Đừng bỏ lỡ 11 tác dụng của đậu ngự đối với sức khỏe

(VOH) - Trong họ nhà đậu, đậu ngự có lẽ được ít người biết đến hơn so với những loại đậu khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác dụng của đậu ngự với sức khỏe chúng ta là rất lớn.

Đậu ngự là thực phẩm giàu dinh dưỡng từ đất mẹ thiên nhiên. Cùng tìm hiểu thêm về loại đậu này để không bỏ quên một nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe.

1. Đậu ngự là gì?

Đậu ngự (Phaseolus lunatus) còn có tên gọi khác là đậu Lima, đậu bơ, đậu sieva. Đây là loại hạt thuộc họ đậu, có kích thước to khoảng đầu ngón tay út, hạt bầu tròn.

tac-dung-cua-dau-ngu-voh-0
Đậu ngự có màu trắng và các đốm đỏ (Nguồn: Internet)

Tùy vào từng khu vực trồng mà lớp vỏ có màu xanh lá cây, đỏ, nâu, tím hoặc đen, nhưng thông thường vẫn là màu trắng. Ở nước ta, đậu ngự sẽ có màu trắng và các đốm đỏ đan xen.

2. Tác dụng của đậu ngự đối với sức khỏe?

Là loại đậu khá phổ biến trong đời sống, đậu ngự chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Một số tác dụng của đậu ngự có thể kể đến như:

2.1. Phòng chống ung thư

Một trong những tác dụng của đậu ngự là có thể giúp phòng ngừa một số loại ung thư hiệu quả, lý do là vì trong đậu ngự có hàm lượng folate cực kỳ cao.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận, thiếu hụt folate có thể dẫn đến các bệnh ung thư, điển hình như ung thư trực tràng. Tuy nhiên, nếu có thể bổ sung khoảng 900 microgam folate hàng ngày giúp giảm 30% khả năng mắc ung thư đại trực tràng.

2.2. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Ăn đậu ngự giúp thư giãn các mạch máu và giảm áp lực lên tim, đảm bảo tim mạch hoạt động khỏe mạnh. Loại đậu này cung cấp hàm lượng cholesterol tốt cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ đào thải các cholesterol xấu và bổ sung nguồn lớn các sợi chất xơ hòa tan.

2.3. Kiểm soát bệnh tiểu đường

Một tác dụng khác của đậu ngự là giúp giảm lượng insulin trong máu. Do loại đậu này có khả năng làm chậm tiến trình hấp thụ thực phẩm trong ruột, giúp những người mắc bệnh tiểu đường tránh được sự gia tăng quá nhanh của đường trong máu.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

Bên cạnh đó, một loại chất xơ trong đậu ngự là pectin còn có khả năng hút nước và nở ra trong dạ dày, từ đó giúp ngăn chặn lượng đường trong máu tăng nhanh sau khi ăn.

2.4. Hỗ trợ chức năng tiêu hóa

Tác dụng của đậu ngự còn được kể đến là hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Theo các chuyên gia khoa học, việc ăn các loại đậu thường xuyên, trong đó có đậu ngự giúp đại tiện dễ dàng, từ đó giảm thiểu các nguy cơ ung thư đại - trực tràng. 

2.5. Duy trì cân nặng

tac-dung-cua-dau-ngu-voh-1
Ăn đậu ngự có thể giúp duy trì cân nặng (Nguồn: Internet)

Chất xơ trong đậu ngự giúp bạn no lâu và đường ruột của bạn hoạt động trơn tru. Bên cạnh đó, đậu ngự cung cấp một lượng lớn protein thực vật, kiềm chế cơn đói và duy trì cân nặng hiệu quả.

2.6. Cải thiện sức khỏe não bộ

Choline – loại hợp chất hữu cơ tan trong nước có khá nhiều trong đậu ngự. Đây được coi là dưỡng chất đóng vai trò thiết yếu giúp não bộ của chúng ta vận hành một cách khỏe mạnh và minh mẫn. Vì thế, ăn đậu ngự là một trong những cách có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe não bộ.

2.7. Giúp máu lưu thông tốt hơn

Đậu ngự còn giúp bạn phòng ngừa bệnh thiếu máu, từ đó hạn chế được các tình trạng chóng mặt, đầu óc không minh mẫn, đau nửa đầu, đau vai gáy, mắt mờ, cơ thể trì trệ.

Một vài nghiên cứu cho thấy, tác dụng của đậu ngự giúp lưu thông máu, bởi hàm lượng chất sắt dồi dào. Sắt là một vi chất quan trọng cần thiết cho việc sản sinh và tái tạo hồng cầu. Nếu bổ sung đậu ngự thường xuyên, cơ thể sẽ nhanh chóng hồi phục, từ đó kích thích lưu thông tuần hoàn máu. 

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.8. Giúp chân tóc chắc khỏe

Chất sắt trong đậu ngự không chỉ giúp lưu thông máu mà còn giúp tóc chắc khỏe. Khi máu được lưu thông, các phân tử oxy đến các nang tóc sẽ nhanh hơn, nhờ đó giúp tóc dài nhanh và mọc dày hơn.

