Hội chứng hậu Covid là gì? Biểu hiện, nguyên nhân và điều trị

(VOH) – Covid-19 đang để lại ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và đời sống của người dân trên thế giới. Bên cạnh nỗi lo tái nhiễm bệnh thì nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid cũng đặc biệt được quan tâm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện (gần đây nhất là Omicron) thì tỉ lệ lây nhiễm virus vẫn tăng cao. Hơn hết, các chuyên gia y khoa cũng nhận thấy dù ở giai đoạn dương tính với virus Covid-19, người bệnh cảm thấy “khỏe như vâm” song khi âm tính trở lại có thể bị hội chứng hậu Covid “quật ngã”.

Vậy hội chứng hậu Covid là gì và nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tường tận hơn.

1. Hội chứng hậu Covid là gì?

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết hội chứng hậu Covid xảy ra ở người bệnh có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ thời điểm dương tính. Theo đó, các di chứng kéo dài ít nhất 2 tháng ngay cả khi đã âm tính trở lại, thậm chí xuất hiện ở cả nhóm người vốn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong thời gian mắc bệnh. 

hoi-chung-hau-covid-la-gi-bieu-hien-nguyen-nhan-va-dieu-tri-voh-0
Hội chứng hậu Covid xảy ra ở những bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh (Nguồn: Internet)

2. Hội chứng hậu Covid có những dấu hiệu gì?

Hội chứng hậu Covid có thể xuất hiện ở bất cứ người nhiễm Covid-19 nào bởi theo ước tính có tới 80% bệnh nhân sau hồi phục sẽ phải đối mặt với ít nhất một triệu chứng dai dẳng. Cụ thể, dưới đây là những dấu hiệu thường gặp trong giai đoạn hậu Covid:

2.1 Cơ thể mệt mỏi

Sau khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu và đạt kết quả âm tính SARS-CoV-2, người bệnh dường như đã trải qua “trận ốm lớn”, do vậy, hiện tượng cơ thể mệt mỏi là điều rất khó tránh khỏi. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy “cạn pin”, thiếu năng lượng hoạt động và thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày song dễ mất ngủ ban đêm.

Xem thêm: Cơ thể mệt mỏi và thường xuyên muốn ‘sập nguồn’ thì bạn nên biết sớm 8 nguyên nhân này

2.2 Ho kéo dài

Ho kéo dài là một trong những triệu chứng cực kì phổ biến ở thời kì đã âm tính với Covid-19. Theo các chuyên gia sức khỏe, cơ thể cần phải đào thải chất tiết – xác virus ra bên ngoài nên các dạng ho hậu Covid khá tương đồng với ho sau bị cảm hoặc nhiễm các virus hô hấp khác như ho nhẹ, ngứa họng nhưng cũng có thể ho sặc sụa.

2.3 Khó thở, hụt hơi

Tuy điều trị bệnh thành công, không ít người bệnh rơi vào trạng thái đuối sức, không nói được hơi dài, rất dễ hụt hơi, đồng thời cảm thấy khó thở nếu vận động nhiều hoặc leo cầu thang.

Xem thêm: Những lý do khiến hơi thở càng ngày càng nông và dễ hụt hơi

2.4 Mất mùi vị

Một vài thống kê cho thấy 41% người bệnh không ngửi được mùi (mất khứu giác và khoảng 62% không cảm nhận được mùi vị (mất vị giác) kể từ ngày thứ 3 sau khi nhiễm, di chứng tới khoảng 4 – 6 tuần dù đã khỏi bệnh.

Tới nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu yếu tố gây nên tình trạng này song họ cho rằng chúng có thể là hậu quả của việc tổn thương các dây thần kinh khứu giác và vị giác.

hoi-chung-hau-covid-la-gi-bieu-hien-nguyen-nhan-va-dieu-tri-voh-1
Tình trạng mất mùi, mất mùi rất phổ biến ở thời kì hậu covid (Nguồn: Internet)

2.5 Suy giảm trí nhớ

Không phải chỉ ở những bệnh nhân lớn tuổi mà ngay cả người bệnh trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi vẫn có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ do ảnh hưởng của Covid-19. Bạn rất khó tập trung, xử lý thông tin chậm hơn và “nhớ nhớ quên quên” ngay cả với những sự việc vừa được nhắc đến.

Xem thêm: Ăn gì bổ não? Top 16 loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe trí não bạn nên ăn

2.6 Đau nhức xương khớp

Hiện tượng đau nhức cơ bắp hay các khớp xương vừa xảy ra ở người bệnh nhiễm SARS-CoV-2, vừa ở F0 đã khỏi bệnh. Khi đó, bạn thường cảm thấy “mỏi nhừ”, gặp khó khăn trong việc cử động, nâng đỡ hay di chuyển các chi. Hơn nữa, nếu từng có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến xương khớp thì tỉ lệ mắc viêm khớp tự miễn sẽ tăng cao.

2.7 Rụng tóc

“Vực dậy” từ Covid-19, không ít người nhận thấy lượng tóc gãy rụng của mình lúc gội hoặc chải đầu nhiều bất thường, nhất là ở nữ giới. Điều này bởi tác động của virus SARS-CoV-2 đã rút ngắn vòng đời của nang tóc, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn gãy rụng (telogen).

Xem thêm: Khắc phục tình trạng rụng tóc từ những thói quen hàng ngày

2.8 Phát ban mề đay

Phát ban mề đay hay nổi mẩn ngứa, mụn nước là các di chứng tổn thương trên da dai dẳng tới 7 – 20 ngày hậu Covid. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị “ngón chân Covid” – cước đỏ, ngứa rát ở các ngón chân vô cùng khó chịu.

