Tác dụng của táo tàu và những món ăn tẩm bổ ít ai biết

(VOH) - Có thể nhiều người chưa biết, táo tàu ngoài công dụng là nguyên liệu cho các món ăn ngon, nó còn là vị thuốc Đông y hỗ trợ chữa được nhiều bệnh lý.

Cùng với táo ta, táo tàu là loại quả khá phổ biến trong ẩm thực cũng như trong y học Đông - Tây, táo tàu mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng, nhất là nhiều hợp chất chống oxy hóa.

1. Táo tàu là táo gì?

Táo tàu hay còn gọi là đại táo, có tên khoa học là Ziziphus jujuba, thuộc họ Táo, có nguồn gốc từ Nam Á nhưng hiện đã phổ biến trên khắp thế giới.

Táo tàu là một loại cây thân gỗ hay cây bụi. Các hóa có màu trắng hoặc ánh lục, khó thấy. Quả hình trắng, kích cỡ giống với quả ô liu. Quả non có màu xanh lục, vỏ trơn bóng, có mùi vị tương tự như quả táo tây, nhưng khi già thì vỏ trở nên sẫm màu, dần chuyển thành màu đỏ hay đen ánh tía, vỏ nhăn nheo giống như quả chà là nhỏ.

tac-dung-cua-tao-tau-va-nhung-mon-an-tam-bo-it-ai-biet-voh-0
Táo tàu chứa thành phần dinh dưỡng phong phú (Nguồn: Internet)

Quả táo tàu có hương vị ngọt và kết cấu dai, ngoài việc được sử dụng trong y học để giúp cải thiện giấc ngủ, táo tàu còn được dùng để làm mứt táo hoặc chè táo. Tại Trung Quốc, Singapore hay Đài Loan, món siro trà ngâm đường chứa táo cũng được rất nhiều người yêu thích.

1.1 Phân loại táo tàu

Tại Việt Nam, táo tàu được bày bán với 2 hình thức là: táo tàu tươi và táo tàu khô.

  • Táo tàu tươi: có hình dáng bên ngoài thâm xỉn, xen lẫn là các đốm nâu, hạt nhỏ, vỏ giòn. Khi ăn có vị ngọt thanh, ngọt.
  • Táo tàu khô: là thành phẩm được sao chế từ táo tàu tươi. Táo tàu khô có 2 loại là hồng táo (loại táo có màu đỏ) và hắc táo (loại táo có màu đen). Bạn có thể phân biệt 2 loại táo này thông qua màu sắc bên ngoài của chúng.

2. Dinh dưỡng trong quả táo tàu

Quả táo tàu ít calo nhưng lại giàu chất xơ và khoáng chất. Một 100gr táo tàu cung cấp các thành phần dinh dưỡng như:

  • Calo: 79
  • Chất đạm: 1gr
  • Chất béo: 0gr
  • Carb: 20gr
  • Chất xơ: 10gr
  • Vitamin C: 77% giá trị hàng ngày (DV)
  • Kali: 5% DV

Do có hàm lượng chất xơ và lượng calo khá thấp, nhưng lại chứa khá nhiều vitamin và khoáng chất, nên táo tàu là món ăn nhẹ lành mạnh, giúp chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp năng lượng, kiểm soát và cân bằng điện giải.

3. Táo tàu có tác dụng gì?

Công dụng của táo tàu không chỉ được dùng trong ẩm thực, nó còn được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực y học Đông y lẫn Tây y.

3.1 Tác dụng của táo tàu trong Tây y

Quả táo tàu rất giàu thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là chất chống oxy hóa như flavonoid, polysaccharide và axit triterpenic. Táo tàu cũng có hàm lượng vitamin C cao, hoạt động như một chống oxy hóa.

