‘Mách nhỏ’ 6 cách chế biến quả vải hấp dẫn, tốt cho sức khỏe

(VOH) – Ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, vào mùa hè hầu như nhà nào cũng có sẵn chùm vải. Thế nhưng nếu bạn mới chỉ dùng để ăn tươi trực tiếp thì hãy xem ngay một vài cách chế biến quả vải độc đáo nhé.

Những trái vải đỏ au, chín mọng mang vị chua chua, ngọt ngọt cùng nguồn dưỡng chất dồi dào đã trở thành cảm hứng sáng tạo nên các món ăn hấp dẫn của rất nhiều đầu bếp trên thế giới, không chỉ ở châu Á mà còn cả các quốc gia châu Âu. Vậy thì đợi gì mà không bỏ túi một vài công thức món ăn ngay dưới đây để “trổ tài” với cả nhà nhỉ!

1. Sinh tố vải

Nhắc đến thức uống tuyệt ngon với thành phần chính là trái vải thì bên cạnh nước ép vải, bạn không thể bỏ qua món sinh tố vải. Ly sinh tố mát lạnh cùng hương thơm phức của vải tiếp thêm năng lượng, khiến ngày hè của bạn thú vị hơn rất nhiều. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-0
Sinh tố vải thơm phức, tuyệt ngon (Nguồn: Internet) 

1.1 Nguyên liệu

  • Vải: 6 – 7 trái 
  • Sữa tươi: 150ml
  • Sữa đặc (tùy thích) 
  • Nước cốt chanh
  • Đá viên 

1.2 Cách làm sinh tố vải

  • Bóc vỏ và lọc bỏ hạt vải. Sau đó trộn đều vải với sữa tươi và nước cốt chanh, nếu thích uống ngọt bạn có thể 1-2 thìa cà phê sữa đặc. 
  • Đem xay nhuyễn hỗn hợp vải, sữa, nước cốt chanh cùng một chút đá viên là có ly sinh tố vải “ngon hết sảy” để thưởng thức. 

Xem thêm: Nên uống sữa khi nào? Những điều cần lưu ý khi uống sữa

2. Chè vải hạt sen

Có thể bạn nghĩ dùng vải nấu chè chắc rất ngọt, nhưng bạn sẽ sớm thay đổi khi thưởng thức chè vải hạt sen. Hạt sen bùi bùi, thanh mát làm dịu đi vị ngọt từ cùi vải, đem tới món chè thơm ngon và giải nhiệt hiệu quả. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-1
Chè vải hạt sen thanh mát, giải nhiệt cơ thể (Nguồn: Internet) 

2.1 Nguyên liệu

  • Vải: 350g
  • Hạt sen tươi: 200g
  • Đường kính trắng 

2.2 Cách làm chè vải hạt sen

  • Ngâm rửa hạt sen, lọc bỏ phần tâm sen để khi nấu chè không bị đắng. Đem đun sôi trong khoảng 10 phút, đun chín vừa tới, không cần chín mềm. Trước khi tắt bếp, thêm chút đường để ngấm vào hạt sen. 
  • Vải bóc vỏ, khoét lỗ chính giữa rồi lọc bỏ hạt. 
  • Nhồi hạt sen vào giữa lòng vải, rồi đem đun khoảng 5 – 7 phút, tắt bếp và thưởng thức chè vải hạt sen. 

Xem thêm: 'Biến tấu' thực đơn hàng ngày với 5 món ngon từ hạt sen

3. Gà hấp vải

Nếu đã quen với các món hầm, luộc hay chiên từ gà thông thường, bạn có thể đổi mới thực đơn cho cả nhà với món gà hấp vải đấy. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-2
Gà hấp vải - món ăn độc đáo bạn nhất định nên thử (Nguồn: Internet) 

3.1 Nguyên liệu

  • Vải: 300g
  • Thịt gà (nguyên con): 800g – 1kg
  • Muối hột 

3.2 Cách làm gà hấp vải

  • Vải bóc vỏ, lọc phần hạt. Chia làm hai phần: một phần để trang trí, một phần đem ép lấy nước. 
  • Thịt gà làm sạch với nước muối loãng, rạch đôi phần bụng để nhồi vải vào. Rưới nước ép vải lên thịt gà, rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng. 
  • Rắc chút muối lên gà và đem hấp cách thủy (sử dụng nước ép vải làm nước hấp) với lửa nhỏ từ 45 phút – 1 tiếng. Khi gà chín, tắt bếp rồi dùng món. 

