Hiểu đúng về tác dụng của vitamin K đối với sức khỏe con người

(VOH) – Vốn đảm nhiệm rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta, thế nhưng có lẽ không phải ai cũng biết tới tác dụng của vitamin K cùng phương pháp bổ sung đúng cách, an toàn với sức khỏe.

Mỗi nhóm vitamin đều có những đặc tính riêng biệt và tham gia vào các hoạt động khác nhau của cơ thể, vitamin K cũng vậy. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại vitamin đặc biệt này.

1. Vitamin K là gì?

Vitamin K là nhóm vitamin hòa tan trong chất béo, có cấu trúc hóa học 2-methyl-1,4-naphthoquinone. Theo nghiên cứu y khoa, vitamin K được xem như thành tố “then chốt” thúc đẩy quá trình đông máu cũng như chuyển hóa khoáng chất cung cấp cho các tế bào xương.

hieu-ve-tac-dung-cua-vitamin-k-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-voh-0
Vitamin K thuộc nhóm vitamin hòa tan trong chất béo, tham gia thúc đẩy quá trình đông máu và chuyển hóa khoáng chất cần thiết cho các tế bào xương (Nguồn: Internet)

Có 3 loại vitamin K phổ biến, gồm vitamin K1, vitamin K2 và vitamin K3:

  • Vitamin K1 (phylloquinone): tồn tại trong rất nhiều rau quả có màu xanh, là nguồn vitamin K chủ đạo từ thực phẩm
  • Vitamin K2 (menaquinones): là loại được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và một số thực phẩm lên men. Bên cạnh đó một phần vitamin K2 có thể được tổng hợp từ quá trình chuyển hóa vitamin K1 dưới sự xúc tác của lợi khuẩn đường ruột.
  • Vitamin K3 (menadione): là vitamin nhân tạo, tan trong nước nhưng có hại đến gan nên thường không được khuyến khích, thậm chí bị cấm sử dụng.

2. Tác dụng của vitamin K với sức khỏe

Dưới đây là những tác dụng của vitamin K với sức khỏe nếu chúng ta duy trì bổ sung đúng liều lượng và khoa học:

2.1 Hỗ trợ cầm máu

Tốc độ đông máu diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc phần lớn vào protein prothrombin có trong huyết tương, tuy nhiên nhóm protein này sẽ hoạt động hiệu quả khi có sự tác động của vitamin K, nhất là vitamin K1. (1)

Vì lẽ đó mà cơ thể luôn cần được cung ứng đủ lượng vitamin K cần thiết mỗi ngày, đảm bảo cầm máu kịp thời khi gặp các chấn thương, hạn chế tối đa tình trạng mất máu gây choáng váng, thậm chí là tử vong.

Xem thêm: Cách xử lý khi bị đứt tay để cầm máu nhanh và tránh nhiễm trùng

2.2 Phòng ngừa xuất huyết não ở trẻ sơ sinh

Trong vòng 24 - 72 giờ sau sinh, nếu không được cung cấp khoáng chất vitamin K từ sữa mẹ, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ bị xuất huyết não. Biểu hiện của bệnh lý này là trẻ sẽ ngừng bú đột ngột, xanh tái, khóc thét, nôn ói, rên rỉ, sụp mắt, hôn mê, rối loạn nhịp thở và tiềm ẩn nguy cơ tử vong.

Do đó, ngay sau khi trẻ mới sinh, cần tiêm vitamin K theo chỉ định của bác sĩ nhằm ngăn ngừa các triệu chứng này. (2)

2.3 Củng cố xương chắc khỏe

Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và chỉ ra rằng vitamin K (cụ thể là vitamin K2) có khả năng kích hoạt osteocalcin để vận chuyển canxi vào mô xương, nhằm duy trì hoạt động hình thành và tái tạo các tế bào xương, tăng mật độ khoáng xương. (3)

hieu-ve-tac-dung-cua-vitamin-k-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-voh-1
Vitamin K sẽ giúp giảm thiểu tối đa tỉ lệ loãng xương, gãy xương ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ đã bước vào thời kì mãn kinh (Nguồn: Internet)

Nhờ vậy mà theo thống kê tỉ lệ gãy xương và loãng xương ở người bổ sung đầy đủ vitamin K sẽ thấp hơn 20% so với đối tượng bị thiếu hụt, đặc biệt là đối với phụ nữ đã bước vào thời kì mãn kinh.

Xem thêm: Loãng xương ở phụ nữ mãn kinh và những lời khuyên hữu ích 

2.4 Bảo vệ tim mạch

Bệnh xơ cứng mạch xảy ra một phần do sự lắng đọng canxi ở lớp giữa thành động mạch, hay còn được biết đến là vôi hóa thành mạch.

Thế nhưng thật may là để phòng tránh tối đa tình trạng này, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích chúng ta chủ động bổ sung đủ lượng vitamin K. Theo đó, nhóm vitamin này có đặc tính khoáng hóa canxi và ngăn chặn hiện tượng tích tụ trên thành mạch - một trong những nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ timđột quỵ, từ đó giúp bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. (4)

2.5 Cải thiện hoạt động não bộ

Vitamin K được đánh giá là dưỡng chất góp phần quan trọng trong quá trình điều hòa sinh trưởng tế bào thần kinh và có đặc tính như một hormone giúp phòng ngừa quá trình lão hóa. Vì vậy, vitamin K thuộc nhóm chất thiết yếu cần bổ sung để tăng kết nối chặt chẽ giữa các tế bào, đảm bảo duy trì tốt các chức năng não bộ, nhất là với những bệnh nhân mắc chứng Alzheimer. (5)

Xem thêm: Quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer – từ giảm trí nhớ cho đến liệt giường và không biết gì