Và trên thực tế, hầu hết các lợi ích của quả táo tàu đều bắt nguồn từ hàm lượng chất chống oxy hóa cao của chúng. Dưới đây là một số lợi ích bạn có thể nhận được từ quả táo tàu:

Cải thiện chất lượng giấc ngủ và chức năng não

Táo tàu là dược liệu giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và chức năng não. Cả thịt lẫn hạt táo đều chứa nhiều saponin, đây là chất chống oxy hóa có khả năng làm tăng thời gian và chất lượng giấc ngủ.

tac-dung-cua-tao-tau-va-nhung-mon-an-tam-bo-it-ai-biet-voh-1
Táo tàu có tác dụng cải thiện giấc ngủ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã chỉ ra rằng, chất chiết xuất từ hạt và quả táo tàu có thể cải thiện trí nhớ và giúp bảo vệ tế bào não khỏi bị hư hại bởi các hợp chất phá hủy thần kinh. (1)

Thậm chí, nghiên cứu trên chuột còn cho thấy, chiết xuất từ hạt táo tàu có thể giúp điều trị chứng alzheimer (2), (3). Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để hiểu đầy đủ về chất chiết xuất từ táo tàu có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh của bạn.

Xem thêm: Quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer – từ giảm trí nhớ cho đến liệt giường và không biết gì

Hỗ trợ huyết áp, lưu thông máu

Táo tàu có hàm lượng muối thấp và kali cao, cả 2 đặc điểm này giúp đảm bảo kiểm soát tốt huyết áp. Trong khi đó, nguồn chất sắt và photpho dồi dào của táo tàu giúp điều hòa sự lưu thông máu.

Tăng cường miễn dịch, chống lại tế bào ung thư

Táo tàu có thể giúp tăng cường miễn dịch và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, chất polysaccharides trong táo tàu là loại đường tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa, có thể chống lại gốc tự do, trung hòa các tế bào có hại và giúp giảm viêm (4), từ đó ngăn ngừa được các bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường tuýp 2.

Xem thêm: Cách kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 để sống ‘hòa bình’ với nó, tránh biến chứng nguy hiểm

Một nghiên cứu khác cho thất chất lignins (chất xơ) trong táo tàu có đặc tính chống oxy hóa, thúc đẩy sản xuất các tế bào miễn dịch và làm trung hòa các hợp chất có hại của các tế bào. (5)

Ngoài ra, táo tàu rất giàu vitamin C, đây là một chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tiêu diệt nhiều loại tế bào hư hại có thể phát triển thành ung thư.

Cải thiện sức khỏe xương

Ăn táo tàu có thể giúp bạn có xương chắc khỏe hơn, do táo tàu chứa nhiều canxi. Những người bị loãng xương hoặc có các vấn đề về xương nên dùng táo tàu để cải thiện tình hình.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Hàm lượng chất xơ cao trong táo tàu có thể giúp cải thiện tiêu hóa. Cụ thể, chất dinh dưỡng này có thể giúp làm mềm phân, tăng tốc độ di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa của bạn, từ đó giúp giảm táo bón.

Hơn nữa, chất chiết xuất từ táo tàu có thể giúp tăng cường niêm mạc dạ dày và ruột, giảm nguy cơ bị tổn thương do loét, hay vi khuẩn có hại cư trú trong ruột của bạn.

Ngoài ra, chất xơ trong táo tàu còn là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp chúng tăng số lượng nhanh chóng để chống lại các loại vi khuẩn có hại.

Điều trị đau họng

Táo tàu là loại quả có chứa chất nhầy, có tính chất làm dịu cổ họng. Nếu sắc nước táo tàu uống, có thể điều trị được chứng bệnh đau họng.

3.2 Công dụng của táo tàu trong Đông y

Theo Đông y, táo tàu có tác dụng bồi bổ tỳ vị, dưỡng huyết an thần, có hiệu quả điều trị với những người tỳ vị suy nhược, ăn ít, mệt mỏi, khí huyết không đủ, tim đập nhanh.

Ngoài ra, táo tàu có thể làm hài hòa các vị thuốc, làm giảm nhẹ tính kích thích và tính độc của thuốc. Hoặc dùng táo tàu chế biến thành những món ăn ngon, có tác dụng chữa bệnh.

tac-dung-cua-tao-tau-va-nhung-mon-an-tam-bo-it-ai-biet-voh-2
Táo tàu sử dụng nhiều trong các món ăn bài thuốc Đông y (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc có tác dụng chữa bệnh được chế biến từ táo tàu:

Canh cam thảo, tiểu mạch, táo tàu

Cách làm: Chuẩn bị 10g cam thảo, 30g tiểu mạch, 5 quả táo tàu. Cho 3 nguyên liệu này vào nồi rồi đổ khoảng 2 chén nước, đun đến khi còn 1 chén, uống nước bỏ bã.

