Cách bảo quản thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho ngày Tết

(VOH) - Dịp Tết, gia đình nào cũng cất trữ nhiều thực phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản thực phẩm lâu, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe.

Bảo quản thực phẩm tươi sống

Bảo quản rau, củ tươi

Để bảo quản rau xanh tươi lâu trong ngày Tết, bạn cần chú ý phân biệt các nhóm rau củ quả sau đây để có cách bảo quản phù hợp.

Những loại rau củ quả như tỏi, hành tây, khoai tây, khoai lang, bí đỏ… không nên bảo quản trong tủ lạnh mà chỉ cần bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo vì nhiệt độ trong tủ lạnh có thể gây ảnh hưởng đến hương vị của chúng.

Những loại rau củ quả sau khi chín mới nên bỏ vào tủ lạnh như bơ, lê, cà chua, chuối, đu đủ, xoài… Khi ở nhiệt độ lạnh, các loại rau quả tạm thời ngừng quá trình chín. Do đó, sau khi để ở nhiệt độ thường đến khi chín hoàn toàn, bạn có thể cho chúng vào tủ lạnh để bảo quản lâu hơn.

bảo quản rau củ
Nên sử dụng túi, hộp nhựa chuyên dụng để đựng rau củ (Ảnh: huffpost)

Xem thêm: 'Thuộc lòng' cách bảo quản rau trong tủ lạnh này, đảm bảo rau luôn tươi ngon như mới!

Những loại rau củ quả cần bảo quản lạnh ngay sau khi mua như: măng tây, cần tây, súp lơ xanh, gừng, nấm (nên bỏ vào túi giấy thay vì túi nilon sẽ giữ được lâu hơn), bắp cải, cà rốt, đậu hà lan, cam, quýt, táo…

Tuy nhiên, để bảo quản rau các loại rau củ này trong ngăn mát tủ lạnh hiệu quả nhất, bạn cần chú ý:

  • Loại bỏ phần hư hỏng, dập nát trước khi cho vào tủ lạnh
  • Không nên rửa rau củ trước khi cho vào tủ lạnh
  • Bảo quản riêng rau củ và trái cây
  • Không cắt nhỏ rau củ trước khi cho vào tủ lạnh
  • Sử dụng túi, hộp nhựa chuyên dụng để đựng rau củ
  • Thời gian bảo quản của mỗi loại rau quả thường không giống nhau và còn phụ thuộc vào môi trường trong tủ lạnh. Thông thường, bạn có thể bảo quản thực phẩm từ 3–7 ngày.

Bảo quản thịt, cá tươi

Nơi bảo quản thực phẩm tươi sống như thịt, cá là ngăn đá tủ lạnh. Trước khi cho vào hộp hoặc túi ni lông thì bạn nên rửa sạch và cắt miếng phù hợp khi chế biến. Đậy kín hộp và buộc chặt túi rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi chế biến bạn lấy ra rã đông hoàn toàn và nhớ nấu hết thực phẩm đã rã đông. Cụ thể:

Đối với cá tươi: Trước khi bảo quản cá trong tủ lạnh cần phải sơ chế cá, loại bỏ vảy, cắt vây mang, làm sạch nội tạng và rửa sạch cá. Ngoài ra, nên rửa sạch cá với muối, chanh hoặc gừng để loại bỏ đi mùi tanh. Sau khi rửa sạch cá thì để cho ráo nước, cho cá vào hộp có nắp đậy kín.

Dùng màng bọc thực phẩm quấn chặt xung quanh hộp hoặc bỏ vào túi zip, để đảm bảo không khí không thể lọt vào và mùi cá không bay ra, cuối cùng cất trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh, tùy theo nhu cầu sử dụng.

Đối với thịt heo: Rửa sạch thịt heo với nước muối loãng rồi rửa lại với nước sạch, để ráo nước hoặc dùng khăn giấy thấm khô thịt, cho thịt vào hộp đậy kín nắp rồi dùng màng bọc thực phẩm quấn chặt.

Ngoài ra có thể quấn chặt thịt bằng màng bọc hay túi nilon trước rồi cho vào túi zip. Việc bọc kín thịt lại thế này sẽ giúp cho không khí không len vào, thịt sẽ giữ tươi lâu hơn và không bị đông đá.

bảo quản thịt
Cần bọc kín thịt lại trước khi bỏ vào tủ đông (Ảnh: Cookist)

Xem thêm: Cẩm nang ‘từ A đến Z’ cách bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh bà nội trợ nhất định phải biết

Đối với thịt bò: Nếu không sử dụng liền thì không nên rửa qua với nước trước khi bảo quản, bởi nước sẽ ngấm vào các thớ thịt, khiến thịt bị đông đá trong quá trình bảo quản. Trước khi bỏ vào tủ đá cần dùng khăn giấy, thấm qua thịt bò cho khô ráo, sau đó quét 1 lớp mỏng dầu ăn lên thịt, để thịt không bị khô khi giữ lạnh lâu ngày. Dùng màng bọc thực phẩm quấn thịt lại, cho vào hộp đậy kín nắp và cho vào ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh tùy theo nhu cầu sử dụng.

