8 tác dụng của kali đối với sức khỏe và những thực phẩm giàu kali nhất

(VOH) - Kali là một khoáng chất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Cùng tìm hiểu những tác dụng của kali đối với cơ thể để có thể đảm bảo bổ sung đủ khoáng chất này mỗi ngày.

Cơ thể con người cần kali để hỗ trợ các quá trình quan trọng. Bạn có thể bổ sung kali thông qua các loại thực phẩm bạn ăn ngày ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý đến việc bổ sung đúng nhu cầu cơ thể cần, bởi thiếu hay thừa kali cũng đều không có lợi cho sức khỏe.

1. Kali là gì?

Kali là khoáng chất quan trọng với tỉ lệ chiếm thứ 3 trong cơ thể. Khoảng 98% lượng kali trong cơ thể được tìm thấy trong các tế bào của bạn. Trong số này, 80% được tìm thấy trong các tế bào cơ của bạn, trong khi 20% còn lại có thể được tìm thấy trong xương, gan và các tế bào hồng cầu.

tac-dung-cua-kali-voh-0
Kali là khoáng chất quan trọng trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Khi trong cơ thể, kali hoạt động như một chất điện giải dẫn truyền xung điện khắp cơ thể. Chúng hỗ trợ một loạt các chức năng cần thiết, bao gồm: huyết áp, cân bằng chất lỏng, giúp co thắt cơ bắp, hệ thần kinh, nhịp tim, tiêu hóa và cân bằng độ pH.

Cơ thể không sản xuất kali một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đây lại là khoáng chất dễ tìm, bởi chúng có nhiều trong các loại thực phẩm và đồ uống.

2. Tác dụng của kali với cơ thể

Khi cơ thể được nhận đầy đủ lượng kali so với nhu cầu mỗi ngày sẽ mang đến rất nhiều những lợi ích sức khỏe ấn tượng như:

2.1 Giảm huyết áp 

Một trong những tác dụng kali đối với cơ thể là nó có thể giúp giảm huyết áp bằng cách loại bỏ natri dư thừa. Mức natri trong cơ thể cao có thể làm tăng huyết áp, đặc biệt đối với những người huyết áp đã cao.

2.2 Ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ

Một số nghiên cứu đã phát hiện, một chế độ ăn giàu kali có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ (1) (2).

Ngoài ra, kali cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Lý do là vì kali có thể giúp làm giảm lực co bóp, giảm tính chịu kích thích và giảm dẫn truyền trong hệ cơ tim, từ đó làm giảm nguy cơ những cơn đau tim, ổn định tần suất nhịp tim.

2.3 Chống co cơ

Bổ sung đủ lượng kali cơ thể, chúng có thể giúp điều chỉnh các cơ co thắt. Khi vào cơ thể, kali sẽ kết hợp với natri để bơm ion trong các màng tế bào giúp tạo ra sự co giãn của các cơ, kể cả cơ tim, từ đó giúp việc co bóp của cơ trở nên dễ dàng hơn.

2.4 Ngăn ngừa loãng xương

Giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương ở người già là một trong những tác dụng của kali.

Đối với lứa tuổi thiếu niên và phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ, kali rất cần thiết trong việc xây dựng hai hệ thống cơ và xương. Vì thế, chế độ ăn giàu kali mang lại rất nhiều lợi ích đối với những nhóm người này.

2.5 Ngăn ngừa sỏi thận

Ăn nhiều thực phẩm giàu kali có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Một số nghiên cứu cho thấy rằng kali citrate làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu (3) (4). Bằng cách này, kali có thể giúp chống lại sỏi thận.  

Xem thêm: Những điều thú vị về khoáng chất canxi đối với cơ thể mà nhiều người chưa biết

2.6 Giảm tình trạng giữ nước trong cơ thể

Khi chất lỏng dư thừa tích tụ bên trong cơ thể sẽ gây ra tình trạng giữ nước và người ta đã sử dụng khoáng chất kali để làm giảm tình trạng này. Do đó, điều trị giữ nước được xem là một tác dụng của kali với sức khỏe.

tac-dung-cua-kali-voh-1
Bổ sung đủ lượng kali vào cơ thể giúp làm giảm tình trạng cơ thể bị giữ nước (Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu cho thấy rằng một lượng kali vừa đủ cho cơ thể sẽ giúp làm giảm thể tích nước bằng cách tăng đào thải nước tiểu và giảm nồng độ natri. (5) (6) (7)

2.7 Sản xuất enzyme

Một số enzyme cần phải sử dụng kali để sản xuất và kích hoạt hoạt động của enzym đó. Cụ thể, để hình thành adenosine triphosphate trong tạo năng lượng cần cả 2 khoáng chất là kali và natri. Ngoài ra, kali cũng cần thiết để kích hoạt một enzym quan trọng trong chuyển hóa carbohydrate là men pyruvate kinase.

