7 tác hại của nghệ khiến bạn dù thích cũng không dám ăn nhiều

(VOH) – Củ nghệ được dùng như một loại gia vị tạo màu sắc cho món ăn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sẽ phải đối mặt với các tác hại của nghệ nếu đang hấp thụ curcumin hay dùng nghệ ở mức độ cao.

Củ nghệ được trồng khắp mọi nơi ở nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Với màu vàng tươi đặc trưng, nghệ luôn có mặt trong hầu hết các món ăn. Hợp chất curcumin là thành phần chính trong củ nghệ, có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các tình trạng liên quan đến viêm.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều nghệ hay thành phần curcumin trong nghệ bạn có thể sẽ phải đối mặt với một số mối lo ngại cho sức khỏe.

1. Tại sao nghệ được nhiều người dùng?

Nghệ là 1 loại gia vị phổ biến, có màu vàng cam, thường dùng trong nấu ăn, làm thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Trong củ nghệ có chứa chất curcumin, hợp chất này có tác dụng điều trị các vấn đề liên quan đến chứng viêm.

Không chỉ như thế, nhiều người sử dụng nghệ bởi vì những lợi ích sức khỏe nó mang lại như:

  • Giúp giảm viêm: những loại thuốc hay thực phẩm có chứa hợp chất curcumin có khả năng giúp giảm viêm hiệu quả.
  • Cải thiện tình trạng chống oxy hóa: hợp chất curcumin và các curcumin khác là những chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp cơ thể cải thiện tình trạng chống oxy hóa.
  • Tăng cường chức năng mạch máu: hợp chất curcumin có thể giúp các mạch máu giãn nỡ tốt hơn, làm tăng lưu lượng, quá trình lưu thông máu và giảm huyết áp.
  • Giảm nguy cơ đau tim: nhờ tác dụng chống viêm nên có thể làm giảm nguy cơ đau tim.

2. Tác dụng phụ của nghệ là gì?

Theo nhiều nghiên cứu, cả nghệ và curcumin (thành phần chính trong nghệ) đều được coi là an toàn và không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải một tác hại của nghệ khi dùng chúng với liều lượng lớn hoặc sử dụng dưới dạng chất bổ sung.

6-tac-hai-cua-nghe-khien-ban-du-thich-cung-khong-dam-an-nhieu-voh-0
Lạm dụng nghệ bạn có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe (Nguồn: Internet)

2.1 Gây sỏi thận

Trong củ nghệ chứa khoảng 2% chất oxalat. Nếu sử dụng chất này với liều cao, chúng có thể liên kết với canxi tạo thành canxi oxalat không hòa tan, góp phần gây ra sỏi thận.

2.2 Không tốt cho mật

Các thành phần trong nghệ có khả năng làm tăng tiết mật, dẫn đến co thắt túi mật nên người có vấn đề về mật không nên sử dụng nghệ hoặc curcumin có trong nghệ.

2.3 Gây ra các vấn đề ở đường tiêu hóa

Chất curcumi trong nghệ nếu được sử dụng với liều dùng cao có thể sẽ gây ra một số vấn đề như đầy hơi, trào ngược axit, tiêu chảy....

2.4 Đau đầu và buồn nôn

Tiêu chảy và buồn nôn là 2 triệu chứng phổ biến liên quan đến việc dùng bột nghệ không đúng liều lượng. Điều này do chất curcumin trong củ nghệ sẽ có xu hướng gây kích ứng đường tiêu hóa.

Xem thêm: Đặc điểm nhận diện cơn đau đầu là triệu chứng của bệnh nguy hiểm

2.5 Gây dị ứng

Mặc dù không phổ biến nhưng một số người có thể bị nổi mề đay khi có tiếp xúc với nghệ. Vì nghệ thuộc họ gừng nên bạn sẽ có nguy cơ bị dị ứng với nghệ cao hơn nếu bị dị ứng với gừng hoặc những người bị dị ứng với màu thực phẩm màu vàng.

