Khám phá các tác dụng của rau dền – vị thuốc quý quanh nhà

(VOH) - Rau dền không chỉ là loại rau dân dã quen thuộc của mọi nhà mà nó còn chứa nhiều giá trị tuyệt vời cho sức khỏe. Tác dụng của rau dền đã thực hiện qua nhiều nghiên cứu từ Đông y đến Tây y.

Rau dền là loại rau khá phổ biến bữa ăn gia trong các đình. Loại rau này được yêu thích nhờ có giá thành rẻ, dễ ăn lại tốt cho sức khỏe.

1. Rau dền là gì?

Rau dền là tên gọi chung để chỉ các loài trong Chi Dền (tên khoa học là Amaranthus). Loại rau này có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, có khoảng 60 loài với khoảng 400 giống của nó hiện diện khắp thế giới. Tại Việt Nam, loại rau dền thường thấy nhất là: dền đỏ, dền cơm và dền gai.

tac-dung-cua-rau-den-voh-0
Rau dền là loại rau dân dã thường thấy trong măm cơm người Việt (Nguồn: Internet)

1.1 Rau dền đỏ (rau dền tía)

Là loại rau có màu đỏ tía, lá lớn, mọng nước, nấu chóng nhừ, khi nấu chín nấu rau dền có màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Loại rau dền này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt như vitamin, khoáng chất, glucid, protein...

1.2 Rau dền xanh (rau dền cơm)

Rau dền xanh hay còn gọi là dền cơm có màu xanh trắng, hoa tụ lại ở trên ngọn như nhúm cơm nhỏ. Loại rau này được trồng để làm rau ăn, phần ăn là ngọn non, lá non và cả cây non (bỏ rễ). Những bộ khác như rễ, củ, thân cây có thể dùng làm thuốc cổ truyền vì có chứa nhiều chất tốt cho quá trình hoạt hóa cơ thể.

1.3 Rau dền gai

Là loại rau thường mọc hoang dại ở những nơi đất bỏ hoang. Rau dền gai thuộc cây thân thảo, có bộ rễ khỏe, ăn sâu nên khả năng chịu hạn, chịu nước tốt, sức nảy mầm cao trong điều kiện không hoàn toàn thuận lợi.

2. Những tác dụng của rau dền là gì?

Rau dền được sử dụng như một loại rau ăn lá, có hương vị ngọt mát và rất phổ biến trong ẩm thực châu Á. Ngoài công dụng làm mát gan, thanh nhiệt, tác dụng của rau dền còn được nhắc đến trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.

2.1 Tốt cho xương khớp

Rau dền chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hàm lượng canxi cao giúp tăng cường độ cứng của xương và ngăn ngừa chứng loãng xương hiệu quả. Ăn rau dền còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh co giật do hụt canxi.

2.2 Rau dền không chứa gluten

Rau dền là loại rau không chứa gluten, do đó, những người mắc bệnh Celiac hoặc những bệnh không thể dung nạp gluten có thể dùng rau dền thay cho ngũ cốc trong chế độ ăn hàng ngày.

2.3 Giảm nguy cơ đột quỵ

tac-dung-cua-rau-den-voh-1
Ăn rau dền có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ (Nguồn: Internet)

Lá rau dền là một nguồn cung cấp kali dồi dào. Kali là chất quan trọng trong cơ thể giúp di chuyển oxy đến não, kích thích hoạt động thần kinh và chức năng nhận thức, đồng thời làm giảm nguy cơ đột quỵ.

2.4 Điều trị giãn tĩnh mạch

Các khoáng chất trong hạt rau dền như kali, kẽm, mangan, photpho và magie có khả năng trị chứng suy giãn tĩnh mạch, giúp tăng cường các thành mao mạch, thúc đẩy quá trình sản xuất collagen sẽ giúp giúp trẻ hóa các thành mạch máu.

2.5 Giảm mức cholesterol cao

Một trong những tác dụng của rau dền là giúp làm giảm mức cholesterol trong cơ thể. Rau dền chứa tocotrienols là một dạng vitamin E có tác dụng chống lại các yếu tố làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu và giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra, hàm lượng chất xơ, kẽm và kali trong rau dền cũng có vai trò hỗ trợ cân bằng mức cholesterol cao trong máu.

