Bạch truật có tác dụng gì ngoài chữa các bệnh về đường tiêu hóa?

(VOH) - Bạch truật là một vị thuốc khá phổ biến trong Đông y. Người ta thường sử dụng bạch truật trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Vậy thực tế bạch truật có tác dụng gì cho sức khỏe?

Bạch truật được coi là “thần dược trường thọ” giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt trong việc giải quyết các bệnh về đường tiêu hoá như táo bón, kiết lỵ, viêm đại tràng cấp và mãn tính. Ngoài ra, bạch truật còn có tác dụng chữa mất ngủ, giúp an thai, phù hợp cho người bệnh tiểu đường.

1. Tìm hiểu về vị thuốc bạch truật

Cây bạch truật (hay còn gọi là truật, sinh bạch truật, sơn khương, sơn liên), có tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz., thuộc họ cúc (Asteraceae).

Bạch truật được xếp vào nhóm cây thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng 0.3 - 0.8m, có thân rễ to, mọc dưới đất, thân thẳng, phân nhánh ở bộ phận trên, phần dưới hóa gỗ. Lá bạch truật mọc cách, phần dưới lá có cuống dài, phần trên cuống ngắn. Hoa nhiều, tràng hình ống, phần dưới màu trắng, phần trên màu đỏ tím. Quả bế, thuôn, dẹp, màu xám.

bach-truat-co-tac-dung-gi-voh-0
Bạch truật có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đã di thực vào Việt Nam (Nguồn: Internet)

Bạch truật có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào Việt Nam và phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du phía Bắc nước ta.

Khi sử dụng làm thuốc, người dân thường lấy rễ củ đã phơi hay sấy khô của cây bạch truật, chúng được thu hái vào mùa đông sau khi cây phát triển hơn 2 năm. Theo kinh nghiệm dân gian, phần thân rễ cây bạch truật cứng chắc, chứa nhiều dầu thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà là cây chứa nhiều chất dinh dưỡng.

2. Bạch truật có tác dụng gì trong y học hiện đại?

Các nghiên cứu y học hiện đại ghi nhận, trong bạch truật có chứa các phytochemical bao gồm sesquiterpenoids, triterpenoids, polyacetylenes, coumarin, phenylpropanoids, flavonoid, steroid, benzoquinones.

Các sesquiterpenoids, polyacetylenes và polysacarit là thành phần có hoạt tính sinh học chính và phong phú nhất trong bạch truật.

Ngoài ra, bạch truật còn chứa 1,4% tinh dầu. Trong tinh dầu gồm các chất: Atractylon (C16H180), Atractylola (CH160) Atractylenolide I, II, III, Eudesmol và Vitamin A.

Chính vì bạch truật chứa rất nhiều hoạt chất hóa học nên đối với y học hiện đại bạch truật có thể có tác dụng trong việc:

  • Cải thiện chức năng đường tiêu hóa
  • Chống viêm
  • Chống lão hóa, oxy hóa
  • Chống loãng xương
  • Kháng khuẩn
  • Điều hòa hormon tuyến sinh dục
  • Chống co thắt
  • Bảo vệ thần kinh, giúp cải thiện bệnh alzheimer,
  • Ngăn ngừa béo phì và tăng cường chuyển hóa năng lượng
  • Điều hòa miễn dịch, nội tiết tố trong cơ thể

3. Tác dụng của bạch truật trong y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, bạch truật là một loại thảo dược có thân rễ được sử dụng làm thuốc, có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm. Tác dụng của bạch truật là giúp bổ khí kiện tỳ (tiêu hóa), trừ thấp hóa, có lợi cho tỳ (lá lách) và vị (dạ dày). Thậm chí, vị thuốc này còn có thể hỗ trợ nhiều bệnh mạn tính khác nhau.  

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y từ bạch truật mà bạn không thể bỏ qua.

3.1 Chữa đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy

Bạn sử dụng bạch truật đã sao cám kết hợp với hậu phác, trần bì, đại phúc bì, tử tô, bạch chỉ, bạch linh, bán hạ (chế), cát cánh, cam thảo mỗi vị 8g và 12g hoắc hương.

Tất cả nguyên liệu bạn đem tán thành bột mịn, chia làm 2 - 3 lần uống với nước gừng tươi trong ngày, trước bữa ăn. Sử dụng bài thuốc này từ ba thang trở lên đến khi hết các triệu chứng. 

3.2 Chữa chán ăn, phân còn sống nát

Tác dụng của bạch truật giúp chữa chán ăn, phân sống nát rất hiệu quả. Bạn có thể sử dụng bạch truật, mạch nha, bạch linh đồng lượng 8g; bán hạ (chế), đẳng sâm đồng lượng 12g; hậu phác 16g; chỉ thực, hoàng liên đồng lượng 20g; cam thảo (chích gừng), can khương đồng lượng 4g.

bach-truat-co-tac-dung-gi-voh-1
Bạch truật là vị thuốc được dùng nhiều trong Đông y (Nguồn: Internet)

Đem tất cả tán mịn làm hoàn viên, dùng 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần uống 8 - 10g, trước bữa ăn. Sử dụng liên tục từ 1 - 2 tuần liền đến khi các triệu chứng thuyên giảm. 