Xem thêm: Thịt gà bao nhiêu calo? 7 lợi ích tuyệt vời của thịt gà bạn không thể bỏ qua

4. Vải nhồi tôm

Thịt tôm mềm nhuyễn được “bao bọc” bên ngoài bởi trái vải giòn giòn, thơm thơm chính là điểm hấp dẫn của công thức biến tấu này. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-3
Vải nhồi tôm ngọt mềm, đậm đà (Nguồn: Internet) 

4.1 Nguyên liệu

  • Vải: 300g
  • Tôm: 100g
  • Thịt nạc heo: 100g
  • Cà rốt: 1 củ 
  • Gia vị: hành lá, hạt tiêu, nước mắm

4.2 Cách làm vải nhồi tôm thịt 

  • Bóc vỏ vải, dùng dao khoét lỗ chính giữa để lấy hạt ra. 
  • Làm sạch tôm và thịt heo với nước muối loãng. Tôm bóc vỏ, bỏ đầu rồi băm nhuyễn, rồi trộn đều với thịt heo đã xay nhuyễn.
  • Cà rốt gọt vỏ, bào nhỏ, trộn cùng hỗn hợp tôm, thịt, hành lá, chút nước mắm và chút hạt tiêu. Viên hỗn hợp lại rồi nhồi vào trái vải. 
  • Tiến hành hấp cách thủy vải nhồi tôm thịt trong vòng 20 – 30 phút. 

Xem thêm: Protein trong thịt heo có tác dụng gì tốt cho sức khỏe?

5. Canh vải mướp đắng

Canh vải mướp đắng là sự kết hợp cực kì hài hòa, vị ngọt thơm của trái vải góp phần làm giảm đi cái đắng chát từ mướp đắng. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-4
Vải hầm với mướp đắng - hương vị cực kì hài hòa (Nguồn: Internet) 

5.1 Nguyên liệu

  • Vải: 6 – 7 trái 
  • Mướp đắng (khổ qua): 2 trái 
  • Gia vị: Hành tím, nước mắm, hạt nêm

5.2 Cách làm canh vải mướp đắng

  • Vải bóc vỏ, lọc sạch hạt. 
  • Ngâm rửa mướp đắng với nước muối, vớt ra để ráo nước. Sau đó  lọc bỏ ruột, cắt thành các khoanh mỏng vừa ăn. Nhồi vải vài giữa mướp đắng.
  • Phi thơm hành tím, cho nước lọc vào đun. Khi nước sôi, thả mướp đắng nhồi vải vào, đun với lửa nhỏ trong vòng 5 – 7 phút, nêm nếm gia vị. 

Xem thêm: Chỉ cần ăn khổ qua thường xuyên bạn sẽ bất ngờ với những gì mà loại quả này mang lại

6. Salad vải

Chỉ cần chuẩn bị thêm một vài trái cây nhiệt đới như trái xoài hay chanh dây, bạn sẽ có ngay món salad trái cây thanh mát để ăn kèm cùng các món ăn chiên xào. 

mach-nho-6-cach-che-bien-qua-vai-hap-dan-tot-cho-suc-khoe-voh-5
Salad vải tươi mát, ăn kèm cùng món ngán ngấy (Nguồn: Internet) 

6.1 Nguyên liệu

  • Vải: 6 – 7 trái 
  • Xoài: 1/2 trái
  • Chanh leo: 1 trái
  • Sữa chua không đường: 1 hộp
  • Nước cốt chanh
  • Muối tinh

6.2 Cách làm salad vải

  • Bóc vỏ vải, tách hạt rồi giữ lại cùi vải. 
  • Gọt vỏ xoài, cắt thành miếng vuông nhỏ. 
  • Chanh leo bổ đôi, dùng thìa nạo lấy ruột. 
  • Tiến hành trộn hỗn hợp vải, xoài, chanh leo, nước cốt chanh và một chút muối. Sau đó thêm sữa chua không đường, đảo đều rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 30 phút thì có thể dùng. 

Không cần phải sử dụng nhiều kĩ thuật nấu nướng cầu kì hay các nguyên liệu khó kiếm khi chế biến trái vải, nhưng các món ăn hứa hẹn sẽ “lôi cuốn” các thành viên trong gia đình khi thưởng thức đấy nhé. 

Bình luận