Chanh dây: lợi ích sức khỏe, cách chọn mua và dùng khoa học

(VOH) – Khi nhắc tới các loại trái cây có vị chua chua, ngọt mát, hẳn không thể thiếu chanh dây. Thức quả này được nhiều người ưa thích bởi có hương vị đặc trưng lại đem đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Chanh dây không chỉ có hình dáng bên ngoài khác biệt với giống chanh ta mà ngay cả mùi vị cũng khó mà nhầm lẫn. Vị của chanh dây chỉ chớm chua, không quá gắt như chanh ta, dù dùng pha nước uống hay nêm nếm cho món ăn đều có sự hấp dẫn riêng. 

1. Tìm hiểu về chanh dây

Tên gọi của chanh dây sẽ khiến bạn nghĩ giống chanh này thuộc chi Cam chanh, song thực tế, cây chanh dây là cây thân leo có thân cứng nhất trong chi Lạc tiên. Chính vì lý do này mà chanh dây còn được biết đến với tên gọi là lạc tiên, chanh leo hay mát mát.  

1.1 Đặc điểm cây chanh dây

Cây chanh dây nằm trong nhóm cây leo sống khá lâu năm, có thể lên tới 15 năm và phát triển dài tới 15m nếu được sinh trưởng trong điều kiện thích hợp (nhiệt độ từ 16 – 30 độ C, đất trồng thoát nước tốt không ngập úng). Phần lá của cây chanh dây rất dễ nhận biết vì có hình chân vịt với răng cưa nhỏ.

Hoa chanh dây là bộ phận có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành trái. Hoa sẽ cần được côn trùng thụ phấn để đậu trái thay vì tự thụ phấn. Kích thước của chanh dây sẽ “nhỉnh” hơn chanh ta, phần thịt bên trong chủ yếu là hạt có lớp dịch nhầy nhiều dưỡng chất bao quanh. 

chanh-day-loi-ich-suc-khoe-cach-chon-mua-va-dung-khoa-hoc-voh-0
Hoa sẽ cần được côn trùng thụ phấn để đậu trái (Nguồn: Internet) 

1.2 Các giống chanh dây phổ biến

Các giống chanh dây trên thế giới khá đa dạng, có thể kể đến như chanh dây tím, chanh dây vàng, chanh dây chuối hay chanh dây Granadilla. Tuy nhiên, giống chanh dây được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là chanh dây tím. 

1.3 Phân bố

Mỗi giống chanh dây khác nhau sẽ phù hợp với điều kiện địa lý khác nhau. Theo thống kê, chanh dây vàng và chanh dây tím được tìm thấy nhiều ở vùng Amazon của Brazil hay chanh dây chuối chủ yếu được trồng ở khu vực Nam Mỹ.

Tại Việt Nam, chanh dây vàng cùng chanh dây tím được lai tạo và canh trồng rộng khắp, đặc biệt là ở một số tỉnh như Lâm Đồng, Mộc Châu, Hòa Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng…

2. Tác dụng của chanh dây

Theo phân tích dinh dưỡng, chanh dây cung cấp khá nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, trong đó bao gồm vitamin A, vitamin C, chất xơ cùng các nhóm chất chống oxy hóa. Nhờ bổ sung những hoạt chất này mà chanh dây đem lại lợi ích sức khỏe quan trọng: 

2.1 Kích thích tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ hòa tan trong chanh dây tương đối dồi dào, nên nếu đang gặp các vấn đề rối loạn đường hóa như đầy bụng, khó tiêu hay táo bón, bạn hoàn toàn có thể sử dụng thức uống pha chế từ loại trái cây này. Chất xơ sẽ hỗ trợ sản sinh lợi khuẩn trong đường ruột, gắn kết với acid mật để giảm nhũ tương hóa chất béo trong thức ăn và làm mềm phân. 

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ cách giải quyết chứng ăn không tiêu, nặng bụng khó chịu

2.2 Giải nhiệt cơ thể

Nếu được thưởng thức ly nước chanh dây chua mát trong ngày oi ả thì sẽ cảm thấy vô cùng “đã”  khát. Không chỉ vậy, chanh dây còn cung cấp thêm hàm lượng lớn vitamin C,  khắc phục tình trạng nóng người và giải nhiệt cơ thể hiệu quả. 