2.6 Giảm viêm

Ăn rau dền thường xuyên là một cách giúp làm giảm chứng viêm, bởi rau dền có chứa một chuỗi peptit nhất định đặc tính chống viêm và giảm sưng trên cơ thể. Những phân tử chống viêm trong loại rau này cũng có thể làm giảm bớt tình trạng như viêm khớp, bệnh gout ở mức độ nhẹ.

Xem thêm: Sống ‘hòa bình’ với bệnh gout nhờ dùng thuốc đúng cách, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt!

2.7 Ngăn ngừa xơ vữa động mạch

Rau dền giàu hàm lượng kali và magie cao có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, giảm huyết áp cao góp phần bảo vệ tim mạch.

2.8 Cải thiện tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ trong rau dền cao gấp 3 lần so với lúa mì chính, vì thế, một trong những tác dụng của rau dền là giúp cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.

2.9 Ngăn ngừa thiếu máu

Việc thiếu hụt sắt có thể gây ra hiện tượng thiếu máu, tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này khi ăn rau dền thường xuyên. Rau dền chứa hàm lượng sắt dồi dào sẽ giúp làm tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, từ đó ngăn ngừa được chứng thiếu máu do thiếu sắt.

2.10 Tốt cho bệnh tiểu đường

tac-dung-cua-rau-den-voh-2
Rau dền tốt cho người bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

Nhiều nghiên cứu cho rằng, ăn rau dền thường sẽ giúp ổn định lượng đường huyết trong cơ thể, đặc biệt là người bị tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, tác dụng của rau dền còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tình trạng tăng lượng đường trong máu như chứng béo phì.

2.11 Chữa lành vết thương

Lá rau dền tươi là một trong những nguồn giàu vitamin C. Vitamin C là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và giúp chống lại nhiễm trùng do virus.

2.12 Ngăn ngừa chứng hói đầu

Một trong những tác dụng của rau dền đó là điều trị chứng hói đầu, vì trong hạt rau dền có chứa khoáng chất thiết yếu như kẽm giúp tăng cường các nang tóc và mọc tóc nhanh hơn.

3. Công dụng của rau dền trong chữa bệnh theo y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, những tác dụng của rau dền sẽ được phân chia rõ ràng dựa vào từng loại cụ thể.

3.1 Tác dụng rau dền đỏ

Rau dền đỏ có vị ngọt, tính hàn, tác dụng giúp lợi tiểu, khả năng bài trừ các chất độc ra khỏi cơ thể, sát trùng, trị nọc ong, rắn, rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da.

Ăn rau dền có thể làm mát cơ thể, chống táo bón, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ sau sinh, người nóng bị táo bón dùng rau dền đỏ sẽ rất có lợi.

3.2 Tác dụng rau dền xanh

tac-dung-cua-rau-den-voh-3
Rau rau xanh sử dụng trong y học cổ truyền (Nguồn: Internet)

Rau dền xanh có vị ngọt, tính hàn, được biết đến với tác dụng trị táo bón, bỏng da, viêm họng, vôi hóa cột sống.

Hạt của rau dền xanh cũng được dùng làm thuốc. Loại hạt này có vị ngọt tính lạnh, công dụng mát gan, trừ phong nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh như mắt mờ, giúp lợi tiểu.

3.3 Tác dụng rau dền gai

Rau dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh. Công dụng của rau dền gai ngoài dùng làm rau ăn, cũng có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, rất tốt cho người bị háo khát, táo bón. Lá dền gai giã nát, lấy nước uống, bã đắp sẽ chữa được vết thương do rắn cắn, ong đốt, lở ngứa,

Do có khả năng diệt khuẩn nên rau dền còn có công dụng phòng chống thương hàn, chữa kiết lỵ, viêm ruột rất hiệu quả.

4. Bà bầu ăn rau dền có được không?

Rau dền là một trong những loại rau phù hợp để mẹ bầu thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Rau dền chứa nhiều vitamin B-complex như folate, vitamin B6 (pyridoxine), riboflavin, thiamin (vitamin B-1) và niacin. Một chế độ ăn giàu folate giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, bà bầu ăn rau dền còn nhận được rất nhiều những lợi ích sức khỏe khác, chẳng hạn như giúp thanh nhiệt giải độc, ngừa thiếu máu, táo bón thai kỳ hay nâng cao sức khỏe tổng thể.

