Tìm hiểu những tác dụng của hạt tiêu, đâu phải cứ cay nóng là có hại

(VOH) - Ngoài là gia vị trong nấu ăn, hạt tiêu còn có nhiều tác dụng rất hữu ích đối với sức khỏe mà rất ít người biết. Vậy tác dụng của hạt tiêu là gì?

Vốn là một loại gia vị phổ biến trong nấu ăn nhằm giúp món ăn thêm phần cay nồng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, hạt tiêu cũng được dùng như một vị thuốc, tuy nhiên, khi nói về những tác dụng của hạt tiêu thì nhiều người vẫn còn khá mơ hồ.

1. Tìm hiểu về hạt tiêu

Tiêu (hay còn gọi là hồ tiêu, cổ nguyệt, bạch xuyên, hắc xuyên, bạch cổ nguyệt...) có tên khoa học là Piper Nigrum, là một loại cây thân leo, có hoa, thuộc họ Hồ tiêu. Cây tiêu có nguồn gốc ở Ấn Độ. Tại Việt Nam tiêu được trồng chủ yếu để lấy quả và hạt. Hạt tiêu dùng làm gia vị dưới dạng khô hoặc tươi.

Để có được hạt tiêu, người ta thường hái quả vào lúc chùm tiêu xuất hiện một số quả đỏ, nghĩa là lúc quả còn xanh và đỏ. Sau đó đem phơi trực tiếp dưới nắng to hoặc sấy khô để lớp vỏ bên ngoài săn lại.

tac-dung-cua-hat-tieu-voh-0
Tiêu là loại gia vị quen thuộc trong ẩm thực (Nguồn: Internet)

Hạt tiêu được chia thành 2 loại phổ biến là hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng. Trong đó:

  • Hạt tiêu đen là tiêu còn nguyên vỏ sau khi khô sẽ chuyển sang màu đen và bên ngoài nhăn nheo. Hạt tiêu đen có mùi thơm hơn tiêu trắng nhưng lại không cay bằng.
  • Hạt tiêu trắng còn được gọi là tiêu sọ. Quả tiêu được loại bỏ đi lớp vỏ bên ngoài và chỉ còn lại hạt. Khi phơi khô sẽ có màu trắng ngà hoặc hơi xám. Tiêu trắng có vị cay nồng.

2. Tác dụng của hạt tiêu đối với sức khỏe

Hạt tiêu được ghi nhận là có chứa một số dưỡng chất tốt cho sức khỏe như vitamin C, chất béo, tinh dầu, alkaloid... Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra những tác dụng của hạt tiêu gồm có:

2.1 Tốt cho dạ dày

Một trong những công dụng của hạt tiêu là rất có lợi cho dạ dày. Chất piperine trong hạt tiêu giúp tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột non. Đồng thời, hạt tiêu kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hydrochloric thúc đẩy quá trình tiêu hóa, cải thiện các vấn đề như ăn khó tiêu, trướng bụng đầy hơi,…

2.2 Chữa cảm cúm hiệu quả

Hạt tiêu là một trong những nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, đặc biệt là trong hạt tiêu đen. Vì thế, thêm hạt tiêu trong các món cháo, canh... đều có thể giúp điều trị các chứng cảm lạnh, ho và nghẹt mũi. Ngoài ra, hạt tiêu trắng cũng có đặc tính chống vi khuẩn, có thể giúp điều trị chứng táo bón và tiêu chảy hiệu quả.

Trong dân gian còn lưu truyền, dùng một muỗng mật ong với một ít tiêu đen là một bài thuốc chữa ho đơn giản tại nhà.

2.3 Hỗ trợ điều trị các vấn đề về hô hấp

Hạt tiêu sọ được đánh giá là có thể hỗ trợ điều trị các vấn đề về hô hấp, bởi trong hạt tiêu có chứa chất có thể giúp phá vỡ các chất nhầy và đờm ở đường hô hấp. Đồng thời, lượng chất kích thích tự nhiên của hạt tiêu cũng giúp loại bỏ đờm hoặc chất nhầy ra bên ngoài thông qua hành động ho hoặc hắt hơi.

2.4 Giảm đau đầu

Một tác dụng khác của hạt tiêu là có thể giúp chữa chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Trong hạt tiêu có chứa một loại alkaloid với tên gọi là piperine có thể ngăn chặn sự dẫn truyền của cơn đau lên não.

2.5 Giảm cân

Hạt tiêu có tác dụng giúp giảm cân, lý do là vì các chất có trong lớp vỏ hạt tiêu giúp cơ thể đốt cháy lượng calo dư thừa, tăng bài tiết mồ hôi, đào thải độc tố và nước thừa thông qua đường tiết niệu.

Do đó, nếu muốn giảm cân bạn có thể sử dụng một ít vỏ ngoài của tiêu đen trước khi tập luyện thể thao để tăng hiệu quả đốt cháy tế bào mỡ dư thừa. Hoặc bổ sung tiêu sọ vào khẩu phần ăn hàng ngày, bởi chúng có thể giúp làm giảm trọng lượng của cơ thể có có chứa capsaicin – một hợp chất có tác dụng giảm lipid và chất béo mà không làm thay đổi cảm giác thèm ăn.

Xem thêm: Điểm danh 15 thực phẩm giảm cân ăn 'thả ga' mà không sợ béo

2.6 Tác dụng kháng khuẩn

Hạt tiêu có tác dụng kháng khuẩn cao nên ăn hạt tiêu sẽ có thể giúp chống nhiễm trùng ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, giảm sưng viêm, khắc phục các vấn đề về răng lợi như sâu răng, viêm nướu,…

2.7 Giảm đau răng

tac-dung-cua-hat-tieu-voh-1
Trong hạt tiêu có chứa chất có tác dụng chống viêm, giảm đau răng (Nguồn: Internet)

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong hạt tiêu có chứa chất β-Caryophyllene, chất này rất có lợi trong việc chống viêm, giảm đau răng cũng như các vấn đề răng miệng khác.