Đối với thịt gia cầm như gà, vịt, chim, ngan..., trước khi cho vào tủ lạnh cần rửa sạch thịt trước, nên rửa với muối, chanh hoặc gừng và rượu để khử được mùi tanh của gia cầm, sau đó để khô ráo rồi cho thịt gà vào hộp đậy kín nắp hoặc bỏ vào túi zip khóa chặt. Ngoài ra có thể cho vào hộp hoặc khay, dĩa... rồi dùng màng bọc thực phẩm quấn lại trước khi cho vào tủ đá.

Nên chia thịt, cá ra các phần nhỏ khi giữ lạnh, dán tem ghi ngày, giờ bắt đầu bảo quản và ngày kết thúc thời gian bảo quản cho phép lên trên lớp bảo quản. Khi sử dụng hãy dùng những thực phẩm có thời hạn dùng cận nhất.

Bảo quản thực phẩm chế biến, thức ăn đã nấu chín

Thức ăn nấu chín nếu bảo quản lâu thì phải để nguội rồi đậy kín mới đưa vào tủ lạnh. Ngoài ra, với mỗi loại thực phẩm đặc trưng dịp Tết, cách bảo quản cũng có sự khác biệt.

Bảo quản bánh chưng, bánh tét

Đối với bánh chưng, bánh tét – khi bảo quản bằng tủ lạnh thường dễ bị "lại gạo" (hạt nếp trở nên khô cứng). Do đó, nếu thời tiết mát mẻ, bạn nên bảo quản ở nơi thoáng mát.

Nếu bạn tự làm bánh chưng, bánh tét, cần chú ý khi vớt bánh ra và rửa sạch lớp lá ngoài bằng nước lạnh cho hết nhựa rồi để ráo. Sau đó, xếp bánh thành nhiều lớp rồi dùng mâm hoặc vật nặng đè lên và ép cho nước ra bớt, sẽ giúp bánh chắc và mặt bánh bằng phẳng hơn – và bảo quản được lâu hơn.

Treo bánh nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm ướt. Nếu lỡ cắt bánh mà dùng không hết - bạn cho bánh vào hộp kín bỏ tủ lạnh, khi ăn đem chiên, hấp lại là được.

Nếu bạn mua bánh sẵn từ cửa hàng, siêu thị - bạn nên bảo quản trong tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.

bánh chưng, bánh tét
Nếu lỡ cắt bánh chưng mà dùng không hết thì cho bánh vào hộp kín bỏ tủ lạnh, khi ăn đem chiên, hấp lại là được.

Bảo quản các loại giò, chả

Giò, chả là thực phẩm dễ bị hỏng, tuy nhiên bạn có thể bảo quản được 5 - 7 ngày trong ngăn mát, ngăn cấp đông mềm của tủ lạnh.

Nếu mua nhiều loại thực phẩm này, bạn nên chia, một ít bảo quản ở ngăn mát, một ít bảo quản ở ngăn đông. Giò chả bảo quản trong ngăn mát có thể ăn trong khoảng 2 ngày, nếu bạn chưa ăn kịp nên luộc lại. Nếu bảo quản ở ngăn đông, giò chả sẽ bảo quản được lâu hơn (nửa tháng đến 1 tháng). Sau khi rã đông nên luộc, hấp, chiên, rán lại trước khi ăn để giò chả đảm bảo được độ dai, giòn như ban đầu.

Nếu thời tiết lạnh như ở miền Bắc, bạn có thể bảo quản giò, chả ở nơi khô thoáng, bỏ lớp vỏ ngoài và đậy bằng rổ thoáng, tránh gió. Cách này chỉ nên sử dụng trong vòng 1-2 ngày.

Bảo quản lạp xưởng

Lạp xưởng tươi thì nên bỏ ngăn mát tủ lạnh, còn nếu muốn để lâu bạn có thể để ngăn đông dùng được tới 1 tháng. Mỗi lần ăn bạn chỉ nên lấy ra một lượng vừa đủ rồi đem chế biến trong ngày, không nên bỏ lại tủ lạnh sau khi đã chế biến sẽ làm lạp xưởng bị khô, mất mùi thơm.

Đối với lạp xưởng khô không nên bảo quản trong tủ lạnh vì mỡ trong lạp xưởng sẽ dễ đông lại và ăn không ngon. Bạn nên bảo quản lạp xưởng trong thùng gạo hoặc bỏ trong hộp, rổ... và đặt một chén rượu vào giữa, mùi rượu sẽ đuổi ruồi kiến mà vẫn giữ được lạp xưởng tươi ngon.

bảo quản lạp xưởng
Không nên bảo quản lạp xưởng khô trong tủ lạnh

Bảo quản nem rán (chả giò)

Nếu bạn gói trước nem rán (chả giò) rồi trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh và lấy ra dùng dần.

