5 triệu chứng viêm phổi mà bạn không thể bỏ qua

( VOH ) - Biết được triệu chứng viêm phổi, bạn sẽ phát hiện và điều trị sớm, kịp thời bảo vệ lá phổi khỏe mạnh cho mình.

Viêm phổi là tình trạng các thành phần chính của phổi, đặc biệt là các phế nang, tức là các đơn bị giúp phổi trao đổi khí bị tổn thương, khiến cho dưỡng khí không thể đi vào máu. Từ đó làm cho cơ thể, đầu tiên là não bị thiếu dưỡng khí. Nếu không chữa trị kịp thời, cơ thể sẽ chết vì thiếu dưỡng khí.

1. Triệu chứng của viêm phổi

Bạn có thể nhận biết bệnh viêm phổi qua những triệu chứng viêm phổi dưới đây:

1.1 Sốt

Sốt nhẹ hoặc cao có thể là dấu hiệu bệnh viêm phổi do vi khuẩn lẫn virus. Phần lớn các bệnh nhân có cơn rét run sau đó sốt cao trên 39 độ C.

Ngoài ra, đôi khi hạ thân nhiệt lại là dấu hiệu của viêm phổi do vi khuẩn.

1.2 Ho có đờm hoặc ho khan

5-trieu-chung-viem-phoi-ma-ban-khong-the-bo-qua-voh-1

Ho thường xuyên có thể bạn đã bị viêm phổi (Nguồn: Internet)

Tùy thuộc vào loại viêm phổi và các yếu tố khác nhau mà cơn ho sẽ là ho khan hay ho có đờm. Những người bị viêm phổi do vi khuẩn thường sẽ bị ho có đờm và đờm cũng sẽ đặc hơn.

1.3 Run

Những cơn ớn lạnh, run, thậm chí là “đánh bò cạp” là biểu hiện của viêm phổi. Triệu chứng này có thể xuất hiện rất nhanh.

Những cơn run, ớn lạnh đôi khi kèm theo sốt. Đây là dấu hiệu của tình trạng vi khuẩn phát triển trong máu.

1.4 Khó thở

Viêm phổi có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Vì khó thở nên người bệnh sẽ tăng nhịp thở để có đủ oxy cung cấp cho cơ thể, dẫn đến cảm giác hụt hơi, thở dốc.

Nếu viêm phổi bắt đầu ảnh hưởng đến chức năng của phổi thì máu có thể không được cung cấp đủ oxy. Trong trường hợp nặng, người bệnh phải thở bằng máy.

1.5 Đau ngực

Khó thở kèm theo ho dễ khiến bệnh nhân viêm phổi cảm thấy mệt mỏi và đau ngực. Tình trạng này kết hợp với nhiễm trùng trong phổi có thể khiến cơn đau dữ dội hơn.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng kháng sinh phù hợp sẽ rất thuận lợi cho người bệnh, tình trạng sốt và ho khạc đờm sẽ giảm trong vòng 48 đến 72 giờ. Thực tế, viêm phổi có thể phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng gì với thời gian điều trị kháng sinh kéo dài từ 5 – 10 ngày (tùy từng trường hợp cụ thể).

Nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ muộn hoặc điều trị kháng sinh không phù hợp ngay từ đầu, diễn tiến của viêm phổi sẽ nặng nề hơn. Người bệnh sẽ tiếp tục ho và sốt, xuất hiện triệu chứng khó thở do suy hô hấp, tụt huyết áp, thậm chí là trụy tim mạch do nhiễm trùng máu. Một số trường hợp có biến chứng apxe phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng trong tim, viêm não mủ, viêm khớp,…đe dọa tính mạng và để lại nhiều di chứng sau này.

Vì thế, nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào vừa được nêu trên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay, nhằm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi?

5-trieu-chung-viem-phoi-ma-ban-khong-the-bo-qua-voh-2

Thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi như:

  • Hút thuốc lá.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp – cảm lạnh, viêm thanh quản, cúm.
  • Bệnh phổi mãn tính.
  • Các bệnh mãn tính như tim, xơ gan hoặc tiểu đường.
  • Hen suyễn.
  • Có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Bị HIV hoặc ung thư.

Nhìn chung, viêm phổi là bệnh tương đối nguy hiểm, do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi bạn không nên tự ý điều trị tại nhà mà hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được khám và làm xét nghiệm chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu để chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Bình luận