Bạn đã biết được những gì về tác dụng của nước mía?

(VOH) – Nước mía là một trong những loại nước giải khát rất phổ biến trong những ngày hè oi ả. Tuy nhiên, bạn có biết ngoài giúp giải khát tác dụng của nước mía còn có thể nhiều hơn.

Vốn có vị ngọt man mát tự nhiên nên nước mía "chiếm cảm tình" của khá nhiều người, song nếu nói tới lợi ích sức khỏe mà thức uống này đem lại thì chưa hẳn ai cũng rõ. Cùng tìm hiểu xem những tác dụng của nước mía đối với sức khỏe là gì nhé!

1. Tìm hiểu về cây mía

Cây mía có tên khoa hoặc là Saccharum L, thuộc họ Lúa Poaceae, trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới và ôn đới. Nhiều nơi trên thế giới gọi mía là cam giá (tức là cây có vị ngọt, giống cái gậy). Tại Việt Nam, người ta thường chia mía ra thành nhiều loại như mía đường, mía lau...

Mía được dùng để sản xuất đường bởi các loại đường tự nhiên chiếm tới hơn 70% tổng thành phần, còn lại là các dưỡng chất khác như protein, chất béo, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và gần 30 loại axit hữu cơ khác. Ngoài việc được sử dụng trong sản xuất công nghiệp thì mía còn có thể dùng để ăn trực tiếp như một loại trái cây hoặc được đem ép nước mía.

ban-da-biet-duoc-nhung-gi-ve-tac-dung-cua-nuoc-mia-voh-0
Ngoài làm nguyên liệu chính để sản xuất đường tinh luyện, mía còn được dùng trực tiếp như một loại trái cây hoặc đem ép lấy nước (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của nước mía với sức khỏe 

Đi ngoài trời nắng, nếu uống được một ly nước mía bạn sẽ thấy đã khát và sảng khoái vô cùng. Thế nhưng, nước mía không chỉ giúp giải cơn khát mà nó còn có những lý do khác để xứng đáng trở thành loại thức uống được nhiều người yêu thích. Dưới đây là các tác dụng của nước mía mang lại cho sức khỏe khiến bạn bất ngờ:

2.1 Làm mát nhanh cơ thể

Mùa hè khiến cơ thể rất dễ bị mất nước và khát nước, thậm chí sức nóng mặt trời có thể làm hoa mắt chóng mặt hoặc rối loạn thần kinh. Trong khi nước mía có tính mát nên có khả năng làm tiêu trừ nhiệt nóng. Nhiều người còn cho thêm đá vào nước mía trong quá trình pha chế để tạo ra cảm giác dễ chịu khi uống.

2.2 Giải độc cơ thể

Một trong những tác dụng của nước mía là giải độc cơ thể. Uống nước mía sẽ giúp cung cấp đường đơn cho cơ thể, loại đường này có lợi cho gan giúp khử độc tố. Chưa hết, nước mía còn có hoạt tính lợi tiểu. Uống nước mía thường xuyên sẽ giúp nước tiểu có nhiều hơn, trong hơn, đi tiểu bớt buốt rát hơn, chất độc sẽ bị rửa trôi ra khỏi thận. Vì thế nước mía được khuyên nên uống trong ngày hè.

Xem thêm: Giải nhiệt cơ thể nhanh 'cấp tốc' bằng những cách đơn giản

2.3 Ngừa say nắng

Say nắng có thể gây ra nhiều nguy hiểm đến sức khỏe con người và việc uống nước mía có thể ngăn ngừa được tình trạng này. Nước mía có thể giúp cung cấp nước cho cơ thể, làm hạ nhanh thân nhiệt. Ngoài ra, trong nước mía có chất policosanol - chất có tác dụng tái khởi động các quá trình dẫn truyền thần kinh, tái hoạt động các synap bị ức chế, duy trì tinh thần sảng khoái và tỉnh táo. 

