Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh cúm mùa

VOH - Khi thời tiết trở lạnh, người có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu dễ mắc cúm mùa. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng bệnh hiệu quả?

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi,... Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp hoặc bề mặt tiếp xúc. 

Để hiểu hơn về phương pháp điều trị cũng như phòng tránh bệnh đúng cách, hãy cũng theo dõi những chia sẻ của BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn. 

MC: Thưa bác sĩ, khi bị bệnh cúm mùa, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng phương pháp dân gian được hay không và nếu có thì đó là những phương pháp như thế nào ạ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Bệnh cúm mùa thường tiến triển lành tính và tự khỏi trong vòng từ 2 - 7 ngày. Vì vậy, những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước và ăn thêm các loại trái cây, hoa quả chứa nhiều vitamin C. 

Bên cạnh đó, người bệnh sử dụng các loại lá cây như tía tô, kinh giới, bạc hà,... chế biến thành món ăn, uống nước trà gừng để giữ ấm cơ thể. Khi có dấu hiệu sốt cao hoặc sổ mũi, bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc hạ sốt, thuốc vitamin để điều trị bệnh.

MC: Rất nhiều người nhầm lẫn cảm và cúm là một bệnh nên nghĩ rằng thuốc điều trị cảm và cúm giống nhau. Vậy thực tế thuốc trong điều trị cảm và cúm có khác nhau không, thưa bác sĩ? 

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Cảm lạnh và cúm có điểm chung là đều do virus gây nên. Bệnh cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi. Còn cúm mùa gồm các biểu hiện như sốt cao, đau nhức nhiều, ho kéo dài. Trường hợp nặng có thể gây nên các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng,... 

Tuy nhiên, đối với trường hợp mắc cúm nhẹ, việc điều trị sẽ giống như điều trị cảm lạnh thông thường bằng cách sử dụng thuốc hạ sốt và có thể điều trị tại nhà. 

MC: Nhiều người có thói quen là sử dụng thuốc không kê đơn để điều trị cúm. Vậy thì chúng ta có nên giữ thói quen này hay không? Và đó là những loại thuốc nào ạ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Cúm thường lành tính, nhưng cũng có thể thành cúm ác tính, gây ra những biến chứng nguy hiểm ở các đối tượng người già (trên 65 tuổi), người suy giảm miễn dịch hay người mắc bệnh mãn tính. 

Những trường hợp này thường có biểu hiện là ho kéo dài, viêm phổi, suy hô hấp, mệt mỏi, nôn ói, sốt, sốt cao. Khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến trung tâm y tế, bệnh viện để thăm khám và không tự ý dùng thuốc.

Đặc biệt, khi sử dụng tràn lan các thuốc kháng virus dễ gây ra tình trạng kháng thuốc. Điều đó sẽ gây khó khăn trong việc điều trị bệnh nếu bệnh nhân không may có biến chứng nặng.

Tư vấn cách chữa trị và phòng bệnh cúm mùa 1
Người bệnh nên được chỉ định dùng thuốc từ các bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào - Ảnh: Canva

MC: Thưa bác sĩ, Tamiflu là thuốc kê đơn hay không kê đơn? Khi nào cần điều trị bằng Tamiflu và thuốc có tác dụng như thế nào trong việc điều trị cúm mùa? Nhóm đối tượng nào được sử dụng Tamiflu? Nếu tự ý dùng thuốc thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm gì?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Hiện nay, nhiều người bị cúm tự ý mua thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị bệnh. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ. 

Thuốc chỉ có tác dụng sớm trong vòng 2 ngày đầu sau nhiễm. Đối tượng sử dụng là những người bị viêm phổi nặng hoặc có nguy cơ cao mắc cúm biến chứng (người có bệnh nền, người già). Nếu tự ý dùng thuốc Tamiflu có thể gây ra tác dụng phụ như trầm cảm, rối loạn hành vi.

MC: Thưa bác sĩ, kháng sinh có giúp điều trị cúm được không? Khi nào cần dùng kháng sinh để điều trị cúm mùa ạ?

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Kháng sinh chỉ dùng với trường hợp người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn. Bởi vì bản chất của cúm mùa là do virus gây ra, cho nên không sử dụng kháng sinh trong điều trị cúm mùa.

MC: Vậy thì trường hợp nào người bệnh mắc cúm mùa cần chụp X-quang và vì sao lại như vậy? Và thưa bác sĩ, hiện nay có những phương pháp xét nghiệm cúm mùa nào ạ? 

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Những trường hợp cần chụp X-Quang bao gồm bệnh nhân có biến chứng nặng như viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. 

Phương pháp để chẩn đoán cúm mùa có thể test nhanh cúm bằng cách dùng tăm bông lấy bệnh phẩm từ dịch mũi họng cho kết quả chỉ sau 10 - 15 phút.

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng phương pháp Vincimes PCA để biết kết quả từ sau 4 - 6h. Bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm từ dịch vị hầu, dịch ngoáy họng, dịch phế quản. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí khá cao. 

MC: Thưa bác sĩ, làm thế nào để trong tình hình thời tiết biến đổi như hiện nay, thêm nhiều tác nhân khác mà chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh cúm mùa? 

BSCKI. Nguyễn Thị Tuyết: Để chủ động phòng ngừa bệnh cúm mùa, mọi người nên tiêm vaccine cúm mùa hàng năm. Đồng thời, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng. 

Hãy rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Khi có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời. 

Tư vấn cách chữa trị và phòng bệnh cúm mùa 2

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận