Người bệnh tiểu đường ăn dâu tây được không?

(VOH) – Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường luôn cần chăm sóc ‘từng li từng tí’ để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm. Do đó có nhiều thắc mắc rằng tiểu đường ăn dâu tây được không?

Trái dâu tây có vị thơm ngọt, rất dễ ăn nên hầu như ai cũng yêu thích thức quả này. Nếu không tìm hiểu kĩ lượng tác động của dâu tây trong quá trình điều trị tiểu đường mà “kiêng khem” quá mức thì bạn có thể bỏ mất một nguồn dưỡng chất quan trọng. 

1. Tiểu đường ăn dâu tây được không?

Nhiều người sau khi được chẩn đoán mắc tiểu đường thường rất “e dè” với các loại trái cây, song theo khuyến cáo chỉ cần điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý thì không có gì đáng lo ngại. Đặc biệt, với thức quả có chỉ số đường huyết thấp như dâu tây (đạt 41) thì người bệnh hoàn toàn có thể thêm vào thực đơn hàng ngày. 

2. Lợi ích sức khỏe khi người tiểu đường ăn dâu tây

Trung bình mỗi ngày người bệnh tiểu đường có thể ăn khoảng 100 – 150g dâu tây (khoảng 5 – 7 trái) để nhận được những lợi ích sức khỏe sau:

2.1 Kiểm soát quá trình hấp thu đường 

Dâu tây được biết đến là loại quả lý tưởng cung cấp chất xơ cho cơ thể, theo đó trong 100g dâu tây chứa khoảng 2g chất xơ, tương đương với 12% giá trị hàng ngày. Chất xơ không chỉ kích thích hệ tiêu hóa mà còn làm chậm quá trình hấp thu lượng đường glucose trong máu.  

nguoi-benh-tieu-duong-an-dau-tay-duoc-khong-voh-0
Chất xơ trong trái dâu tây sẽ giúp kiểm soát lượng đường glucose trong máu (Nguồn: Internet) 

2.2 Cải thiện tình trạng kháng insulin 

Tình trạng kháng insulin sẽ làm rối loạn chuyển hóa đường glucose trong máu đi nuôi dưỡng các tế bào. Trái dâu tây sẽ bổ sung hai dưỡng chất thiết yếu để cải thiện tình trạng này đó là magie và vitamin C, từ đây có thể ngăn chặn biến chứng tăng huyết áp do tích tụ máu đông.  

Xem thêm: Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm không phải ai cũng biết

2.3 Giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 

Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng cao khi cơ thể thừa cân béo phì hoặc tiền sử gia đình từng mắc. Dâu tây cung cấp khá ít calo và bổ sung cho cơ thể lượng đường tự nhiên fructose chuyển hóa chậm nên hoàn toàn có thể giúp bạn chủ động trong việc phòng tránh tình trạng bệnh lý này.

Hy vọng rằng với những “giải đáp” trên đây bạn sẽ cảm thấy an tâm thêm quả dâu tây vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình. Đặc biệt, hãy nhớ duy trì thói quen tập thể dục thể thao đều đặn để bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường nhé. 
 

Bình luận