biệt thủy đậu và tay chân miệng

Với bệnh tay chân miệng, mụn nước trong không ngứa không đau. Ban đỏ, có mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt mun nước mọc nhiều ở miệng, họng làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc. Bệnh nhân tay chân miệng cũng có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao. Trường hợp sốt cao không thể hạ là bệnh đã diễn tiến nặng. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Điểm giống nhau của các bệnh này là đều có triệu chứng khởi bệnh là sốt và nổi ban, dễ lây nếu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là có thể gây biến chứng nặng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến bệnh viện khám, theo dõi và điều trị phù hợp.

3. Bệnh thủy đậu có nguy hiểm không?

Bệnh thủy đậu được đánh giá là bệnh lành tính nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da tại nơi mọc mụn nước và nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng khó lường như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu, nặng hơn là viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, tử vong.

Bệnh thủy đậu là gì? Phân biệt bệnh thủy đậu, phỏng dạ, trái rạ và đậu mùa?

Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da bội nhiễm và để lại các vết sẹo lõm trên da về sau này.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu có thể ảnh hưởng nặng nề tới thai nhi. Đây là lý do mà các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ cần tiêm phòng thủy đậu và một số bệnh khác trước khi mang thai.

Phụ nữ mang thai trong giai đoạn thai từ 13-20 tuần, hệ miễn dịch suy giảm, nếu không tiêm phòng và vô tình mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc dị tật cho thai nhi (dị dạng sọ, đa dị tật tim, chứng đầu nhỏ…).

Những trẻ sơ sinh mắc thủy đậu do lây truyền từ mẹ cũng có thể diễn biến nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 30%.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể nhiễm bệnh thủy đậu và thông thường, người lớn nếu bị mắc bệnh sẽ nặng hơn so với trẻ em. Đặc biệt, sau khi mắc bệnh thủy đậu, người bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài, ít khi mắc bệnh lần thứ hai.

>>>  Mắc bệnh thủy đậu bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

4. Diễn biến quá trình của thủy đậu? Mắc thủy đậu nên khám ở đâu?

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày và sẽ khỏi nếu không có biến chứng. Cuối thời kì bệnh, các nốt mụn khô dần, bong vảy tạo ra vết thâm da, nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.

Với những người nào có hệ miễn dịch bị suy yếu mà mắc bệnh thủy đậu thì có thể phải mất thời gian lâu hơn để những mụn nước thủy đậu đóng vảy và bong ra. 

Trẻ em mắc bệnh thủy đậu cần cách ly ở nhà trong 7 ngày. Nếu trẻ tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Người lớn mắc bệnh thì nên ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác và không được đi làm.

Bệnh thủy đậu dù ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra biến chứng xấu, do đó, khi phát hiện nhiễm bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để khám và điều trị. Đặc biệt, không nên ở nhà tự chữa vì có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và bệnh nặng hơn.

Bệnh thủy đậu có lây không? Bệnh thủy đậu lây qua đường nào? Hãy đón xem bài 2 của loạt bài này “Coi chừng bị lây nhiễm thủy đậu cuối mùa xuân”.

Bình luận