2.6 Điều trị các bệnh khác

Ngoài ra, tác dụng của vitamin K còn hỗ trợ điều trị các bệnh khách như chán ăn, bệnh xơ gan mật, bệnh Parkinson, giúp hỗ trợ trong điều trị leuprolid đối với ung thư tuyến tiền liệt,...Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu mới này chưa được phê duyệt và chỉ dùng đại trà trong lâm sàng. (6)

3. Nhu cầu vitamin K hàng ngày

Nhu cầu vitamin K sẽ thay đổi và có sự khác biệt ở từng độ tuổi, giới tính. (7) Do vậy bạn cần nắm rõ khuyến cáo về hàm lượng vitamin K sau để bổ sung đủ lượng:

  • Trẻ sơ sinh 0-6 tháng: 0.5 – 1.5 mcg/ngày
  • Trẻ sơ sinh 7-12 tháng: 2.5 mcg/ngày
  • Trẻ 1-3 tuổi: 30 mcg/ngày
  • Trẻ 4-8 tuổi: 55 mcg/ngày
  • Trẻ em 9-13 tuổi: 60 mcg/ngày
  • Bé gái từ 14-18 tuổi: 75 mcg/ngày
  • Nữ giới từ 19 tuổi trở lên: 90 mcg/ngày
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (19-50 tuổi): 90 mcg/ngày
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (dưới 19 tuổi): 75 mcg/ ngày
  • Bé trai 14-18 tuổi: 75 mcg/ ngày
  • Nam giới 19 tuổi trở lên: 120 mcg/ ngày
hieu-ve-tac-dung-cua-vitamin-k-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-voh-2
Nhu cầu vitamin K hàng ngày ở từng độ tuổi, giới tính sẽ có sự thay đổi nên bạn cần chủ ý bổ sung hợp lý (Nguồn: Internet)

4. Thiếu vitamin K gây bệnh gì?

Hiện tượng thiếu vitamin K có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, song tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc phải thường cao hơn cả bởi các con chủ yếu chỉ hấp thu chất dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.

Nếu không kịp thời phát hiện và bù đắp lượng vitamin K đúng mức, các vấn đề sức khỏe sau có thể xảy ra:

  • Rối loạn đông máu
  • Xuất huyết não
  • Thiếu hụt canxi, tăng nguy cơ bị gãy xương, loãng xương
  • Tắc nghẽn thành mạch, nhồi máu cơ tim

Xem thêm: ‘Cẩn trọng’ 4 hệ lụy có thể xảy ra với sức khỏe ở cả người lớn và trẻ nhỏ khi thiếu vitamin K

5. Hướng dẫn bổ sung vitamin K an toàn

Cũng giống như các nhóm vitamin khác, phương pháp bổ sung vitamin K khá đa dạng nhưng điều cần lưu ý ở đây là nên lựa chọn thật phù hợp, nhằm đảm bảo cơ thể hấp thu hiệu quả nhất cũng như hạn chế gặp phải những rủi ro sức khỏe.

Thông thường các chuyên gia dinh dưỡng sẽ khuyến khích chúng ta tiếp nạp vitamin K từ nguồn thực phẩm tự nhiên. Còn trong trường hợp thiếu hụt trầm trọng hoặc đang điều trị chấn thương, sử dụng thuốc kháng sinh thì bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc uống hay thuốc tiêm bổ sung vitamin K, tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng khi chưa có sự thăm khám, chẩn đoán chuyên khoa. 

Xem thêm: ‘Nằm lòng’ 5 lưu ý quan trọng này để bổ sung vitamin K đúng cách, an toàn cho sức khỏe

6. Vitamin K có trong thực phẩm nào?

Hàm lượng vitamin K thường ít hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn, do đó bạn rất dễ hấp thu khoáng chất này thông qua thực phẩm hằng ngày.

hieu-ve-tac-dung-cua-vitamin-k-doi-voi-suc-khoe-con-nguoi-voh-3
Vitamin K được tìm thấy rất nhiều trong các loại rau xanh lá, một số thực phẩm lên men và chế phẩm từ sữa (Nguồn: Internet) 

Phần lớn các loại rau có màu xanh đậm thường cung cấp lượng vitamin K khá dồi dào. Ngoài ra, bạn cũng có thể dung nạp vitamin K bằng cách bổ sung thực phẩm lên men hay các chế phẩm từ sữa.

Xem thêm: Vitamin K có trong thực phẩm nào bạn đã biết chưa? 

7. Thừa vitamin K có sao không?

Theo chia sẻ từ các chuyên gia dinh dưỡng, nếu chúng ta kết hợp đa dạng các thực phẩm giàu vitamin K trong khẩu phần thì đã đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Vì thế tình trạng thừa vitamin K thường xảy ra khi bạn tự ý dùng hoặc lạm dụng liều lượng lớn các loại thuốc điều chế bổ sung vitamin K.

Khi hàm lượng vitamin K vượt quá mức an toàn cũng khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như suy giảm chức năng gan, suy thận hay thiếu máu huyết tán.

Xem thêm: Đây là 3 lưu ý bạn cần thực hiện ngay khi cơ thể dư thừa vitamin K

Vốn là nhóm vitamin khá “lạ mặt” nên khi xây dựng thực đơn hàng ngày chúng ta có thể vô tình “lãng quên” vitamin K và dẫn tới mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Hy vọng rằng những thông tin chia sẻ ở bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của vitamin K trong quá trình duy trì hoạt động tế bào và giúp cơ thể “vận hành” hiệu quả, từ đó hãy chủ động bổ sung thực phẩm giàu vitamin K vào khẩu phần ăn nhé.

Bình luận