Cây cứt lợn có tác dụng gì khi được ứng dụng vào Đông y?

(VOH) - Cây cứt lợn là loài cỏ dại mọc ven đường, nhưng lại có tác dụng chữa được nhiều bệnh khác nhau. Vậy cụ thể cây cứt lợn có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Từ lâu cây cứt lợn đã được sử dụng như một vị thuốc quý để chữa rất nhiều loại bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Có thể nói, đây là loại thảo dược có giá trị tốt, dễ kiếm, không tốn kém và cách sử dụng lại đơn giản.

1. Cây cứt lợn là gì?

Cây hoa cứt lợn (hay còn được gọi là cây hoa ngũ vị, cây hoa ngũ sắc, cây bù xít, thắng hồng kế, cỏ hôi, cỏ thúi địt), có tên khoa học là Ageratum conyzoides, thuộc họ Cúc. Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau đó phát tán tự nhiên khắp nơi, trong đó có Việt Nam.

cay-cut-lon-co-tac-dung-gi-voh-0
Cây cứt lợn là một loại thảo dược mọc hoang (Nguồn: Internet)

Cây cứt lợn thuộc thân thảo mọc quanh năm, thân có nhiều lông nhỏ, mềm, cao khoảng 25 - 50 cm. Lá mọc đối xứng hình trứng hay ba cạnh, dài từ 2 - 6 cm, rộng 1 - 3 cm, vò lá đưa lên ngửi có mùi rất hắc. Hoa nhỏ mọc thành chùm, màu trắng hoặc tím xanh. Quả màu đen, có 5 sống dọc.

Cây hoa cứt lợn thường mọc hoang từ các khu đất trống, bên vệ đường, bờ ruộng hay trong vườn nhà… và được dùng phổ biến trong việc làm thuốc Đông y. Người ta dùng toàn cây bỏ rễ, đem về rửa sạch đất cát, dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô.

2. Cây cứt lợn có tác dụng gì trong y học?

Theo một vài nghiên cứu hiện đại, cây hoa cứt lợn chứa các thành phần hóa học như tinh dầu, alcaloid, saponin. Nhờ những thành phần này mà các nghiên cứu tin rằng, cây cứt lợn có tác dụng khá tốt đối với cơ thể, chẳng hạn như:

  • Có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli và tụ cầu vàng.
  • Có tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng (nghiên cứu trên động vật).
  • Có thể giúp làm giãn mạch ngoại biên.
  • Làm loãng dịch đờm và tăng dẫn lưu dịch ra khỏi hốc xoang, từ đó giúp điều trị viêm xoang, thở khò khè, nghẹt mũi.
  • Ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào.

Trong y học cổ truyền, cây cứt lợn có vị hơi đắng, tính mát, có mùi hôi. Tác dụng của cây cứt lợn được ghi nhận trong các trường hợp:

  • Giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể
  • Tiêu sưng
  • Cầm máu
  • Chống phù nề
  • Chống dị ứng trong các trường hợp sổ mũi, viêm xoang mũi dị ứng cấp và mãn tính,...

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cứt lợn

Cây cứt lợn thường được dùng như một loại thảo dược trong y học dân gian. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây cứt lợn mà bạn có thể tham khảo.

3.1 Chữa bệnh viêm xoang

Để chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng, bạn dùng 100g cây cứt lợn kết hợp với 50g lá long não và 10g lá chanh (tất cả đều dùng tươi). Những nguyên liệu trên bạn đem rửa sạch, sắc đặc, rồi đổ nước ra bát xông lên mũi. Mỗi ngày bạn xông 3 lần và dùng liên tục từ 7 - 10 ngày. Trước khi dùng, bạn nhớ hâm nóng lại cho nước sắc.

cay-cut-lon-co-tac-dung-gi-voh-1
Cây cứt lợn thường được dùng để chữa viêm xoang (Nguồn: Internet)

Hoặc bạn có thể dùng 100g cây cứt lợn tươi, rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, bạn đem giã nát, vắt lấy nước, để nhỏ vào lỗ mũi. Bạn sử dụng bài thuốc này mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 2 - 3 giọt. Chú ý, khi nhỏ bạn nên kê gối dưới hai vai để lỗ mũi dốc ngược giúp cho thuốc ngấm vào xoang dễ dàng hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng 30g cây cứt lợn cùng 16g cam thảo đất, 20g kim ngân hoa và 12g ké đầu ngựa, đem sắc uống, 2 lần mỗi ngày. Bài thuốc này nên dùng liên tục trong 10 ngày, uống sau bữa ăn trưa và tối để phát huy công hiệu.