2.4 Tốt cho xương khớp

Theo phân tích dinh dưỡng, nước mía có chứa khá đa dạng các khoáng chất cần thiết cho hệ xương khớp, điển hình phải kể đến canxi, magie, kali hay mangan. Những dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ trực tiếp tham gia hình thành và tái tạo các tế bào xương, góp phần tăng mật độ khoáng xương, củng cố hệ vận động dẻo dai hơn. 

ban-da-biet-duoc-nhung-gi-ve-tac-dung-cua-nuoc-mia-voh-1
Nước mía cung cấp khá nhiều khoáng chất tốt cho xương khớp (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng chống ung thư

Nhờ có hàm lượng khoáng chất cao nên nước mía cũng được đánh giá là thức uống giàu tính kiềm. Theo đó, một số căn bệnh như ung thư sẽ không thể phát triển trong môi trường có tính kiềm nên nước mía là thức uống khá lành mạnh với đặc tính ngăn ngừa ung thư hiệu quả, đặc biệt là bệnh ung thư tuyến tiền liệtung thư vú

2.6 Cung cấp năng lượng

Chúng ta biết rằng đường thuộc nhóm các thành tố quan trọng sản sinh năng lượng hoạt động, giảm tình trạng mệt mỏi hay hạ đường huyết. Chính vì thế, thưởng thức một ly nước mía vừa giúp giải khát nhanh chóng, vừa đảm bảo cung ứng một lượng đường nhất định mà cơ thể cần trong ngày.

Xem thêm: Cách phát hiện bị hạ đường huyết và chế độ ăn uống để đường huyết ổn định trở lại

2.7 Có lợi cho da

Nhiều nghiên cứu nhận thấy trong nước mía chứa axit glycolic và axit hydroxy rất có lợi cho sức khỏe cho da như làm sáng da và chống nhiễm trùng da. Các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid hay phenolic cũng giúp trì hoãn sự lão hóa da, giữ nước cho da và sự phát triển của các nếp nhăn.

2.8 Hỗ trợ giải rượu bia

Sau những cuộc vui "quá chén" và vẫn còn cảm thấy mệt mỏi hay buồn nôn thì dùng một ly nước mía ấm nóng cũng được xem như một phương pháp hỗ trợ giải rượu bia khá hữu hiệu. Điều này là bởi hấp thu thêm lượng đường từ nước mía sẽ giúp làm loãng lượng cồn còn tồn đọng trong gan, đồng thời phần nào bù đắp các vitamin, khoáng chất bị hao hụt do uống quá nhiều rượu bia. 

Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 12 bí kíp giải rượu bia này đảm bảo bạn không còn say xỉn triền miên nữa

3. Tác dụng của nước mía theo Đông y

Theo Đông y, nước mía có vị ngọt mát, vào phế vị. Có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, giáng khí lợi niệu. Dùng cho các trường hợp thử nhiệt tổn thương tân dịch, đau họng, khản giọng, mất tiếng, viêm khí phế quản ho đau rát họng, tiểu ít tiểu dắt, nhiễm độc thai nghén, nôn ói phù nề, mất nước, táo bón.  

ban-da-biet-duoc-nhung-gi-ve-tac-dung-cua-nuoc-mia-voh-2
Nước mía được tận dụng trong Đông y để hỗ trợ điều trị bệnh lý (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số cách chữa bệnh từ nước mía được Đông Y áp dụng:

  • Nước mía tươi: Mía tươi róc vỏ, chặt thành khúc ép lấy nước mát để uống. Dùng cho các trường hợp sốt khô họng, tiểu gắt.
  • Nước mía gừng tươi: Nước mía ép 30 - 50ml, thêm nước gừng tươi theo tỷ lệ 7:1. Uống từng chút một. Dùng cho các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản, nôn ói ra thức ăn, dịch vị.
  • Nước mía nóng: Dùng 100ml nước mía ép, đun cách thủy đến sôi, ngày uống 3 lần. Dùng cho các trường hợp nôn oẹ, nôn khan dai dẳng (nhiễm độc thai nghén, kích ứng ho gà...).
  • Rượu nho mía: Nước mía 30 - 50ml, rượu vang nho 30 - 50ml. Trộn đều, ngày uống 2 lần. Dùng để chữa viêm dạ dày mạn tính.
  • Cháo kê nước mía: Nước mía 400g, kê hạt bỏ vỏ 200g. Nấu cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản ho khan, miệng khô, họng khô, chảy nước mắt nước mũi.
  • Nước mía ép ngó sen: Nước mía 500 - 100g, ngó sen 500g. Ngó sen nghiền ép vụn hòa lẫn với nước mía, uống ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp viêm đường tiết niệu cấp (tiểu rắt, tiểu buốt, đau khi tiểu và tiểu ra máu).
  • Nước mía củ cải bách hợp: Nước mía 100ml, nước ép củ cải 100ml; bách hợp 100g. Bách hợp nấu trước cho chín nhừ, cho nước mía và nước ép củ cải vào, đun sôi, khuấy đều. Uống trước khi đi ngủ. Dùng cho các trường hợp viêm họng, viêm nóng thanh khí phế quản, ho khan.