2.8 Điều trị và phòng bệnh

Hiện nay, nguyên tố kali được các chuyên gia khoa học bào chế thành thuốc để điều trị tình trạng giảm kali trong máu.

Đối với bệnh thiếu kali nhẹ, có thể điều chỉnh bằng các viên thuốc, gói bột pha hoặc dung dịch uống. Nếu thiếu kali nặng hoặc bệnh nhân không thể ăn uống được thì cần truyền nhỏ giọt tĩnh mạch với kali chloridum (KCl).

Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận khi truyền và cần quan sát kỹ các biểu hiện lâm sàng của giảm kali huyết. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các loại trái cây tươi và rau giàu kali để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tật.

3. Đâu là những thực phẩm giàu kali nhất?

Kali có rất nhiều trong các loại thực phẩm, đặc biệt là rau và trái cây. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến sẽ làm giảm mức độ của chất dinh dưỡng này.

Lượng kali được khuyến nghị dùng hàng ngày sẽ dao động từ 3.500–4.700mg. Dưới đây là lượng kali bạn có thể nhận được trong một khẩu phần ăn 100g thực phẩm giàu khoáng chất này.

  • Rau củ cải, nấu chín
  • Đậu lăng nấu chín
  • Đậu pinto (đậu cúc) nấu chín
  • Khoai tây trắng nướng
  • Nấm Portobello, nướng
  • Khoai lang nướng
  • Rau bina, nấu chín
  • Cá hồi nấu chín

Xem thêm: 15 thực phẩm giàu kali ở 'top đầu' nhất định nên biết để bổ sung

4. Có cần sử dụng thuốc bổ sung kali không?

Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp đủ kali thì bạn sẽ không cần phải bổ sung khoáng chất kali bằng thuốc. Tuy nhiên, một vài trường hợp, điển hình như tình trạng thiếu kali, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn sử dụng thuốc bổ sung kali với lượng dùng phù hợp..

tac-dung-cua-kali-voh-2
Trong một số trường hợp bạn có thể sẽ được đề nghị bổ sung kali liều cao (Nguồn: Internet)

Cơ quan quản lý thực phẩm ở nhiều quốc gia đã giới hạn mức tiêu thụ kali trong các chất bổ sung không kê đơn ở mức 99 mg. Nhiều nghiên cứu ghi nhận, sử dụng liều cao kali từ các chất bổ sung hơn 99 mg có thể làm hỏng ruột, thậm chí dẫn đến tử vong do rối loạn nhịp tim.

5. Thiếu kali trong máu có biểu hiện gì?

Thiếu kali trong máu được xem như một bệnh lý và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm: huyết áp cao, sỉu thận, mức canxi thấp trong xương.

Một người bình thường được xác định là thiếu kali có mức kali thấp hơn 3.6 milimol/lít (mmol/l) trong huyết thanh. Lúc này, bạn có thể gặp phải một số biểu hiện như:

  • Táo bón
  • Mệt mỏi
  • Yếu cơ
  • Có cảm giác không khỏe hoặc "bất ổn"

Nếu nồng độ kali giảm xuống dưới 2.5 mmol/lít sẽ được coi là sự thiếu hụt kali ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Những vấn đề sức khỏe mà nó có thể gây ra là:

  • Sản xuất nhiều nước tiểu
  • Không dung nạp lượng đường
  • Bị liệt cơ
  • Có vấn đề về hô hấp
  • Thay đổi nhịp tim ở người bệnh tim, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết hạ kali máu và biện pháp khắc phục

6. Dư thừa kali gây ra hậu quả gì?

 Cũng giống như thiếu hụt kali, thừa kali cũng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Nồng độ kali cao khi đạt từ 5.1 đến 6.0 mmol/l huyết thanh và nếu cao hơn 6.0 mmol/l được cho là nguy hiểm.

Người bị tăng kali máu có thể không có hoặc có rất ít triệu chứng. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của hạ kali máu, đó là:

  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Tức ngực

Như vậy, kali là một khoáng chất cần thiết và bạn có thể bổ sung chúng thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa tình trạng thiếu hoặc thừa kali. Ngoài ra, trong trường hợp cần bổ sung kali bằng thuốc bạn nên tham khảo ý bác sĩ để được tư vấn lượng dùng phù hợp.

Bình luận