2.9 Rối loạn lo âu

Nỗi băn khoăn, lo lắng về sinh kế, sức khỏe hay rủi ro tái nhiệm vẫn thường trực ở những F0 đã khỏi bệnh, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới bệnh lý rối loạn lo âu, nghiêm trọng hơn là trầm cảm.

hoi-chung-hau-covid-la-gi-bieu-hien-nguyen-nhan-va-dieu-tri-voh-2
Rối loạn lo âu là hội chứng hậu Covid thường gặp (Nguồn: Internet)

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng hậu Covid

Các nhà khoa học vẫn đang “dốc sức” thực hiện nghiên cứu nhằm sớm xác định nguyên nhân gây ra hội chứng hậu Covid. Theo đó, một số giả thiết đã được đưa ra như sau:

3.1 Viêm toàn thân

Người bệnh nhiễm Covid-19 thể nhẹ hoặc nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vacxine có khả năng tự sản sinh các kháng thể tự miễn, khu trú tại một số cơ quan rồi nhanh chóng lan nhanh toàn thân, tạo ra những phản ứng tự miễn gây viêm. Tình trạng này đôi khi đã “âm thầm” diễn ra từ giai đoạn dương tính nhưng khi âm tính mới thực sự biểu hiện rõ.

3.2 Rối loạn đông máu

Đối với bệnh nhân Covid-19 từng tiên lượng nặng và bị rối loạn đông máu, dòng lưu thông máu thường tắc nghẽn, làm gián đoạn quá trình luân chuyển oxy tới các cơ quan, điển hình như tim mạch, não bộ. Chính vì thế, hoạt động trao đổi chất cũng như duy trì sự sống của cơ thể không còn hiệu quả, khiến bạn luôn mệt mỏi, kiệt sức.  

Xem thêm: Nhận biết sớm thiếu máu cơ tim qua 9 dấu hiệu này để kịp chữa trị, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim

4. Các biện pháp khắc phục hội chứng hậu Covid

Để có thể điều trị thành công hội chứng hậu Covid và “lại sức” hoàn toàn, người bệnh cần kiên nhẫn, nghiêm túc áp dụng các biện pháp cải thiện được khuyến cáo sau:  

4.1 Chế độ ăn uống lành mạnh

Cơ thể đã phải “gồng mình” để chiến đấu với virus nên ở thời kì hậu Covid, bạn hãy tập trung bồi bổ cho bản thân với một chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học. Tăng cường bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng, gồm chất đạm, carbohydrate, chất xơ, vitaminkhoáng chất. Đặc biệt, duy trì uống đủ lượng nước mỗi ngày, tuyệt đối không để mất nước.

hoi-chung-hau-covid-la-gi-bieu-hien-nguyen-nhan-va-dieu-tri-voh-3
Cố gắng bổ sung đa dạng thực phẩm để sớm hồi phục (Nguồn: Internet)

4.2 Nghỉ ngơi hợp lý

Đừng vội vã “lao mình” vào công việc sau khi vừa khỏi bệnh, tốt nhất nên xây dựng lịch trình sinh hoạt thật hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc, tránh làm việc quá sức.

Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

4.3 Vận động nhẹ nhàng

Trong giai đoạn phục hồi hậu Covid, khuyến khích bạn nên tham gia tập luyện các bộ môn phù hợp với sức khỏe như bài tập thở, yoga, thái cực quyền hay một số động tác giãn cơ nhẹ nhàng tại nhà.

4.4 Tập luyện hồi phục mùi vị

Nếu muốn sớm phục hồi chức năng giây thần kinh khứu giác và vị giác, bạn nên “chịu khó” luyện tập ngửi mùi cũng như nếm hương vị món ăn. Hãy làm quen lại từ 4 – 6 hương vị một ngày, mỗi lần cảm nhận khoảng 30 giây, để “gợi nhớ” cho não bộ.

4.5 Duy trì tinh thần thoải mái

Mặc dù không may nhiễm Covid-19 nhưng bạn đã điều trị thành công và đang dần khỏe lại, do đó không nên quá lo lắng nếu phải đối mặt với hội chứng hậu Covid. Lời khuyên là cố gắng giữ một tinh thần thoải mái nhất, lạc quan để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể, sớm quay trở lại với nhịp sống thường ngày.

Xem thêm: Thử ngay 7 liệu pháp đơn giản ‘kéo cảm xúc lên’ - giúp bạn vượt qua trầm cảm dễ dàng hơn

5. Phòng ngừa hội chứng hậu Covid

Với mục đích hạn chế tối đa tỉ lệ mắc hội chứng hậu Covid, đồng thời phòng ngừa các triệu chứng tiến triển nặng, khi phát hiện nhiễm Covid-19, bạn nên:

  • Chủ động liên hệ, khai báo với nhân viên y tế ngay từ những ngày đầu tiên nhiễm bệnh để được chỉ dẫn điều trị đúng hướng, đặc biệt là thuộc các đối tượng có bệnh lý nền.
  • Theo dõi tình hình sức khỏe bản thân, sắp xếp thăm khám tổng quát sau khi khỏi bệnh.

Trong những ngày Tết đến Xuân về này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang “hoành hành” và biến chuyển rất phức tạp. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng, hãy xây dựng một lối sống khoa học, luôn tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện tiêm phòng vacxine đầy đủ bạn nhé!

Bình luận