Lưu ý: Những người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy nên thận trọng, chỉ dùng mía nướng hoặc nước mía đun sôi, không dùng nước mía tươi hoặc nước mía đã để qua đêm.

4. Bà bầu uống nước mía có tốt không?

Có thể nói rằng nước mía là một trong số ít loại nước giàu dinh dưỡng mà các mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng cho chế độ dưỡng thai. Theo đó, trong tuần bà bầu uống khoảng 1 - 2 ly nước mía nhỏ (ly 100 - 150ml) vừa tốt cho sức khỏe bản thân, vừa thúc đẩy quá trình phát triển của thai nhi cũng như ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh. 

ban-da-biet-duoc-nhung-gi-ve-tac-dung-cua-nuoc-mia-voh-3
Bà bầu có thể yên tâm uống nước mía trong thai kì (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, khi trẻ bước vào thời kì ăn dặm, thay vì nêm nếm đường tinh luyện hay chất tạo ngọt nhân tạo, các mẹ cũng có thể "biến tấu" nhiều món ăn dặm nước mía để bé thưởng thức nữa đấy!

Xem thêm: 5 lý do để bà bầu uống nước mía trong suốt thai kì

5. Uống nước mía nhiều có tốt không?  

Đem nhiều lợi ích tuyệt vời trên đây nên không thể phủ nhận rằng nước mía là một thức uống trái cây khá tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng uống nước mía nhiều vì những tác dụng phụ dưới đây vẫn có nguy cơ xảy ra khá cao: 

5.1 Tăng nồng độ đường huyết

Điều trị tiểu đường uống nước mía được không có lẽ là băn khoăn của khá nhiều người. Trên thực tế, nếu sử dụng ở lượng vừa phải (khoảng 100ml mỗi lần) thì người bệnh tiểu đường vẫn uống nước mía được. Song cần lưu ý  dù nước mía có chỉ số đường huyết (GI) thấp nhưng chỉ tải lượng đường huyết tương đối cao (Glycemic Load – GL), đồng nghĩa rằng nếu liên tục uống quá nhiều nước mía, nồng độ đường huyết vẫn sẽ tăng vượt mức an toàn. 

5.2 Gây tăng cân

Lượng lớn được tiếp nạp từ nước mía sau khi vào cơ thể dần chuyển hóa dạng glycogen ở gan và chuyển thành mỡ, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ khiến cân nặng gia tăng nhanh chóng, dẫn tới béo phì. 

Xem thêm: Điểm danh 14 loại thực phẩm giàu calo gây tăng cân, béo phì

5.3 Làm loãng máu

Lượng chất policosanol từ mía được biết đến là yếu tố chống kết dính tiểu cầu, góp phần làm loãng máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Vì thế, nếu mắc bệnh máu khó đông hoặc đang sử dụng các loại thuốc  chống đông máu... thì không nên uống nước mía để tránh làm giảm tác dụng của thuốc, gây khó khăn trong điều trị bệnh. 

5.4 Gây mất ngủ 

Nước mía vốn giúp lợi tiểu, cho nên khi uống quá nhiều (nhất là vào buổi tối) thận buộc phải tăng cường bài tiết, dễ gây gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn đi tiểu đêm. 

6. Giá trị dinh dưỡng của nước mía

Các chất dinh dưỡng có trong 100g nước mía gồm có:

  • Lượng calo: 269 KJ
  • Tổng số chất béo: 58 mg
  • Natri: 63mg
  • Kali: 63mg
  • Tổng carbohydrate: 25.4g
  • Canxi: 0,01g
  • Magie: 2g

Ngoài những tác dụng của nước mía mang lại cho sức khỏe khi uống hàng ngày, nước mía còn có thể là nguyên liệu để nấu nhiều món ăn ngon. Hãy bổ sung loại nước uống này vào những ngày hè nắng nóng để cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể và giải nhiệt ngày hè.

Bình luận