Rau thì là có tác dụng gì, có nên ăn thường xuyên không?

(VOH) - Thì là là một loại cây hương liệu được sử dụng nhiều trong nấu ăn. Đây là loại rau có nhiều đặc tính hữu ích cho sức khỏe nhưng rất ít người biết đến những lợi ích đó.

Thì là là một loại cây lấy lá làm gia vị và lấy hạt làm thuốc, được sử dụng rất phổ biến trong chế biến món ăn. Hương vị của thì là cũng thơm như củ hồi hoặc cam thảo. Lá, thân và củ của cây thì là đều có thể ăn được.

1. Nguồn gốc, đặc điểm, phân bố rau thì là

Rau thì là (hay thìa là) có tên khoa học là Anethum graveolens, thuộc họ Cần tây. Chúng có nguồn gốc từ Nga, Tây Phi và Địa Trung Hải.

Cây thì là thuộc loại cây thân thảo, cao từ 40 – 60cm, thân rỗng, phía ngoài thì nhẵn, có khe rãnh chạy dọc thân cây. Lá mọc xen kẽ, mềm mỏng, không cuống, phần ngọn tiêu giảm như cây kim. Hạt màu nâu, dẹt, hình bầu dục.

rau-thi-la-co-tac-dung-gi-voh-0
Rau thì là là loại rau gia vị được dùng khá nhiều trong chế biến món ăn (Nguồn: Internet)

Lá thì là được xem như một loại thảo mộc và gia vị vì có vị ngọt và hương thơm đặc trưng, thường được sử dụng để tăng hương vị cho các món ăn. Ngoài ra, thì là cũng rất giàu dinh dưỡng và có thể giúp phòng cũng như hỗ trợ nhiều bệnh lý khác nhau.

2. Rau thì là có tác dụng gì cho sức khỏe?

Trong Đông y, thì là có vị hơi đắng, tính ấm, mùi thơm hăng hắc, không độc. Có tác dụng bổ thận, chữa đau bụng, kích thích sự bài tiết nước tiểu và giúp cải thiện hoạt động của dạ dày.

Các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, rau thì là có thành phần dinh dưỡng ấn tượng khi chứa rất ít calo nhưng lại là một nguồn cung cấp một số vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, bao gồm vitamin A, vitamin C, folate, sắt, mangan... Nhờ có sự đa dạng về dưỡng chất nên ăn rau thì là mang đến rất nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe.

Dưới đây là một số tác dụng của cây thì là đối với sức khỏe con người.

2.1 Giàu chất chống oxy hóa

Hạt và lá của cây thì đều giàu chất chống oxy hóa, điển hình như flavonoid, terpenoids, tannin. Ngoài ra, thì là cũng là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào cho cơ thể, đây là một chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ.

Cơ thể cần chất chống oxy hóa để giúp bảo vệ tế bào khỏi các thiệt hại do các gốc tự do gây ra. Nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận, tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp giảm viêm mãn tính và ngăn ngừa, thậm chí hỗ trợ điều trị một số bệnh như bệnh tim, alzheimer, viêm khớp dạng thấp và một số loại ung thư.

2.2 Có lợi cho sức khỏe tim mạch

Nhờ có thành phần flavonoid nên rau thì là có tác dụng tốt đối với sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu ghi nhận, sử dụng chiết xuất từ thì là có thể giúp cải thiện mức cholesterol toàn phần và chất béo trung tính nhưng không làm thay đổi chất cholesterol HDL (tốt) trong cơ thể. (1) (2)

Tuy nhiên, các nghiên cứu đều sử dụng chiết xuất thì là, do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác dụng của rau thì là tươi hoặc khô đối với sức khỏe tim mạch.

2.3 Giảm lượng đường trong máu

Một trong những tác dụng của rau thì là là có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, rau thì là có tác dụng hạ đường huyết, đặc biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. (3) (4)

2.4 Có đặc tính chống ung thư

Monoterpenes là một hợp chất thực vật tự nhiên được tìm thấy trong cây thì là có liên quan đến các đặc tính kháng virus, kháng nấm, chống viêm và chống ung thư, cụ thể là ung thư phổi, vú và ruột kết.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người về tác dụng chống ung thư của cây thì là vẫn còn hạn chế và cần có thêm nhiều chứng cứ khác để khẳng định đặc tính chống ung thư của loại rau này.

