Tác dụng của lá chanh tốt cho sức khỏe như thế nào?

(VOH) – Chanh ta là loại cây trồng cho quả phổ biến. Song về mặt y học, tất cả các bộ phận của cây chanh ta đều là vị thuốc tốt. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết về những tác dụng của lá chanh ta.

Chanh được trồng và sử dụng trên toàn thế giới. Chanh ta thuộc nhóm trái cây có múi và chủ yếu được dùng để lấy nước, phần cơm (các múi của chanh) và vỏ cũng được sử dụng trong ẩm thực.

Tuy nhiên, ở nhiều nước kể cả Việt Nam, lá của cây chanh cũng là một nguyên liệu dùng để nấu ăn và ép lấy nước như một chất tạo hương vị. Hơn thế, về mặt y học lá chanh cũng là thành phần có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

1. Đặc điểm của lá chanh

Lá cây chanh là loại lá đơn, mọc xung quanh nhánh và cành của cây chanh. Lá có hình trứng hoặc hình bầu dục, gần giống với lá cam (phình to ở giữa, nhọn về 2 đầu). Lá chanh có màu xanh nhạt khi non, xanh thẫm khi già, bề mặt nhẵn mịn và có mùi thơm đặc trưng khi vò dập.

tac-dung-cua-la-chanh-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-0
Lá chanh là gia vị cũng là vị thuốc chữa nhiều bệnh (Nguồn: Internet)

Lá chanh có kích thước từ 4-9cm, rộng 2-4cm. Thông thường, lá chanh tốt hay cằn cỗi sẽ phụ thuộc vào chất lượng đất trồng. Giữa lá chanh thường là có đường gân khá cứng, màu trắng. Đường viền quanh lá chanh có hình răng cưa thưa, không nhẵn mịn.

2. Tác dụng của lá chanh

Theo các nghiên cứu hiện đại, thành phần có trong lá chanh gồm có: tinh dầu Limonene, Linalool, N-methyl tyramine, Axit citric, canxi, Photpho, Sắt, Vitamin A, C và B1... cùng nhiều chất khác. Vì thế, lá chanh mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như:

2.1 Giúp an thần, dễ ngủ

Lá chanh có dược tính an thần và chứa thành phần chống co thắt, được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn thần kinh như mất ngủ, căng thẳng và tim đập nhanh.

Để điều trị các bệnh rối loạn này, bạn cần ngâm 5-7 lá chanh trong một cốc nước nóng khoảng 15 phút. Kiên trì uống loại trà lá chanh đều đặn 2 lần mỗi ngày trong ít nhất một tháng sẽ thấy được sự cải thiện.

Xem thêm: Bỏ túi 10 cách giúp dễ ngủ nhất ‘mọi thời đại’, an toàn hơn cả những viên thuốc an thần

2.2 Chữa đau đầu và bệnh hen suyễn

Một trong những tác dụng của lá chanh là giúp chữa cơn đau nửa đầu và bệnh hen suyễn.

Cách thực hiện: Ngâm khoảng 2 nắm lá chanh (có cả lá chanh tươi và lá chanh phơi khô) trong một chai nước nóng (cỡ chai bia). Để yên trong vòng 10 phút. Uống đều đặn 2 ly nhỏ mỗi tối trong liên tục 2 tuần.

tac-dung-cua-la-chanh-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-1
Lá chanh có thể giúp chữa bệnh đau nửa đầu và hen suyễn (Nguồn: Internet)

2.3 Chữa đau bụng

Lá chanh cũng được sử dụng trong điều trị chứng đau bụng. Công thức trị bệnh cũng giống như cách trị bệnh đau nửa đầu và hen suyễn. Tuy nhiên, liều lượng dùng mỗi ngày là 3 ly nhỏ mỗi đêm.

2.4 Ức chế lão hóa da

Vitamin C trong lá chanh tuy không nhiều như trong quả chanh nhưng nó vẫn là một chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do.

2.5 Tăng cường sức bền cho cơ thể

Với hàm lượng vitamin C cao, tác dụng của lá chanh có thể giúp nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó, sử dụng các bài thuốc từ lá chanh là một trong những cách tạo ra “hàng rào” bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn có hại.

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.6 Giảm đau sau phẫu thuật sỏi thận

Người bị bệnh sỏi thận, sau khi thực hiện phẫu thuật có thể giảm đau bằng lá chanh. Nhờ thành phần axit citric cao nên lá chanh có thể sử dụng để điều chế thành các bài thuốc giảm đau sau cho những bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật sỏi thận.

2.7 Chăm sóc tóc

Dùng lá chanh gội đầu là một trong những bí quyết chăm sóc tóc của chị em phụ nữ. Lá chanh không chỉ giúp nhanh dài mà còn bóng mượt, thơm. Lá chanh có mùi thơm nhẹ, có thể sử dụng kết hợp với các loại dược liệu khác trong việc kích thích tóc nhanh dài, óng mượt.

2.8 Tốt cho da

Vi trong lá chanh tươi có chứa tinh dầu có tính sát khuẩn, ngăn ngừa mụn, giảm sạch dầu nhờn trên da mặt. Tắm nước lá chanh còn giúp trắng da, làm cho làn da sáng mịn và hồng hào. Ngoài ra tắm lá chanh còn tốt cho sức khỏe, giảm tình trạng khô da và phòng ngừa mụn trứng cá.