2.3 Kiểm soát đường huyết

Chanh dây có chỉ số đường huyết ở mức thấp (đạt 30), do vậy trái cây này nằm trong nhóm thực phẩm khá “thân thiện” với người bệnh đang điều trị tiểu đường. Bên cạnh đó, chất xơ trong chanh dây sẽ góp phần làm chậm quá trình hấp thu đường glucose vào máu, từ đây sẽ kiểm soát đường huyết ở mức an toàn. 

2.4 Tăng cường hệ miễn dịch

Trong chanh dây có chứa hai nhóm chất chống oxy hóa quan trọng là beta-cryptoxanthin và alpha-carotene – hoạt động giống như “lớp bảo vệ” mô tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Ngoài ra, một số axit amin như prolin, valin hay arginin cũng được tìm thấy trong chanh dây, tham gia sản sinh bạch cầu để chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. 

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

2.5 Tốt cho tim mạch

Chanh dây được đánh giá là trái cây lành mạnh, góp phần duy trì và bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàm lượng khoáng chất kali do chanh dây đem lại cho cơ thể có đặc tính điều hòa nhịp tim ổn định, tác động làm giãn mạch máu và hỗ trợ vận chuyển máu từ tim đi nuôi các tế bào.

chanh-day-loi-ich-suc-khoe-cach-chon-mua-va-dung-khoa-hoc-voh-1
Khoáng chất kali do chanh dây tốt cho tim mạch (Nguồn: Internet) 

2.6 Phòng chống thiếu máu

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý thiếu máu, trong đó phần lớn do cơ thể không đủ vi chất để sản xuất tế bào hồng cầu. Để chủ động phòng ngừa tình trạng này, bạn nên bổ sung thêm vitamin C từ chanh dây, dưỡng chất giúp tăng khả năng hấp thu sắt để hình thành huyết sắc tố hemoglobin – thành phần chính của tế bào hồng cầu. 

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.7 Củng cố xương chắc khỏe

Hội chứng đau nhức xương khớp có thể làm gián đoạn việc vận động, di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen uống nước chanh dây đều đặn, hợp lý thì có thể phòng ngừa hiệu quả các chứng bệnh này.

Theo đó, chanh dây có chứa các khoáng chất như magie hay photpho, rất cần thiết để xây dựng tế bào xương mới cũng như tăng mật độ khoáng xương, củng cố xương chắc khỏe. 

2.8 Cải thiện thị lực

Bên cạnh vitamin C, chanh dây còn bổ sung vitamin A cho cơ thể - hàm lượng chiếm tới 8% giá trị hàng ngày. Hoạt chất này tạo ra sắc tố của võng mạc, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến mắt như viêm kết mạc hay thoái hóa điểm vàng. 

2.9 Dưỡng da mịn màng

Vitamin A và linolenic acid từ chanh dây được biết đến như hai hoạt chất thiên nhiên tăng cường độ ẩm cho làn da, ngăn chặn tình trạng mụn sưng viêm và duy trì một làn da sáng khỏe. 

Xem thêm: Cấp ẩm và khóa ẩm: Từ khóa để có làn da căng mọng, ngậm nước

2.10 Giảm căng thẳng

Nước chanh dây nằm trong thức uống bạn nhất định nên bổ sung khi đang phải trải qua giai đoạn căng thẳng và nhiều lo lắng. Hoạt chất alkaloid với tính kiềm yếu trong thành phần của chanh dây sẽ đảm nhiệm vai trò xoa dịu căng thẳng thần kinh, giúp bạn ngủ sâu giấc hơn, sớm lấy lại tinh thần phấn chấn. 