Xem thêm: 8 lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn rau dền và lưu ý khi ăn

5. Rau dền nấu món gì ngon?

Rau dền là loại rau có thể linh hoạt trong chế biến. Bạn có thể ăn thêm rau dền vào món salad, món xào, nấu canh hoặc luộc đều ngon.

Một số món ăn bổ dưỡng dễ chế biến từ rau dền như:

5.1 Canh rau dền nấu tôm

Nguyên liệu

  • Tôm tươi: 200g
  • Rau dền: 1 bó
  • Hành khô thái mỏng
  • Gia vị

Cách nấu canh rau dền với tôm

  • Rau dền nhặt sạch, rửa, rồi để ráo nước.
  • Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, rút chỉ đen, tôm to thì chẻ làm đôi, tôm nhỏ bạn để nguyên con, ướp cùng với chút muối.
  • Rang đầu và vỏ tôm trên chảo cùng chút nước. Sau đó cho vỏ tôm ra cối giã nhuyễn. Thêm vào cối vỏ tôm giã 1 chén nước lọc, lọc qua rây lấy nước tôm.
  • Đun nóng chút dầu ăn, cho hành khô thái mỏng vào phi thơm rồi cho tiếp phần thịt tôm vào xào cho săn.
  • Tiếp theo, cho phần nước tôm hòa cùng 2 chén nước lọc, đun sôi. Nước sôi, hớt bọt cho trong, nêm gia vị cho vừa ăn.
  • Cho rau dền vào, đun cho rau chín tới thì trút thịt tôm xào vào, đảo đều rồi tắt bếp.
  • Múc canh rau dền nấu tôm ra tô, dùng trong bữa cơm cùng với các món ăn mặn khác.

5.2 Rau dền xào tỏi

tac-dung-cua-rau-den-voh-4
Rau dền xào tỏi dễ nấu, dễ ăn (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau dền: 100g
  • Tỏi
  • Gia vị

Cách làm rau dền xào tỏi

  • Rau dền mua về nhặt bỏ lá hư, cọng cứng, chỉ lấy lá và phần cọng mềm. Sau đó rửa sạch.
  • Tỏi bóc vỏ, đập dập.
  • Cho dầu vào chảo nóng, đợi dầu sôi cho tỏi vào phi thơm. Sau đó cho rau dền vào xào chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn.
  • Múc rau xào vào đĩa, cho thêm chút tiêu thơm rồi dùng khi còn nóng.

6. Ăn nhiều rau dền có tốt không?

Mặc dù rau dền có tác dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu bạn ăn nhiều quá, hoặc những người không ăn được rau dền nếu ăn phải thì không thể tránh khỏi các tác hại của rau dền .

Lạm dụng rau dền trong chế độ ăn hàng, ăn liên tục với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận và bệnh gout. Đồng thời tình trạng rối loạn dạ dày cũng có thể xuất hiện.

Dị ứng rau dền tương đối hiếm gặp nhưng một số trường hợp vẫn có xảy ra. Ngoài ra, ăn rau dền nhiều có thể khiến răng của bạn bị thô ráp trong một thời gian ngắn.

Lưu ý: Khi sử dụng rau dền, tránh dùng kèm với thịt ba ba hoặc các sản phẩm từ mai ba ba (miết giáp).

Xem thêm: Tác hại của rau dền và những đối tượng không nên ăn

7. Thành phần dinh dưỡng của rau dền

Rau dền là loại rau giàu dinh dưỡng. Theo Bảng thành phần thực phẩm của Việt Nam – Bộ Y tế, thành phần dinh dưỡng trong 100gr rau dền được thể hiện như sau:

tac-dung-cua-rau-den-voh-5

Thành phần dinh dưỡng của rau dền đỏ,rau dên xanh và rau dền gai (Nguồn: Internet)

Như vậy, rau dền là một nguồn dinh dưỡng cần thiết cho gia đình, có thể bổ nhiều dưỡng chất cho thể phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng của rau dền mang lại cho sức khỏe bạn cần phải xây dựng chế độ ăn uống khoa học và sử dụng trong một giới hạn hợp lý và an toàn.

Bình luận