Ung thư tuyến giáp là gì, có chữa khỏi hoàn toàn được không?

(VOH) - Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1 – 2% trong các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh sẽ có tiên lượng tốt.

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp có 2 thùy bên hông, nối với nhau qua eo tuyến giáp. Tuyến giáp tiết ra nhiều hormone, gọi chung là hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp hoạt động khắp cơ thể, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, tăng trưởng, phát triển và nhiệt độ cơ thể.

1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp. Các tế bào bất thường sẽ nhân lên trong tuyến giáp, đến một lúc nào đó, chúng sẽ tạo thành một khối u.

Ung thư tuyến giáp được chia thành 4 loại chính, bao gồm:

ung-thu-tuyen-giap-la-gi-co-chua-khoi-hoan-toan-duoc-khong-voh-1

Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú thường có tiên lượng tốt (Nguồn: Internet)

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú, đây là loại thường gặp nhất, chiếm từ 70 – 80%. Thể này tiến triển chậm và thường di căn hạch cổ. Mặc dù ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ nhưng ung thư tuyến giáp loại này vẫn có tiên lượng tốt.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang chiếm khoảng 10 – 15%, thể này cũng có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
  • Ung thư tuyến giáp thể thủy, chiếm từ 5 – 10%, có liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa, chiếm tỷ lệ dưới 2%, là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp và thường đáp ứng kém với điều trị.

2. Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp

Đa số các trường hợp ung thư tuyến giáp không tìm được nguyên nhân, tuy nhiên người ta xác định được một số yếu tố nguy cơ sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử chiếu tia phóng xạ để điều trị các bệnh vùng đầu cổ, đặc biệt là lúc còn nhỏ sẽ có nguy cơ phát triển thành u tuyến giáp.
  • Bị nhiễm bức xạ từ môi trường, nhưng nguy cơ này chỉ xảy ra ở rất ít bệnh nhân.
  • Đột biến gen, chiếm khoảng 20 – 25% bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp thể thủy.
  • Do không bổ sung đầy đủ i-ốt trong lượng thức ăn hàng ngày, thừa cân, nghiện rượu, thuốc lá.
  • Thừa i-ốt cũng có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp.
  • Mắc các bệnh tuyến giáp lành tính như bướu cổ, viêm tuyến giáp.

Ở phụ nữ, ngoài nguy cơ mắc phải các căn bệnh như ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng,…thì còn là đối tượng dễ mắc ung thư tuyến giáp, gấp 2 – 3 lần so với nam giới. Bệnh ung thư tuyến giáp gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi 7 – 20 và 40 – 65 tuổi.

3. Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu thường không có bất cứ triệu chứng nào. Khi bệnh phát triển, bạn sẽ thấy một số triệu chứng như sờ thấy khối u hay hạch ở vùng cổ, đau cổ, hàm hoặc tai.

Khi nhân tuyến giáp đủ lớn thì nó có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở,…Bạn cũng có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh chi phối giọng nói, tuy nhiên triệu chứng ung thư tuyến giáp này ít gặp hơn.

4. Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Ung thư tuyến giáp sẽ không nguy hiểm nếu bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì rất khó nhận biết sớm ung thư tuyến giáp. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những hạt giáp, sau đó nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư thì cần đến các bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc ung thư để xem xét đánh giá những hạt giáp này là lành tính hay ác tính.

Nếu chủ quan, không thăm khám và điều trị, ung thư tuyến giáp sẽ tiến triển nặng và có thể di căn đến thực quản, khí quản, động tĩnh mạch,…Khi đó, quá trình phẫu thuật bóc tách khối u di căn sẽ phức tạp và nguy hiểm cho người bệnh.

Vì vậy, nếu nằm trong nhóm yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp thì bạn nên tầm soát định kỳ.

5. Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Ung thư tuyến giáp có thể điều trị thành công, triệt căn bằng phẫu thuật và điều trị bổ trợ với I-131, kể cả với những bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển.

5.1 Phẫu thuật

Thông thường cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch cổ chọn lọc là phương pháp đầu tiên trong điều trị ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật. Đối với những trường hợp có di căn hạch cổ, bác sĩ có thể chỉ định thêm điều trị bổ trợ bằng I-131 sau phẫu thuật.

ung-thu-tuyen-giap-la-gi-co-chua-khoi-hoan-toan-duoc-khong-voh-2

Khi có dấu hiệu ung thư tuyến giáp thì nên đi khám để tầm soát sớm, điều trị hiệu quả (Nguồn: Internet)

5.2 Điều trị I-131

Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại sau khi phẫu thuật. I-131 sau khi hấp thu vào sẽ phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp. Các tế bào của các cơ quan khác trong cơ thể do không có đặc tính bắt giữ I-131 nên sẽ ít chịu tác động của dược chất phóng xạ này.

Do vậy, khi được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp bạn không nên quá lo lắng và hãy tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để sớm thoát khỏi căn bệnh này. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày để quá trình điều trị đạt hiệu quả và nhanh chóng hồi phục hơn.

6. Ung thư tuyến giáp nên ăn gì và kiêng gì?

6.1 Ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì?

Một chế độ ăn ít i-ốt sẽ được khuyến cáo trong 14 ngày trước khi điều trị. Khi tiêu thụ ít hơn 50mg i-ốt mỗi ngày, các tế bào mô tuyến giáp (bao gồm cả tế bào ung thư tuyến giáp sẽ trở nên “đói” i-ốt. Vì vậy, khi điều trị bằng iốt phóng xạ, các tế bào này sẽ bị phá hủy nhanh hơn. Để hạn chế tiêu thụ iốt, bạn nên kiêng ăn những thực phẩm sau:

  • Muối i-ốt.
  • Thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, kem và bơ.
  • Bánh mì đóng gói và bánh nướng.
  • Cá, hải sản và các sản phẩm khai thác từ biển như rau câu, rong biển và tảo.
  • Đậu nành, các sản phẩm làm từ đậu nành và các loại đậu khác.
  • Lòng đỏ trứng.
  • Không uống nước có ga và bia, rượu và cà phê.

6.2 Ung thư tuyến giáp nên ăn gì?

Dưới đây là một số thói quen ăn uống tốt mà bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần lưu ý:

  • Ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh.
  • Hãy nghiền các món ăn nếu bạn đang gặp phải chứng khó nuốt.
  • Nên chia thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn một ít, giúp bệnh nhân không còn tâm lý ngại ăn, tăng cường dưỡng chất giúp ngăn ngừa tình trạng suy nhược cơ thể.
  • Nấu chín thực phẩm để chúng mềm và dễ nuốt hơn.
  • Chọn thực phẩm giàu protein để tăng năng lượng cho cơ thể.

Hãy nhớ rằng, chế độ ăn uống hợp lý là điều quan trọng giúp quá trình điều trị ung thư tuyến giáp đạt hiệu quả nhất. Nếu vẫn còn chưa rõ về chế độ ăn thì bạn có thể hỏi trực tiếp ý kiến của người bác sĩ đang điều trị cho bạn.

Bình luận