‘Bỏ túi’ cách chế biến gừng để có ngay 7 món ngon hấp dẫn

(VOH) – Cay nồng và thơm lừng - củ gừng vốn là gia vị cơ bản góp phần làm hài hòa hương vị của các món ăn. Cùng tìm hiểu 7 cách chế biến gừng đặc biệt trong bài viết này.

Nhắc tới gừng, chúng ta thường nghĩ tới một loại củ có tính cay nóng và thích hợp để nêm nếm các món ăn ngày lạnh. Thế nhưng, thực tế củ gừng cũng có thể được thêm vào cả những món ăn vốn rất đặc trưng của mùa hè nữa đấy. Cùng khám phá ngay sau đây nhé. 

1. Gà kho gừng

Thịt gà kho mềm, ngọt đậm đà, quyện với vị cay nồng vừa đủ từ những lát gừng, ăn kèm với cơm nóng thì tuyệt ngon! 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-0
Thịt gà kho gừng thơm đậm đà (Nguồn: Internet) 

1.1 Nguyên liệu

  • Thịt gà: 700g
  • Gừng: 1 củ nhỏ (khoảng 50g)
  • Gia vị: Nước mắm, hạt tiêu, hành tím, bột ngọt

1.2 Cách làm gà kho gừng

  • Rửa sạch thịt gà với nước muối loãng (hoặc rượu trắng) để khử mùi hôi. Sau đó, chặt thành các miếng nhỏ vừa ăn. Ướp thịt gà với chút nước mắm, hạt tiêu và bột ngọt rồi bảo quản trong tủ lạnh khoảng 20 – 30 phút cho ngấm vị. 
  • Băm nhỏ hành tím, gừng cắt thành sợi dài mỏng. Phi thơm hành tím và gừng. Kế đến cho gà vào đảo đều, lúc này nên vặn lửa nhỏ để thịt gà không bị khô. Khi thịt gà chín săn lại thì thêm nước lọc vào và hầm. 
  • Đun tới khi nước sệt sệt lại, thịt gà mềm thì tắt bếp và thưởng thức. 

Xem thêm: Thịt gà bao nhiêu calo? 7 lợi ích tuyệt vời của thịt gà bạn không thể bỏ qua

2. Trà gừng

Từ xa xưa, trà gừng đã là một trong những bài thuốc hỗ trợ điều trị cảm lạnh hữu hiệu, chỉ cần nhấp vài ngụm trà thơm thơm này sẽ thấy ấm trong người. 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-1
Trà gừng thơm thơm, làm ấm cơ thể, trị cảm lạnh hiệu quả (Nguồn: Internet) 

2.1 Nguyên liệu

  • Gừng: 50g
  • Nước đun sôi: 300ml
  • Mật ong: 2 – 3 muỗng cà phê 

2.2 Cách làm trà gừng

  • Tiến hành cạo sạch vỏ gừng, cắt thái lát mỏng hình tròn. 
  • Cho gừng vào ly nước lọc đun sôi, chờ khoảng 5 – 7 phút để gừng ngấm nước. 
  • Trước khi uống có thể cho thêm mật ong. 

3. Mứt gừng

Không cầu kì, hay phải tìm kiếm các nguyên liệu cao sang, đơn giản chỉ là chuẩn bị củ gừng tươi và bắt tay vào sên mứt, bạn sẽ có ngay món mứt vừa ấm bụng vừa giúp cải thiện sức khỏe. 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-2
Mứt gừng cay nhẹ lẫn vị ngọt thanh (Nguồn: Internet) 

3.1 Nguyên liệu

  • Gừng: 500g
  • Đường cát trắng 

3.2 Cách làm mứt gừng

  • Rửa sạch gừng để loại bỏ bụi bẩn bên ngoài, kế đến gọt vỏ và cắt thành lát hình tròn. 
  • Ngâm rửa gừng với nước lạnh, sau đó đun cùng nước sôi khoảng 30 phút để giảm bớt vị cay. 
  • Trộn đều lượng gừng vừa đun sôi với đường. Sên mứt gừng ở lửa nhỏ, đảo đều tay cho tới khi đường tan và kết dính trên miếng gừng thì có thể dùng được. 

4. Thịt bò kho gừng

Thịt bò được tẩm ướp kĩ lượng, đem kho mềm cùng gừng phi thơm khiến cả nhà cứ “ghiền” ăn mãi! 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-3
Thịt bò kho gừng mềm thơm, đậm vị (Nguồn: Internet) 

4.1 Nguyên liệu

  • Thịt bò nạm: 500g
  • Gừng: 100g
  • Gia vị: tỏi, nước mắm, hạt tiêu, đường

4.2 Cách làm thịt bò kho gừng

  • Làm sạch thịt bò với nước muối loãng để khử mùi hôi và tránh bị nhiễm sán. 
  • Cạo sạch vỏ gừng, một phần thái sợi và một phần đập dập. 
  • Tỏi cũng bóc vỏ rồi băm nhuyễn. 
  • Ướp thịt bò với nước mắm, hạt tiêu, tỏi và gừng băm nhỏ khoảng 30 phút để ngấm gia vị. 
  • Phi thơm tỏi và gừng thái sợ, sau đó cho thịt bò vào đảo cùng khoảng 5 phút, khi thịt săn lại thì thêm đường. Cho nước lọc ngập phần thịt bò, tiếp tục đảo khoảng 3 phút rồi đun lửa liu diu, tới khi sôi và thử thịt bò mềm thì tắt bếp.  

