Đau xương cụt và mẹo giảm đau tại nhà

(VOH) - Đau xương cụt gây ra nhiều bất tiện khi vận động, nhất là ảnh hưởng không nhỏ đến việc đứng lên và ngồi xuống. Vậy đau xương cụt là gì, nó có gây nguy hiểm gì không?

1. Hiện tượng đau xương cụt là gì?

Xương cụt là phần xương cuối cùng của cột sống, được cấu tạo bởi 5 đốt sống thành hình tam giác và nối với xương hông. Xương cụt rất nhỏ nhưng lại đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng. Nó giúp giữ cân bằng khi bạn ngồi và cố định các nhóm cơ, gân cũng như dây chằng xung quanh.

Đau xương cụt thường xuất hiện khi bạn ngồi trong thời gian dài. Nó là tình trạng đau tập trung ở phần dưới cột sống, ngay sau hông, nơi có nhiều đốt xương.

2. Nguyên nhân gây đau xương cụt

Bạn có thể bị đau xương cụt do các nguyên nhân như:

  • Mắc phải các bệnh lý về xương khớp gây đau xương cụt như: thoái hóa khớp, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, gai đốt sống,…
  • Bị đau xương cụt khi mang thai: Trong 3 tháng cuối thai kỳ, những dây chằng liên kết với xương cụt thay đổi. Vì lý do này, phụ nữ mang thai càng có nguy cơ bị đau xương cụt hơn.
  • Phụ nữ mắc bệnh phụ khoa (viêm cơ quan sinh dục, khối u ở khoang xương chậu, vị trí tử cung bất thường,…) hay bệnh lý nội tiết, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,…cũng là nguyên nhân khiến chị em phụ nữ bị đau vùng xương cụt.
  • Do chấn thương xương cụt, có thể do bạn ngồi lâu trên bề mặt cứng hoặc té ngã ảnh hưởngđến vùng xương cụt.

dau-xuong-cut-va-meo-giam-dau-tai-nha-voh-1

Chấn thương xương cụt là nguyên nhân phổ biến gây đau xương cụt (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, tình trạng đau ở xương cụt còn xuất phát từ các nguyên nhân như thừa cân, phụ nữ đặt vòng tránh thai không đúng kỹ thuật, làm việc nặng nhọc không nghỉ ngơi, thiếu hụt canxi,…Theo một vài ước tính, đau xương cụt ở nữ giới phổ biến hơn gấp 5 lần so với nam giới. Nguyên nhân có thể do chấn thương xương cụt trong khi sinh.

3. Triệu chứng đau phần xương cụt

Có lẽ bạn chưa từng chú ý đến xương cụt cho đến khi chúng lên cơn đau. Những biểu hiện sau đây cho thấy, bạn đang bị đau xương cụt cần phải đi khám ngay:

  • Đau ở xương cụt mà không đau ở vùng lưng dưới.
  • Đau khi đứng dậy và sau khi ngồi xuống.
  • Thường xuyên phải đi vệ sinh hoặc đau khi đi vệ sinh.
  • Giảm đau khi ngồi lên cẳng chân hoặc ngồi một bên mông.

Khi có những triệu chứng này bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán. Xác định được triệu chứng sẽ giúp có thêm thông tin để bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.

4. Đau xương cụt có nguy hiểm không?

Đau xương cụt có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào mức độ đau, nguyên nhân gây đau và tuổi tác của bệnh nhân.

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp đau xương cụt do một số bệnh lý xương khớp, chấn thương hay đau nhức khi làm việc quá sức đều không gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh chỉ cần thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ sớm thoát khỏi cơn đau nhức này.

5. Điều trị đau xương cụt

Với tình trạng đau xương cụt, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung canxi cho cơ thể. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp với các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt hoặc dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Trong quá trình nghỉ ngơi để hồi phục thì người bệnh không chơi thể thao, vận động mạnh và ngồi nhiều trong thời gian dài. Nếu cơn đau xương cụt không cải thiện thì nên đi tái khám tại cơ sở y tế uy tín hơn để tìm nguyên nhân chính xác và điều trị đúng cách.

dau-xuong-cut-va-meo-giam-dau-tai-nha-voh-2

Xác định nguyên nhân gây đau xương cụt để điều trị hiệu quả (Nguồn: Internet)

6. Mách bạn một số cách giảm đau xương cụt tại nhà

Để giảm đau xương cụt, bạn cũng có thể tham khảo một số cách làm sau đây:

6.1 Chườm đá

Chườm đá có thể giúp giảm đau và viêm xương xương cụt. Trong 48 tiếng đầu sau chấn thương, bạn có thể chườm đá mỗi tiếng một lần. Quấn túi chườm đá trong khăn tắm rồi chườm lên xương cụt khoảng 20 phút một lần. Sau 48 tiếng, bạn có thể chườm đá 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 20 phút để giảm đau.

6.2 Điều chỉnh tư thế ngồi

Tư thế không đúng có thể góp phần gây đau xương cụt. Bạn nên ngồi thẳng lưng, hóp bụng, thẳng cổ và lưng hơi cong. Nếu đau dữ dội khi đứng dậy, bạn có thể hướng người về phía trước và cong lưng trước khi đứng.

Thay vì ngồi trong thời gian dài, bạn hãy thay đổi tư thế thường xuyên, hành động nghiêng sang trái hay phải cũng giúp giảm trọng lượng lên xương cụt.

6.3 Sử dụng gối dành riêng cho người đau xương cụt

Gối đặc biệt có một phần cắt khuyết dưới xương cụt được thiết kế dành riêng cho bệnh nhân bị đau xương cụt. Loại gối này giúp giảm một số cơn đau khi bạn ngồi xuống.[11] Bạn có thể tự làm gối bằng một miếng xốp cao su. Chỉ cần cắt một lỗ ở chính giữa miếng xốp để tạo thiết kế giống bệ ngồi toilet.

6.4 Phòng ngừa táo bón

Một số người sẽ bị đau khi đại tiện do đau xương cụt. Do đó, bạn nên cố gắng tránh bị táo bón bằng cách bổ sung chất xơ và nhiều nước trong chế độ ăn. Nếu cần, bạn có thể uống thuốc nhuận tràng trong thời gian xương cụt lành lại.

Bình luận