Khi gói xong, bạn lấy nem xếp vào một cái khay rộng, nhớ giữ khoảng cách để nem không dính vào nhau. Sau đó, cho khay vào ngăn đá tủ lạnh và cấp đông khoảng 40 phút đến khi nem cứng rồi lấy ra xếp nem vào hộp đậy kín, bỏ lại vào ngăn đông của tủ.

Với cách này, việc lấy nem ra chiên rất dễ dàng, nem không dính vào nhau, khi chiên sẽ đẹp hơn. Bạn có thể bảo quản nem trong 2 tuần.

Bảo quản thịt kho, chiên, canh, măng…

Đối với các món kho như thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, khổ qua dồn thịt… bạn chỉ nên nấu đủ ăn cho 2 – 3 bữa và không nên hầm đi hầm lại nhiều lần.

Sau khi nấu chin, bạn để nguội và cho vào hộp đậy kín, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Đồ ăn chín được đậy kín sẽ không bị khô, bị lẫn mùi hoặc lây nhiễm vi sinh gây hư hại sang thực phẩm khác.

Với món chiên, quay thì bạn đặt vào hộp lớn đổ ngập dầu rồi đặt vào ngăn mát. Khi cần ăn thì lấy đủ phần ăn hâm lại và ăn.

Bảo quản các loại mứt, trái cây khô

Các loại mứt hay trái cây khô là món ngọt không thể thiếu ở mọi nhà vào dịp Tết, tuy nhiên mứt thường dễ chảy nước và dễ bị kiến bò.

Để bảo quản tốt mứt và trái cây khô bạn nên cho chúng vào hũ thủy tinh và đậy kín – bảo quản ở nhiệt độ thường, dùng bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu và tuyệt đối không bỏ mứt ăn dở lại hũ đựng khi dùng không hết.

mứt gừng
Nên bảo quản các loại mứt trong lọ thủy tinh

Bảo quản dưa hành, củ kiệu

Dưa hành, củ kiệu là món ăn kèm trong ngày Tết rất ngon, giúp bạn không có cảm giác ngán.

Bảo quản dưa hành, củ kiệu cần chú ý: sau khi muối dưa hành, dưa kiệu tầm khoảng 2 ngày – dưa đủ độ chua ngọt vừa ăn bạn có thể cho cả hũ dưa (nếu hũ nhỏ) hoặc vớt hành kiệu ra cho vào hộp đậy kín vào ngăn mát tủ lạnh. Với cách này vừa giúp hành kiệu không quá chua mà ăn được lâu lại tăng thêm độ giòn giòn cho món này.

Bảo quản các loại sữa chua, sữa men

Trong những ngày Tết, từ người lớn tới trẻ nhỏ đều có xu hướng ăn uống thỏa thích. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều đồ ngọt, nhiều thịt thì bạn rất dễ bị chứng táo bón.

Khi ăn quá nhiều đồ ngọt, nhiều thịt thì cơ thể bị thiếu chất xơ; ăn quá nhiều chất đạm, cơ thể cần rất nhiều nước để chuyển hóa chất đạm, đạm vào cơ thể chuyển hóa thành ure, ure thải trừ qua nước tiểu, khi đi tiểu nhiều thì dẫn tới kích thích ruột già, khiến thành ruột tăng sự hấp thụ nước, khiến phân khô cứng lại, gây táo bón. Thêm vào đó nếu bạn ít ăn rau, không chịu uống nước lọc mà lại uống nước ngọt, nước có ga, nước có chất caffeine càng khiến tình trạng táo bón nặng nề hơn.

Do đó, mỗi gia đình cần cân đối lượng thực phẩm tăng cường như hoa quả tươi có tính nhuận tràng (bưởi, chuối, thanh long…); ăn bổ sung sữa chua, sữa men mỗi ngày, uống các loại nước quả ép, nước rau củ quả luộc để tránh táo bón trong dịp Tết.

bảo quản sữa chua
Nên ăn bổ sung sữa chua, sữa men mỗi ngày để tránh táo bón trong dịp Tết.

Vì những lý do trên, trong những ngày Tết, mỗi gia đình hãy dành một ngăn trong tủ mát để bảo quản các loại sữa chua, sữa men. Đây là thực phẩm quan trọng, là cứu cánh cho hệ tiêu hóa của mỗi người trong dịp Tết. Chú ý, mỗi loại sữa chua có độ lỏng, thành phần khác nhau nên khi chọn mua sản phẩm, bạn đọc kĩ thông tin sản phẩm để xem chúng bảo quản được ở nhiệt độ nào là phù hợp nhất. Các loại sữa chua nên để ở nhiệt độ 6 - 8 độ C.

Một số người chọn bảo quản sữa chua trong ngăn đông. Tuy nhiên, nhiệt độ quá lạnh sẽ tiêu diệt hết những vi khuẩn có lợi, khi tan đá cũng bị tách nước nhưng hương vị không còn hấp dẫn. Vậy nên, bạn đừng bảo quản sản phẩm này trong ngăn đông.

Vinamilk
Bình luận