Xem thêm: 4 công dụng tuyệt vời của thịt bò và nguy cơ rủi ro không phải ai cũng biết

5. Nước sấu ngâm đường gừng

Nước sấu ngâm đường gừng có lẽ là thức uống làm nên “thương hiệu” của mùa hè ở một số tỉnh thành phố ở miền Bắc nước ta. Những quả sấu giòn giòn thấm vị ngọt của đường, xen lẫn vị cay nhẹ từ gừng, thử một lần cũng khiến bạn nhớ mãi! 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-4
Sấu ngâm đường gừng - thức uống giải khát ngày hè (Nguồn: Internet) 

5.1 Nguyên liệu

  • Quả sấu: 1kg
  • Gừng: 50g
  • Đường vàng

5.2 Cách làm nước sấu ngâm đường gừng

  • Rửa sạch sấu, cạo sạch vỏ rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 1 tiếng. Sau đó, khía quả sấu theo hình xoắn ốc để khi ngâm đường nhanh ngấm hơn. 
  • Đun chín sấu tới độ chuyển màu vàng thì tắt bếp, vớt ra. 
  • Đun sôi nước rồi cho đường vào khuấy tan hoàn toàn, cho gừng đã thái lát mỏng vào, đun khoảng 5 phút thì tắt bếp. 
  • Khi nước đường nguội, hòa sấu vào ngâm cùng trong vòng 3 – 5 ngày là có thể dùng. 

Xem thêm: Không chỉ giúp bà bầu đỡ nghén, quả sấu còn mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

6. Canh gừng chay

Gừng vẫn là gia vị quen thuộc của các món ăn trong ngày hè, trong đó phải kể đến canh gừng chay. Vị cay ấm của gừng sẽ làm cân bằng âm dương và điều vị món ăn. 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-5
Canh gừng chay ngọt lành (Nguồn: Internet) 

6.1 Nguyên liệu

  • Gừng: 50g
  • Nấm hương: 300g
  • Đậu phụ: 2 miếng 
  • Cà rốt: 1 củ
  • Gia vị: nước mắm, hành tím, hành lá 

6.2 Cách làm canh gừng chay

  • Cạo sạch vỏ gừng rồi cắt thái sợi. 
  • Gọt vỏ cà rốt, cắt thành lát hình tròn hoặc hình bông hoa. 
  • Nấm hương cắt bỏ phần gốc, ngâm nước muối để nở mềm. 
  • Cắt đậu phụ thành miếng vừa ăn. 
  • Hành tím băm nhỏ rồi phi thơm cùng gừng thái sợi. Sau đó cho lượng nước theo khẩu phần ăn. Nước sôi, cho cà rốt cùng nấm hương vào hầm trước. 
  • Khi cà rốt chín mềm, nêm nếm gia vị rồi cho đậu phụ vào. Đun thêm khoảng 5 phút nữa, thấy sôi thì tắt bếp. Trước khi dùng, hãy cắt thêm hành lá. 

Xem thêm: Phòng tránh các bệnh ung thư bằng cách ăn đậu phụ và 5 bước đơn giản để làm đậu phụ tại nhà

7. Chè nếp gừng

Khi chè được nấu sánh mịn cái dẻo thơm của gạo nếp đượm vị cay từ gừng khiến ai ăn cũng xuýt xoa! 

bo-tui-cach-che-bien-gung-de-co-ngay-7-mon-ngon-hap-dan-voh-6
Chè nếp gừng dẻo thơm, hấp dẫn (Nguồn: Internet) 

7.1 Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 200g
  • Gừng: 50g
  • Đường vàng

7.2 Cách làm nước chè nếp gừng

  • Vo sạch gạo nếp, ngâm khoảng 1 – 2 tiếng để gạo nở mềm. 
  • Gừng rửa sạch, cạo vỏ. Chia làm 2 phần: 1 phần thái lát sợi, 1 phần băm nhỏ. Hòa một chút nước với phần gừng đã băm nhuyễn để lọc lấy nước cốt gừng. 
  • Tiến hành nấu chín gạo nếp, lưu ý khi cho nước nấu chỉ cần đo lượng nước chạm tới đốt ngón tay thứ 3 là được. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng mở nắp khuấy đều. 
  • Sau khoảng 1 tiếng, gạo vừa chín tới, thêm nước cốt gừng vào đun cùng. Kế đến thêm đường vào khuấy đều tới khi tan. Đợi chè sôi thì tắt bếp và dùng món. 

Chỉ cần thêm vào một vài lát gừng nhỏ, nêm nếm cho món ăn nhưng có thể giúp hương vị trở nên hấp dẫn và trọn vẹn hơn. Hy vọng rằng với những công thức chế biến trên đây, bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn để “trổ tài” đãi cả nhà nhé.

Bình luận