2.9. Bổ sung năng lượng cho cơ thể

Đậu ngự giàu protein từ thực vật, lượng calo thấp và ít tích tụ chất béo. Đây là thực phẩm thiên nhiên giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, từ đó giúp chúng ta tập trung và làm việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, mangan và sắt có trong loại đậu này cũng là trợ thủ đắc lực cho một hệ thần kinh vững chắc, một múi cơ khỏe mạnh và một tinh thần tốt hơn. 

2.10. Rất tốt cho xương khớp

Một chế ăn hợp lý khi kết hợp với đậu ngự sẽ giúp bạn giảm được các nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. 

Mangan, canxi và magie là ba loại khoáng chất cần thiết giúp xương chắc khỏe, bền bỉ và dẻo dai hơn nhưng rất ít ai bổ sung đầy đủ mỗi ngày. Trong khi đó, đậu ngự lại cung cấp đầy đủ 3 loại khoáng chất trên. 

2.11. Làm trắng da tự nhiên

Đậu ngự có chứa nhiều đồng, đây là một chất chống lão hóa đặc biệt cho làn da. Do đó, một trong những tác dụng của đậu ngự chính là có khả năng cung cấp đồng tự nhiên và an toàn cho sức khỏe. Điều này giúp cho làn da của bạn sáng lên trông thấy và khỏe đẹp từ bên trong một cách lành mạnh nhất.

3. Bà bầu ăn đậu ngự được không?

Đậu ngự là một những các loại đậu an toàn cho sức khỏe thai kỳ. Đây là một nguồn cung cấp chất sắt, kali, magie tuyệt vời cũng như mang đến một lượng lớn folate cho cơ thể.

tac-dung-cua-dau-ngu-voh-2
Đậu ngự là thực phẩm có lợi cho thai kỳ (Nguồn: Internet)

Folate là một trong những loại vitamin B cần thiết để sao chép DNA, tổng hợp axit amin và chuyển hóa vitamin, cùng với nhiều phản ứng khác nhau trong cơ thể. Folate cũng đóng một vai trò trung tâm trong sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi và đặc biệt quan trọng để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Thiếu hụt folate có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật ống thần kinh.

Ngoài ra, đậu ngự cũng là một thực phẩm cung cấp chất xơ tuyệt vời, vì thế, bà bầu ăn đậu ngự có thể giúp ngăn ngừa và làm giảm 2 vấn đề khó chịu khi mang thai là táo bón và bệnh trĩ.

Xem thêm: Mách mẹ những thực phẩm giàu axit folic và cách bổ sung đúng khi mang thai

4. Tác hại của đậu ngự là gì?

Đậu ngự là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng vẫn có thể ẩn chứa một vài tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Đậu ngự có thể gây tình trạng dị ứng ở một số đối tượng nhất định. Do đó, nếu bạn hoặc người thân  trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với các loại đậu, hãy thận trọng khi sử dụng đậu ngự.
  • Đậu ngự có chứa chất kháng dinh dưỡng – những hợp chất có thể làm giảm sự hấp thụ khoáng chất trong cơ thể. Vì thế, cần sử dụng đậu ngự đúng lượng cho phép, tuyệt đối không được lạm dụng.
  • Không ăn đậu ngự sống vì đậu ngự thô có chứa linamarin, là một hợp chất gây cyanogenic mà một số người coi là độc hại đối với con người. Tuy nhiên, nếu được nấu chín thì sẽ không gây ra bất kỳ tác động xấu nào cho sức khỏe.

Ngoài ra, khi nấu đậu ngự bạn phải lưu ý nấu ít nhất 10 phút và không hầm đậu ngự quá lâu nếu không bạn sẽ gặp vài triệu chứng không mong muốn như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn và ói mửa. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ tự giảm và mất đi trong vài giờ nên bạn cũng không nên quá lo.

5. Đậu ngự nấu món gì ngon

Từ xa xưa, đậu ngự đã được sử dụng làm nguyên liệu chế biến rất nhiều món ăn trong cung đình. Bạn có thể áp dụng một vài công thức gợi ý dưới đây để làm mới bữa ăn hàng ngày của mình.

5.1. Món chè đậu ngự

  • Bạn chuẩn bị đậu ngự tươi, lá dứa, nước đường và nước cốt dừa.
  • Ngâm đậu ngự qua đêm, rửa sạch; lá dứa rửa sạch, để ráo rồi buộc lại từng nắm nhỏ.
  • Hầm chín đậu ngự trên bếp, nồi cơm điện hay nồi áp suất đều được. Sau khi đậu mềm và sệt lại, bạn cho lên chảo hoặc đổ trực tiếp đường vào nồi và đảo đều là hoàn thành.
  • Khi ăn bạn cho thêm nước cốt dừa để ngon miệng hơn.