3. Hạt chanh dây ăn được không?

Khi sử dụng chanh dây, hầu hết chúng ta đều lọc lấy nước từ lớp dịch nhầy bên ngoài hạt và bỏ đi phần hạt. Tuy nhiên các chuyên gia chia sẻ rằng hạt chanh dây hoàn toàn có thể ăn được, bạn có thể nhai nhuyễn hoặc xay nhuyễn khi pha chế nước chanh dây. 

chanh-day-loi-ich-suc-khoe-cach-chon-mua-va-dung-khoa-hoc-voh-2
Hạt chanh dây có thể ăn được và tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet) 

Hạt chanh dây cũng giúp cải thiện khá nhiều vấn đề sức khỏe như: 

  • Giảm nguy cơ mắc viêm khớp và loãng xương
  • Duy trì huyết áp ổn định 
  • Kiểm soát đường huyết 
  • Phòng chống ung thư 
  • Chăm sóc làn da, mái tóc 

Xem thêm: Hạt chanh dây ai cũng lọc bỏ ‘sạch sành sanh’ mà không biết 7 lợi ích sức khỏe này

4. Bà bầu uống chanh dây có tốt không?

Với vị chua nhẹ và thơm dịu, bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết tốt cho sức khỏe mẹ và bé, nước chanh dây là thức uống được khuyến khích bổ sung cho bà bầu trong giai đoạn dưỡng thai. 

Nếu sử dụng đúng liều lượng và đúng khoa học, mẹ bầu sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe sau: 

  • Cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa 
  • Giảm ốm nghén, buồn nôn, chán ăn
  • Phòng chống tình trạng phù nề, sưng phù tay chân 
  • Tăng cường hệ miễn dịch
  • Ngăn ngừa tình trạng mờ mắt 

Xem thêm: Nước chanh dây là thức uống ‘vàng’ bà bầu nên bồi bổ, vừa mát lành lại giàu dinh dưỡng

5. Có nên uống nhiều chanh dây?

Chúng ta thường có quan niệm rằng: thực phẩm nào tốt, bổ dưỡng thì nên ăn nhiều, nhưng đó lại là thói quen không hoàn toàn tốt. Dù nước chanh dây có hương vị hấp dẫn, ngọt thơm nhưng khuyến cáo rằng bạn không nên uống quá nhiều. 

chanh-day-loi-ich-suc-khoe-cach-chon-mua-va-dung-khoa-hoc-voh-4
Nước chanh dây thanh mát, thơm ngon nhưng không nên lạm dụng uống quá nhiều (Nguồn: Internet) 

Nếu lạm dụng thức uống này sẽ dẫn tới nguy cơ dư thừa nồng độ kali trong máu, gây rối loạn nhịp tim. Cùng với đó có thể làm tổn thương nghiêm trọng tới niêm mạc dạ dày. Tốt nhất mỗi ngày chỉ nên dùng từ 2 – 3 trái chanh dây để pha chế nước uống, mỗi tuần uống tối đa 2 lần.  

6. Cách chọn và bảo quản chanh dây

Lựa mua chanh dây vốn không khó, chỉ cần chú ý quan sát và lưu ý một số đặc điểm nổi bật như màu sắc vỏ hay mùi thơm của trái thì bạn sẽ chọn chuẩn. 

Giống như các loại trái cây khác, tốt nhất nên sử dụng chanh dây trong thời gian sớm nhất sau khi mua về, đảm bảo hương vị còn thơm ngon và chất lượng.  

Xem thêm: ‘Dắt túi’ bí quyết lựa mua chanh dây mọng nước, thơm phưng phức ai cũng mê

7. Thành phần dinh dưỡng của chanh dây

Hàm lượng dinh dưỡng trong 100g thịt chanh dây được phân tích như sau: 

  • Calo: 28
  • Lipid: 0.3 g    
  • Natri: 2 mg    
  • Kali: 138 mg    
  • Cacbohydrat: 9 g    
  • Chất xơ: 2.8 g    
  • Đường: 2.5 g    
  • Protein: 1.1 g    
  • Vitamin A: 22 IU    
  • Vitamin C: 53 mg
  • Canxi: 26 mg    
  • Sắt: 0.6 mg    
  • Magie: 8 mg

Có thể thấy với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, trái chanh dây góp phần cải thiện sức khỏe vô cùng hữu hiệu. Nhưng hãy nhớ đảm bảo sử dụng thức quả này một cách hợp lý, khoa học nhé. 

Bình luận