3.2 Giúp tóc sạch gàu

Thay vì dùng lá trầu không, bạn cũng có thể sử dụng cây cứt lợn để nuôi dưỡng da đầu, trị gàu hiệu quả. Bạn sử dụng 200g cây cứt lợn tươi cùng 20g bồ kết khô. Tiếp theo, cây hoa cứt lợn bạn đem rửa sạch và nấu cùng bồ kết thành nước gội đầu và sử dụng từ 2 - 3 lần/tuần.

3.3 Hỗ trợ điều trị sỏi đường tiết niệu

Sỏi đường tiết niệu chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số các bệnh lý đường tiết niệu. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Theo dân gian, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây cứt lợn như sau: 20g cây hoa cứt lợn, 20g mã đề, 16g cam thảo đất, 16g kim tiền thảo và 12g râu ngô. Tất cả vị thuốc bạn đem sắc uống làm 2 lần trong ngày và sử dụng trong 1 tuần.

Xem thêm: Viêm đường tiết niệu ở nam giới và những bệnh lý nguy hiểm kèm theo

3.4 Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt không đều cho phụ nữ sau sinh

Thời gian kinh nguyệt sau sinh trở lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: cho con bú, lượng hormone, sức khỏe và chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi sau sinh. Trong đó tình trạng cho con bú là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sự trở lại của kinh nguyệt. 

Để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể dùng 20g cây cứt lợn, 12g hy thiêm, 10g hương phụ chế, 12g ích mẫu thảo và 16g ngải cứu. Sau đó, bạn đem sắc uống mỗi ngày 2 lần. Sử dụng bài thuốc này liên tục từ 7 - 10 ngày để đạt hiệu quả cao.

cay-cut-lon-co-tac-dung-gi-voh-2
Cây cứt lợn cũng được dùng để điều hòa kinh nguyệt phụ nữ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng 30 - 50g lá cây cứt lợn tươi, đem rửa sạch giã nhỏ. Sau đó, bạn cho thêm ít nước sôi để ấm, rồi vắt lấy nước cốt dùng uống. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng và sử dụng liên tục trong 4 ngày để cải thiện tình trạng bệnh.

3.5 Chữa viêm họng do cảm lạnh

Tác dụng của cây cứt lợn còn có công hiệu chữa viêm họng do cảm lạnh rất tốt. Bạn lấy 20g cây hoa cứt lợn, 16g cam thảo đất, 20g kim ngân hoa và 6g lá rẻ quạt, đem sắc uống. Mỗi ngày chia làm 2-3 lần uống và dùng trong 3 - 5 ngày.

Lưu ý: Các bài thuốc chữa bệnh từ cây cứt lợn cần phải được tham vấn thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Xem  thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Một số kiêng kỵ khi dùng cây cứt lợn chữa bệnh

Cỏ cứt lợn thường đường dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Đây là loại thảo dược an toàn, tuy nhiên, có một số kiêng kỵ bạn cần nhớ khi dùng cây cứt lợn, đó là:

Không dùng cây cứt lợn cho những trường hợp bị dị ứng với các thành phần của cây.

  • Cần sử dụng cây cứt lợn đúng liều lượng, không nên nấu uống hàng ngày và thay thế hoàn toàn cho nước lọc trong thời gian dài.
  • Không dùng cây cứt lợn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
  • Ngoài ra, cũng cần tránh nhầm cây cứt lợn với cỏ lào hoặc cây ngũ sắc bởi chúng có tên gọi gần giống nhau.

Như vậy, cây cứt lợn là một loại thảo dược dân gian có giá trị tốt, dễ kiếm và cách sử dụng cũng không quá phức tạp. Hy vọng với những thông tin vừa chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về cây cứt lợn để có thể sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc lương y có chuyên môn trước khi sử dụng loại dược liệu này.

Bình luận