2.5 Giảm đau bụng kinh

Một nghiên cứu mới đây tiến hành tại Iran chỉ ra rằng, tinh chất trong rau thì là phối hợp với vitamin E có thể làm giảm đáng để tình trạng đau bụng kinh. Tinh chất này thậm chí còn hiệu quả hơn việc dùng thuốc giảm đau ở các đối tượng nghiên cứu.

Xem thêm: Mách chị em 7 cách làm giảm đau bụng nhanh nhất trong ngày ‘đèn đỏ’

2.6 Tốt cho xương

Thì là là một nguồn cung cấp canxi, magie và phốt pho cho cơ thể, đây đều là những chất đặc biệt quan trọng đối với “sức khỏe’ của xương.

2.7 Chữa rối loạn tiêu hóa

Ăn rau thì là nấu chín là một trong những cách giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón hiệu quả.

2.8 Làm lành vết côn trùng đốt

rau-thi-la-co-tac-dung-gi-voh-1
Rau thì là có tác dụng giúp vết thương mau lành (Nguồn: Internet)

Một tác dụng khác của rau thì là giúp làm lành vết thương hoặc các vết côn trùng cắn có độc. Lý do là vì tinh dầu trong rau thì là có thể kích thích liền da và thậm chí có thể làm liền các vết thương sâu bên trong.

2.9 Chữa mụn nhọt sưng tấy

Trong y học cổ truyền, dùng thì là giã nát thành khối nhão rồi đắp lên các mụn nhọt đã chín bị vỡ ra có máu hoặc có thể trộn chung với một ít bột nghệ rồi đắp lên các chỗ ung loét có mủ sẽ giúp làm lành vết thương rất nhanh.

2.10 Chữa chứng mất ngủ

Ăn canh rau thì là vào buổi tối hoặc hãm nước hạt thì là uống thay nước trước giờ ngủ sẽ có tác dụng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

3. Bà bầu ăn rau thì là có được không?

Trong giai đoạn thai kỳ, nếu mẹ bầu sử dụng rau thì là như một loại gia vị bình thì chúng hoàn toàn có lợi cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Bà bầu ăn rau thì là có thể giúp ngủ ngon hơn, ngăn ngừa tình trạng loãng xương cũng như giúp hệ xương và răng của thai nhi phát triển tốt. Ăn rau thì là cũng là cách để mẹ bầu giảm bớt tình trạng ốm nghén khi mang thai và ngăn ngừa chứng táo bón hay tiểu đường thai kỳ.

Đặc biệt, trong rau thì là có chứa thành phần giống như estrogen, thành phần này hoạt động trong cơ thể giống như estrogen. Nó sẽ kích thích việc tiết sữa ở phụ nữ mang thai. Hiện nay, nhiều bà mẹ đã dùng các loại trà thảo mộc có chứa thành phần thì là để tăng tiết sữa.

Xem thêm: 7 lợi ích giúp mẹ bầu giải tỏa thắc mắc bà bầu ăn thì là được không?

Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời dành cho mẹ bầu, rau thì là cũng tác dụng tốt đối với trẻ em. Một nghiên cứu tiến hành tại Nga chỉ ra rằng, dầu làm từ hạt của cây thì là có tác dụng làm giảm cường độ khóc của trẻ em, được đo bằng thời gian khóc giảm tới ¼.

4. Rau thì là nấu món gì ngon?

Rau thì là vốn là loại rau gia vị trong ẩm thực, đôi khi còn được làm rau sống hoặc nấu canh. Người ta thường sử dụng rau thì là trong các món canh cá giấm, canh lươn, ốc, cháo cá, các món riêu cá....

rau-thi-la-co-tac-dung-gi-voh-2
Rau thì là thường dùng cho các món canh (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một vài công thức chế biến dành cho những ai chưa biết rau thì là nấu món gì ngon:

4.1 Cá chép om dưa rau thì là

Nguyên liệu

  • Cá chép: 1 con vừa
  • Cà chua: 3 quả
  • Hành khô
  • Dưa chua
  • Hành lá và rau thì là
  • Ớt sừng, nghệ
  • Gia vị thông dụng