3.3 Chữa ăn không tiêu, táo bón, kiết lỵ

Bệnh táo bón, kiết lỵ lâu ngày không khỏi, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ bạch truật. Bạn chuẩn bị bạch truật, hoàng liên, hoàng cầm, bạch linh đồng lượng 12g; chỉ thực, thần khúc đồng lượng 20g; 40g đại hoàng và 8g trạch tả.

Đem tất cả dược liệu tán mịn làm hoàn viên, dùng liền trong 1 - 2 tuần. Mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 10g, trước bữa ăn. 

3.4 Chữa viêm dạ dày cấp và mãn tính

Để chữa viêm dạ dày cấp và mãn tính, bạn nên sử dụng bài thuốc gồm 10g bạch truật, 9g trần bì, 9g hậu phác đồng lượng 9g, 6g hắc táo nhân và 8g cam thảo. Bạn đem sắc uống trong 3 - 4 tuần liền, mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, trước bữa ăn. Sau đó tùy theo tình hình bệnh có thể uống tiếp.

Bạch truật cũng được xem là một vị thuốc bổ và được dùng để chữa viêm loét dạ dày, ăn uống chậm tiêu, tiêu chảy phân sống, viêm ruột mãn tính.

Ngoài ra, với tính ôn, vị đắng và ngọt, bạch truật còn được sử dụng để chữa các bệnh sa dạ dày, sa dạ con, bệnh trĩ; giúp dưỡng huyết, an thai; chữa Áp-xe gan; mất ngủ, suy nhược cơ thể; cơ thể mệt mỏi do khí hư...

Lưu ý: Liều dùng và liều lượng của bạch truật có thể khác nhau đối với từng thể trạng bệnh nhân khác nhau. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng dược liệu này.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Các món ăn bài thuốc có bạch truật

Không chỉ được dùng trong các bài thuốc mà trong một số món ăn người ta còn thêm bạch truật để món ăn thêm phần bổ dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh.

4.1 Cháo lòng lợn bạch truật

Đây là món ăn bài thuốc giúp trị tình trạng phụ nữ bị đau bụng đầy tức trướng hơi từng cơn.

bach-truat-co-tac-dung-gi-voh-2
Bạch truật có thể được thêm vào các món ăn để tăng hiệu quả điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Cách làm: Bạch truật 40g, cau 1 quả, gừng nướng 40g, ruột lợn 1 đoạn, gạo tẻ 60g. Ruột lợn làm sạch, thái đoạn; các dược liệu thái lát, đập giập sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo với lòng lợn, khi cháo chín nhừ cho nước sắc thuốc vào, thêm gia vị đun sôi. Ăn khi đói.

4.2 Cháo bạch truật vỏ quất

Đây là món ăn có tác dụng trong việc chữa trị hội chứng lỵ mạn tính

Cách làm: Bạch truật 24g, vỏ quất 14g, gạo tẻ 100g. Bạch truật, vỏ quất sắc lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước sắc dược liệu vào, đun sôi, có thể thêm đường hoặc muối và gia vị. Ăn khi đói.

Xem thêm: Khám phá 10 công dụng tuyệt vời từ vỏ quýt chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ

4.3 Cháo nếp sâm kỳ truật táo

Món ăn này thường được dùng trong trường hợp phụ nữ bị suy nhược, bị dọa sảy thai

Cách làm: Bạch truật 12g, đảng sâm 12g, hoàng kỳ 30g, đại táo 14g, gạo nếp 50g. Sắc 4 vị thuốc lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước thuốc vào vào đun sôi lại trong vài phút. Ăn ngày 2 lần sáng, chiều.

4.4 Bánh khảo bạch truật

Món bánh khảo bạch truật thường là món ăn dành cho người cao tuổi, người bị suy nhược cơ thể, trẻ nhỏ kén ăn, tiêu chảy mạn tính.

Cách làm: Sinh bạch truật 250g nghiền nhỏ, rang chín, đại táo 250g (đồ chín bỏ hạt), bột gạo (hoặc bột mì) 500g, thêm nước giã trộn thành 10 cái bánh, hấp chín. Ăn điểm tâm ngày 1 - 2 cái.

Kiêng kỵ: Những người có chứng âm hư hỏa vượng không nên dùng các món ăn bài thuốc kể trên.

5. Một số lưu ý khi dùng bạch truật

Mặc dù bạch truật là dược liệu trị bệnh, nhưng nếu dùng không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ như :

  • Buồn nôn, khô miệng hay có mùi vị khó chịu trong miệng. 
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú chỉ được dùng thuốc khi được sự cho pháp của bác sĩ.
  • Những người bị âm hư, môi miệng khô, khát nước, bệnh hen suyễn, mụn nhọt, đau dạ dày, người ốm yếu gầy còm không nên dùng vị thuốc này.
  • Không kết hợp phòng phong, địa du với bạch truật khi làm thuốc vì có thể phản tác dụng của loại dược liệu này và gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. 
  • Cần tránh nhầm lẫn với bạch truật nam – thân rễ phơi khô của cây thổ tam thất hay cây bạch truật nam (Gynura pseudochina DC.), thuộc họ cúc (Asteraceae).

Nhìn chung, bạch truật là vị thuốc được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền. Với những thành phần hóa học được phân tích cùng với những đặc tính được Đông y nghiên cứu đã góp phần cho thấy những tác dụng của bạch truật đối với sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, trước khi sử dụng vị thuốc này hãy tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.

Bình luận