Tác dụng: Món canh này giúp dưỡng tâm, an thần, ích khí, tiêu tan phiền não, thích hợp cho những người mắc bệnh suy nhược cơ thể, buồn bực, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm.

Cháo bắp, bạch biểu đậu, táo tàu

Cách làm: Lấy 50g bắp, 25g bạch biển đậu, 50 quả táo tàu rửa sạch, nấu giống cháo bình thường, mỗi ngày ăn 1 lần.

Tác dụng: Món cháo này lợi thủy huyết sưng, thích hợp với người bị phù.

Canh cam thảo, bạch thược, quế chi

Cách làm: Lấy 12g bạch thược, 6g quế chi, 3g cam thảo, 10g sinh khương, 4 quả táo tàu, 30g kẹo mạch nha. Đầu tiên cho 5 vị thuốc này vào nồi nấu lấy nước, sau đó cho kẹo mạch nha vào đun sôi nhỏ lửa, ngày uống 2 – 3 lần, uống khi còn ấm.

Tác dụng: Bài thuốc này có tác dụng chữa đau bụng do tính hư hàn.

Tim lợn hấp táo tàu

Cách làm: Dùng khoảng 500g tim lợn và 10 quả táo tàu. Bổ tim lợn ra nhồi táo tàu vào trong quả tim, sau đó đem đi hấp đến khi chín là ăn được.

Tác dụng: Ăn món ăn này vào mỗi buổi trưa sẽ có tác dụng trị bệnh tim đập nhanh.

Canh táo tàu, đình lịch tử

Cách làm: Chuẩn bị khoảng 20g đình lịch tử và 10 quả táo tàu. Nấu 2 nguyên liệu này thành nước uống, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày. Uống sau khi ăn mỗi ngày 3 lần.

Tác dụng: Món canh này có tác dụng bổ khí lợi thủy, phù hợp với người suy tim, hen suyễn, khạc đờm.

Ngoài việc chế biến các món ăn thường ngày và các món ăn tẩm bổ như các món chè hạt sen táo tàu, hay các món canh hầm bổ dưỡng như bồ câu tiềm táo tàu, táo tàu hầm chung với gà hoặc sườn, chân giò heo... cũng vô cùng đơn giản và dễ làm.

4. Táo tàu đen và táo tàu đỏ khác nhau thế nào?

Trong Đông y, người ta còn phân biệt táo tàu thành 2 loại, đó là táo tàu đen và táo tàu đỏ. Thực tế, chúng đều chỉ chung đến loại thực vật có tên khoa học là Ziziphus jujuba, thuộc họ Táo, có tác dụng tương đương và đều có thể ăn chơi hoặc dùng làm thuốc.

tac-dung-cua-tao-tau-va-nhung-mon-an-tam-bo-it-ai-biet-voh-3
Táu đen và táo đỏ là 2 loại táo phổ biến tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, về cách chế biến và sử dụng thì 2 loại táo này tương đối khác nhau. Cụ thể:

4.1 Táo đen

Là loại táo đã qua sơ chế bằng cách hun khói và được tẩm thêm dược liệu trong quá trình sao chế, để tăng dược tính.

Táo đen thường được dùng kèm trong các thang thuốc Đông y, với tên gọi là “hắc táo”. Vị thuốc này có dược tính cao hơn táo đỏ, công dụng chính là giúp điều hòa các vị thuốc và bồi bổ cơ thể.

4.2 Táo đỏ

Táo đỏ hay còn còn gọi là “hồng táo”, là loại táo thường được dùng nhiều hơn trong các món ăn bài thuốc. Quả táo này có lớp vỏ màu nâu đỏ, lớp thịt hơi ngả vàng, thịt mềm xốp có vị ngọt thơm.

Bạn sẽ thường thấy táo đỏ xuất hiện nhiều trong các món ăn như sâm bổ lượng, các loại nước mát hoặc trong các món ăn vừa bổ dưỡng, vừa giúp phòng trị bệnh.

Như vậy, táo tàu là loại quả mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, bạn không nên ăn liên tục trong nhiều ngày vì nếu ăn quá nhiều sẽ làm thiên lệch sức khỏe (bổ cơ quan này nhưng làm thiếu chất ở cơ quan khác). Tốt nhất, hãy sử dụng táo tàu với mức độ vừa phải, kết hợp với những thực phẩm bổ dưỡng khác trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Bình luận