Cách chế biến món cá chép om dưa rau thì là

  • Cá chép đã được sơ chế, mua về cạo lại cho sạch vảy, vét hết bẩn trong bụng và rửa sạch. Đem cá ướp với tiêu, bột canh theo khẩu vị, để yên khoảng 10 – 20 phút.
  • Cà chua rửa sạch, bổ như múi cau. Dưa chua vắt sạch nước.
  • Hành khô và tỏi băm nhỏ. Hành lá và thì là cắt bỏ gốc, rửa sạch và cắt thành đoạn nhỏ. Ớt sừng rửa sạch, thái lát.
  • Cho chảo lên bếp, cho dầu ăn vào. Khi dầu nóng cho cá chép vào ráng vàng 2 mặt.
  • Bắt một chảo khác lên bếp, phi hành và tỏi cho vàng. Sau đó cho thêm cà chua vào đảo đều. Khi cà chua chín thì cho dưa chua vào, nêm gia vị theo khẩu vị vừa ăn.
  • Tiếp theo, đổ phần sốt vừa làm xong lên cá chép đã ráng vàng và om đến khi cá chín và vừa ăn là được.
  • Cuối cùng cho rau thì là, hành lá và ớt để khử bớt mùi tanh của cá là có thể thưởng thức.

4.2 Canh trứng cà chua thì là

Nguyên liệu

  • Trứng gà: 2 quả
  • Cà chua: 2 quả
  • Rau thì là
  • Hành khô
  • Hành lá
  • Gia vị thông dụng

Cách nấu canh trứng cà chua thì là

  • Cà chua mau về rửa sạch, cắt miếng hình múi cau.
  • Hành lá và rau thì là nhặt bỏ lá già úa, rửa sạch, cắt khúc. Hành khô lột vỏ và băm nhỏ.
  • Cho nồi lên bếp đun nóng dầu ăn. Dầu nóng phi thơm hành tím, sau đó cho cà chua vào xào, nêm gia vị vừa ăn. Cho nước vào đun sôi, sau đó đập trứng gà vào, khuấy tan trứng.
  • Khi nồi canh sôi trở lại thì cho gia vị vào nêm theo khẩu vị, thêm thì là và hành lá rồi bắt bếp là hoàn thành món ăn này.

Vì là rau gia vị nên bạn cần biết cách bảo quản rau thì là đúng cách để có thể sử dụng trong thời gian dài. Với rau thì là tươi, trước tiên bạn cần vò nhẹ lá bằng nước ngọt, quấn lỏng các cành trong khăn giấy, sau đó cho vào túi nhựa có khóa kéo. Bảo quản rau trong ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng trong khoảng 1 tuần.

5. Ăn nhiều rau thì là có tốt không?

Rau thì là sử dụng trong ẩm thực được xem là an toàn đối với hầu hết mọi người. Ngoại trừ một số trường hợp ăn quá nhiều rau thì là sẽ có thể gây ra một số tác dụng phụ như: co giật, ảo giác, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, dị ứng,…

rau-thi-la-co-tac-dung-gi-voh-3
Ăn nhiều rau thì là có thể gây ra một vài tác dụng phụ cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Do đó, các khuyến cáo đều cho rằng bạn chỉ nên ăn thì là với một lượng vừa phải trong tuần. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên sử dụng nhiều vì trong thì là có chứa số lượng lớn các chất kích thích tử cung, dẫn đến sảy thai.

6. Thành phần dinh dưỡng của rau thì là

Theo các nghiên cứu, thì là chứa khá nhiều dưỡng chất cần thiết và có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng dinh dưỡng của thì là (100gram) có thể kể trong bảng thống kê sau đây:

  • Nước: 88.4 g
  • Năng lượng: 28 Kcal
  • Chất đạm: 2.6 g
  • Chất béo: 1.1 g
  • Chất đường bột: 1.8 g
  • Chất xơ: 5 g
  • Sắt: 1.2 mg
  • Canxi: 200 mg
  • Magie: 55 mg
  • Mangan: 0.5 mg
  • Photpho: 12 mg
  • Kali: 361 mg
  • Natri: 48 mg
  • Kẽm: 0.5 mg
  • Đồng: 220 µg
  • Vitamin C: 63 mg
  • Vitamin B1: 0.05 mg
  • Vitamin B2: 0.12 mg
  • Vitamin PP: 0.7 mg
  • Vitamin B5: 0.397 mg
  • Vitamin B6: 0.185 mg
  • Beta-caroten: 2850 µg

Như vậy, rau thì là là loại rau giàu dinh dưỡng có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe. Đây là loại rau phù hợp với mọi đối tượng, kể cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng để tránh gặp phải các tác hại của rau thì là.

Bình luận