2.8 Giúp cải thiện tâm trạng

Chất Piperine trong hạt tiêu giúp làm tăng lượng serotonin được sản xuất trong não bộ, từ đó giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

2.9 Chữa viêm khớp

Cải thiện các vấn đề về xương khớp là một trong những tác dụng của hạt tiêu. Nhờ có khả năng kháng viêm nên chất piperine trong hạt tiêu rất có ích trong việc chữa viêm khớp.

Hơn thế, loại gia vị này có thể giúp cải thiện quá trình lưu thông máu cũng như ngăn ngừa và hạn chế các cơn đau khớp do máu lưu thông kém.

2.10 Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường

Trong hạt tiêu có chứa các chất chống oxy hóa như flavonoid và piperine, những chất này không chỉ giúp giữ huyết áp ở mức ổn định mà còn giúp giảm đường huyết và duy trì lượng đường huyết ổn định trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

2.11 Ngăn ngừa ung thư

Một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra hạt tiêu có thể ngăn ngừa khối u ung thư vú phát triển.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

3. Bà bầu ăn hạt tiêu có nên không?

Thông thường, hạt tiêu chỉ được dùng như một loại gia vị trong các bữa ăn để giúp tăng hương vị. Hạt tiêu cũng chứa những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, do đó, loại gia vị này có thể có lợi cho mẹ bầu.

Tuy nhiên, cái gì ăn nhiều quá cũng đều không có tốt, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai, bởi hạt tiêu có tính cay nóng, nếu bà bầu tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tiêu hao các phân tử nước trong đường ruột, gây táo bón thai kỳ.

Mặc dù hiện nay chưa có một bằng chứng nào cho thấy bà bầu ăn hạt tiêu sẽ gây hại cho sức khỏe thai kỳ cũng như sự phát triển của thai nhi. Nhưng mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều hạt tiêu khi mang thai để tránh gặp phải những vấn đề sức khỏe không mong muốn. Tốt nhất vẫn chỉ nên thêm hạt tiêu với lượng ít trong các món ăn của mình.

4. Ăn hạt tiêu nhiều có tốt không?

tac-dung-cua-hat-tieu-voh-2
Không lạm dụng ăn quá nhiều tiêu trong các bữa ăn hàng ngày (Nguồn: Internet)

Không chỉ có phụ nữ mang thai, người bình thường cũng không nên lạm dụng ăn nhiều hạt tiêu cho dù đây là loại hạt có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bởi khi sử dụng quá nhiều hạt tiêu bạn có thể sẽ gặp phải những tác dụng phụ phụ sau đây:

4.1 Dẫn đến các vấn đề trong dạ dày

Ăn nhiều tiêu có thể dẫn đến các vấn đề ở dạ dày, ruột, gây cảm giác nóng rát khó chịu trong dạ dày. 

4.2 Kích thích hệ hô hấp

Sử dụng tiêu quá nhiều có thể gây kích thích họng, hen và các vấn đề hô hấp khác.

4.3 Dẫn đến khô da

Sử dụng tiêu với số lượng lớn có thể khiến da khô và bong tróc. Do đó, nếu da bạn bị khô thì không nên sử dụng nhiều gia vị này.

4.4 Thay đổi mùi vị của sữa mẹ

Mẹ ăn nhiều tiêu có thể truyền gia vị này vào sữa mẹ, làm thay đổi mùi vị của sữa và gây ra các vấn đề tiêu hóa ở trẻ.

5. Một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản hạt tiêu

Tiêu là hoạt hạt gia vị thông dụng và thường được mua với số lượng nhiều để sử dụng lâu dài. Vì thế, khi mua tiêu về sử dụng bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Nên giữ hạt tiêu ở nơi khô thoáng, mát mẻ, tránh ẩm ướt gây ẩm mốc.
  • Bạn nên theo dõi các phản ứng về tim mạch khi dùng tiêu. Nếu có triệu chứng nào xảy ra thì phải ngưng dùng tiêu ngay.
  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú có thể dùng tiêu đen trong bữa ăn nhưng không nên dùng với số lượng nhiều.

6. Thành phần dinh dưỡng trong hạt tiêu

Qua nghiên cứu, người ta ghi nhận hạt tiêu có những thành phần dinh dưỡng phổ biến sau đây (nghiên cứu trên 100g hạt tiêu):

  • Nước: 13.5 g
  • Năng lượng: 231 Kcal 
  • Chất đạm: 7 g
  • Chất béo: 7.4 g
  • Chất đường bột: 34.1 g
  • Chất xơ: 33.5 g
  • Canxi: 732 mg
  • Sắt: 4.6 mg
  • Magie: 19 mg
  • Photpho: 44 mg
  • Kali: 1259 mg
  • Natri: 44 mg
  • Kẽm: 0.3 mg
  • Vitamin B1: 0.05 mg
  • Vitamin B2: 0.06 mg
  • Vitamin PP: 2.6 mg
  • Vitamin E: 0.73 mg
  • Vitamin K: 163.7 µg
  • Beta-caroten: 156 µg
  • Lutein + Zeaxanthin: 205 µg

Như vậy, hạt tiêu là loại gia vị rất phổ biến trong căn bếp của gia đình Việt, giúp tạo hương thơm cho món ăn và có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để tránh một số tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên dùng loại gia vị này với số lượng vừa phải.

Bình luận