2. Lá chanh trị bệnh gì ?

Vốn được biết đến nhiều hơn với “vai trò” là nguyên liệu giúp chế biến món ăn, tuy nhiên, trên thực tế, trong Đông y lá chanh lại là một vị thuốc tuyệt vời giúp đẩy lùi nhiều bệnh tật.

Trong Đông y, lá chanh có vị cay ngọt, tính ôn. Tác dụng của lá chanh giúp hòa đàm, chỉ khái, sát khuẩn và tiêu đờm. Thường dùng chữa ho do lạnh, cảm sốt không ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị hen phế quản... Đặc biệt, trong lá chanh tươi có chứa nhiều tinh dầu, thường được sử dụng làm nguyên liệu cho nồi xông để giúp giải cảm.

Dưới đây là một số bài thuốc hay từ lá chanh theo tài liệu Cây rau làm thuốc của TS Võ Văn Chi_NXB Đồng Tháp:

  • Chữa cảm sốt nóng, không có mồ hôi hay bị cảm cúm mùa hè: Dùng lá chanh 60 - 80g sắc uống và xông hơi cho ra mồ hôi.
  • Sốt rét dai dẳng: Lá chanh 100g, 100ml rượu 30 độ cồn. Lá chanh thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm, sau đó đem phơi sương một đêm. Mỗi ngày uống một lần vào lúc sáng sớm, uống 3 – 5 ngày liên tiếp.
  • Hen phế quản: Lá chanh 1 nắm, dây tơ hồng 1 nắm, tất cả đem sao vàng. Đem nấu với 3 chén nước thành còn 1 chén. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống 1 chén. Uống trong 7 – 10 ngày liên tục.
  • Ho do lạnh: Lá chanh tươi 5g, gừng tươi 3g. Tất cả rửa sạch, gừng thái lát, sắc với 400ml nước còn thành 100ml. Uống trong 3 – 5 ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường.

4. Lá chanh trong ẩm thực

Hiện nay lá chanh được bán ở nhiều nơi như siêu thị, chợ,... một gói lá chanh cũng có giá trung bình từ 4.000 - 10.000 VNĐ.

Từ trước đến nay, người ta thường trồng chanh để lấy quả ăn. Nhưng một số nơi lá chanh được sử dụng một loại rau gia vị giúp tăng hương vị cho các món ăn. Dưới đây là một số cách sử dụng lá chanh trong ẩm thực mà bạn nên thử làm:

4.1 Lá chanh trang trí

Lá chanh thường được dùng ăn chung với thịt gà. Sau khi luộc gà xong, lấy ra để nguội, sau đó chặt ra từng miếng vừa ăn, xếp lên đĩa. Sau đó, hái một nắm lá chanh non, rửa sạch, cắt nhuyễn rãi lên đĩa thịt gà. Khi ăn kèm theo muối tiêu hoặc muối ớt chanh.

tac-dung-cua-la-chanh-tot-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-voh-2
Lá chanh thường được dùng để trang trí cho các món ăn (Nguồn: Internet)

4.2 Làm nước sốt

Hương vị cay thơm của lá chanh rất thích hợp để chế biến món sốt cho thịt gà, thịt bò, cừu hoặc cá. Bạn có thể trộn lẫn một ít lá chanh thái nhuyễn với các thành phần của nước sốt và ướp vào thức ăn trước khi nấu khoảng vài giờ.

4.3 Tăng hương vị cho món hấp và sốt

Đối với những món ăn hấp và sốt như súp, cari..., bạn có thể thêm lá chanh vào món ăn trong lúc nấu. Sử dụng nguyên lá, không thái nhỏ.Thêm lá chanh vào món ăn lúc đang đun sôi sẽ giúp tăng vị hấp dẫn của món ăn.

4.4 Tăng hương vị cho chả cá

Ở thái lan người ta cắt lá chanh thành từng sợi nhỏ rồi trộn chung với chả cá, để khi hấp hoặc chiên sẽ làm tăng hương vị của chả cá, ăn ngon miệng hơn.

4.5 Các món nướng

Mùi thơm của lá chanh chính là lựa chọn tốt nhất cho món gà nướng xiên. Lá chanh để nguyên không thái, trần sơ qua nước trước khi đem xiên với thịt gà sẽ giúp tăng hương vị và độ ngon của món ăn.

Ngoài ra, lá chanh cũng dùng ăn chung với thịt thỏ, cũng như các món nộm (cà rốt, su hào...), thường được thái nhỏ để trộn chung với các loại rau củ khác.

Lưu ý: Lá chanh để lâu sẽ có vị đắng hơn bình thường. Vì thế, nếu bạn thích mùi vị dịu nhẹ, bạn hãy tước bỏ phần gân lá trước khi cho lá chanh vào các món ăn sẽ giúp món ăn không bị đắng.

Như vậy, tác dụng của lá chanh vừa là vị thuốc hữu ích vừa có thể giúp làm tăng hương thơm, mùi vị cho các món ăn. Do đó, nếu trong vườn nhà sẵn có trồng chanh, đừng bỏ qua lá chanh, vì nó thực sự tốt cho sức khỏe.

Bình luận