6-tac-hai-cua-nghe-khien-ban-du-thich-cung-khong-dam-an-nhieu-voh-1
Một số người có thể bị nổi mề đay khi có tiếp xúc với nghệ (Nguồn: Internet)

2.6 Chứa hóa chất không an toàn

Một số loại tinh bột nghệ có thể bị pha trộn với một thành phần có khả năng độc hại nhưng không được liệt kê trên nhãn, chẳng hạn như metanil – chất có thể gây ung thư và tổn thương thần kinh khi tiêu thụ một lượng lớn.

Một số loại bột nghệ cũng có thể bị pha thêm bột mì, lúa mạch,... sẽ gây ra các triệu chứng bất lợi cho những người không dung nạp gluten hoặc bệnh celiac.

Ngoài ra, một vài loại tinh bột nghệ cũng có thể chứa nhiều chì hoặc một loại kim loại nặng đặc biệt độc hại đối với hệ thần kinh.

Xem thêm: Nguy cơ mắc bệnh Celiac từ chế độ ăn chứa nhiều gluten ở trẻ em

2.7 Tương tác bất lợi giữa nghệ và thuốc

Cùng với những phản ứng phụ bạn có thể gặp phải khi dùng nghệ quá nhiều, nghệ cũng có thể gây ra những tương tác bất lợi đối với một số loại thuốc, chẳng hạn như:

Thuốc chống đông máu

Chất curcumin trong nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư và chống huyết khối. Với đặc tính chống huyết khối, nghệ trở nên “nguy hiểm” khi kết hợp với thuốc làm loãng máu.

Dùng nghệ với thuốc làm loãng máu, chống kết tập tiểu cầu, có thể làm tăng tác dụng của chúng và làm tăng nguy cơ chảy máu bên trong. Do nghệ có tác dụng làm loãng máu, nên người chuẩn bị phẫu thuật nên ngưng ăn nghệ ít nhất 2 tuần.

Thuốc kháng axit dạ dày

6-tac-hai-cua-nghe-khien-ban-du-thich-cung-khong-dam-an-nhieu-voh2
Không dùng nghệ khi bạn đang dùng thuốc kháng axit dạ dày (Nguồn: Internet)

Nghệ có thể giúp trung hòa axit dạ dày, nhưng nếu kết hợp nghệ với các loại thuốc kháng axit như cimetidine, famotidine, ranitidine, omeprazole sẽ làm tăng sản xuất axit dạ dày, gây ra các triệu chứng buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, tổn thương niêm mạc thực quản...

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Dùng nghệ với một số loại thuốc điều trị hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường sẽ khiến lượng đường huyết giảm nhiều hơn, gây ra các chứng hạ đường máu với những biểu hiện run rẩy, lo âu, mờ mắt, mê sảng và suy giảm chức năng của thận.

Thuốc kháng histamin

Những người đang dùng thuốc kháng histamin không nên sử dụng nghệ, vì sự kết hợp này có thể gây ra các phản ứng dị ứng như phát ban, khó thở, thậm chí gây sốc phản vệ.

3. Dùng nghệ bao nhiêu là an toàn?

Không có một khuyến nghị chính thức nào về việc sử dụng nghệ cũng như hàm lượng tối đa có thể được dung nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung là bạn không nên dùng quá liều lượng khuyến nghị được in sẵn trên bao bì.

Theo Ủy ban chuyên gia hỗn hợp FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA), những người theo chế độ ăn kiêng có thể sử dụng nghệ khoảng 3mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. 

Có thể thấy, củ nghệ chứa nhiều lợi ích sức khỏe và cũng chứa không ít rủi ro nếu bạn lạm dụng thực phẩm này quá nhiều. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của nghệ không quá nghiêm trọng, nhưng hãy sử dụng chúng trong giới hạn cho phép để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, bạn nhé!

Bình luận