5.2. Mứt đậu ngự

tac-dung-cua-dau-ngu-voh-3
Không nên đảo quá khô đậu ngự sẽ bị khô (Nguồn: Internet)
  • Rửa sạch ngâm nước khoảng 5-7 giờ hoặc ngâm qua đêm. Khi hạt đậu ngự nở căng bóc lớp vỏ ngoài bỏ đi.
  • Cho đậu ngự vào nồi ninh nhỏ lửa đến khi thấy hạt đậu chín mềm. Đun khoảng 15 phút thấy hạt đậu mềm là được.
  • Vớt đậu ngự ra rổ cho ráo, ngâm đậu ngự với đường cát trắng. Không nên cho ít quá vì như vậy đường sẽ không bám đều vào đậu. Ngâm đậu khoảng 3 giờ hoặc đến khi đường tan, đậu ngự ngấm ngọt là được.
  • Cho đậu ngự vào sên lửa vừa, khi thấy phần đường sánh lại hoặc thấy nặng tay, phần đường bắt đầu kết tinh bám đều và nổi trắng, khô là được.
  • Lưu ý, khi thấy đường cạn thì hạ lửa đun ở mức thấp nhất, thỉnh thoảng bỏ chảo khỏi bếp và đảo đều. Không nên đảo quá khô đậu ngự sẽ bị cứng và khô.

5.3. Món canh đậu ngự hầm khoai sọ

  • Chuẩn bị khoai sọ, đậu ngự và các loại rau mùi như ngò om, ngò gai.
  • Tách lớp lụa bên ngoài đậu ngự chỉ lấy phần đậu vàng nhạt bên trong, rửa sạch; gọt vỏ khoai sọ, cắt miếng vừa ăn, rửa sạch rồi để riêng; nhặt sạch ngò om và ngò gai, thái nhỏ.
  • Đun nóng 1 muỗng canh dầu ăn, cho khoai sọ vào đảo đều, rồi đổ nước cho ngập khoai và thêm đậu ngự vào hầm cho chín nhừ.
  • Khi khoai và đậu mềm, bạn nêm nếm gia vị vừa ăn.

5.4. Sườn heo nấu đậu ngự

tac-dung-cua-dau-ngu-voh-4
Sườn heo nấu đậu ngự (Nguồn: Internet)
  • Đậu ngự bóc vỏ, chần sơ với ít nước, giữ lại nước này để nấu.
  • Hành tím băm nhỏ, vắt lấy nước.
  • Sườn heo rửa sạch, ướp với nước hành tím, thêm muối, tiêu và gia vị nêm nếm.
  • Dùng tăm xăm cho thịt dễ thấm gia vị.
  • Cà rốt gọt vỏ, cắt lát dày, hành tây bóc vỏ, để nguyên củ.
  • Đun nóng dầu, cho sườn vào chiên sơ rồi cho xốt cà chua vào, để lửa nhỏ cho thấm gia vị.
  • Thêm nước dừa, nước luộc đậu ngự và cà rốt vào nấu chín.

6. Vỏ đậu ngự ăn được không

Đa phần khi nấu chè đậu ngự, người ta thường chuộng dùng đậu ngự tươi hơn là đậu ngự khô để nấu chè. Muốn nấu một nồi chè ngon thì nước phải trong vắt, đậu phải mềm không cứng quá hoặc sượng quá. 

Để nấu chè đậu ngự ngon thường người ta sẽ ngâm đậu ngự trong nước cỡ 5 phút để lớp vỏ mềm và tách dễ dàng, vì cần phải bóc sạch lớp vỏ này. Khi nấu chè đậu ngự, nếu lớp vỏ mà lột không sạch sẽ làm nồi chè không còn trong trẻo. 

7. Hàm lượng dinh dưỡng có trong đậu ngự

Không những ngon và tương đối rẻ tiền, đậu ngự còn cung cấp một số loại dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần. Dưới đây là bảng thành phần dinh dưỡng có trong 100g đậu ngự nấu chín (không chứa muối). 

  • Calo: 113 
  • Protein: 6.84 gam
  • Chất béo: 0.86 gam
  • Chất xơ: 4.9 gam 
  • Canxi: 34 mg
  • Sắt: 3.14 mg
  • Magie: 58 mg
  • Phốt pho: 136 mg
  • Kali: 467 mg
  • Natri: 8 mg
  • Kẽm: 0.78 mg
  • Đồng: 3.18 mg
  • Selen: 1.8 µg
  • Vitamin C: 23.4 mg
  • Thiamin: 0.217 mg
  • Riboflavin: 0.103 mg
  • Niacin: 1.474 mg
  • Vitamin B6: 0.204 mg
  • Folate: 34 µg
  • Choline: 40 mg
  • Vitamin A: 10 µg
  • Vitamin E: 0.32 mg
  • Vitamin K: 5.6 µg

Mong rằng những thông tin trên đã giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về tác dụng của đậu ngự, cũng như các cách chế biến từ loại đậu này, từ đó bổ sung thêm lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng thích hợp cho chế độ ăn hàng ngày.

Bình luận