Những nguy cơ tiềm ẩn gây gãy xương

(VOH) – Gãy xương có thể gặp ở mọi đối tượng, có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng nếu bạn bị gãy xương nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân nào làm tăng nguy cơ gãy xương?

Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương, gây ra các tổn thương và làm gián đoạn sự truyền lực qua xương. Nói cách khác, xương mất tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây nên. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.

Những đối tượng nào thường có nguy cơ gãy xương?

Theo ThS, BS Phan Hữu Phước, đối tượng thường có nguy cơ bị gãy xương cao nhất chính là người bị bệnh loãng xương. Loãng xương với biến chứng gãy xương là một trong những căn bệnh được xếp ngang hàng với những căn bệnh mạch vành hay bệnh tai biến mạch máu não.

nhung-nguy-co-tiem-an-gay-gay-xuong-voh

Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gãy xương (Nguồn: Internet)

Nếu như trước đây, loãng xương chỉ xuất hiện ở người già thì ngày ngay tình trạng loãng xương đang ngày càng trẻ hóa với đối tượng bao gồm cả nam và nữ giới. Nguyên nhân là do lối sống ít vận động, tình trạng uống rượu, bia, hút thuốc lá... cùng với tiến trình mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương trong cơ thể.

Ngoài ra, gãy xương còn xảy ra do chấn thương (tai nạn giao thông, té ngã...) hoặc gãy xương do bệnh lý (u xương, viêm tủy xương, lao xương...)

Gãy xương thường xảy ra ở những vị trí nào?

ThS, BS Phan Hữu Phước cho biết, vị trí xương bị gãy thường khác nhau tùy theo độ tuổi. Một số thống kê cho thấy những vị trí xương thường bị gãy là:

  • Gãy cổ xương đùi.
  • Gãy xương sống.
  • Gãy xương sườn.
  • Gãy xương đòn.
  • Gãy xương cánh tay, cổ tay, cẳng chân...

Làm cách nào có thể phát hiện sớm tình trạng gãy xương?

Gãy xương là hệ quả của tình trạng loãng xương, do đó, bạn cần phát hiện sớm vấn đề loãng xương trong cơ thể. Để kiểm tra tình trạng loãng loãng xương bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá chỉ số mật độ xương. Khi đo chỉ số mật độ xương sẽ tính ra được chỉ số T – score (chỉ số này sẽ thay đổi). Chỉ số T sẽ đánh giá người bệnh có nguy cơ bị gãy xương hay không.

nhung-nguy-co-tiem-an-gay-gay-xuong-1-voh

Có thể chẩn đoán gãy xương bằng các kỷ thuật y khoa (Nguồn: Internet)

Các phương pháp đo mật độ xương

Hiện nay có 2 phương pháp đo mật độ xương phổ biến, đó là:

  • Đo mật độ xương bằng sóng siêu âm: Có thể đo ở gót chân của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này không có giá trị chẩn đoán, chỉ có giá trị tầm soát.
  • Đo mật độ xương bằng tia X năng lượng kép (DXA): Phương pháp này có giá trị chẩn đoán cao hơn và phương pháp này hiện đang được xem như “tiêu chuẩn vàng” trong việc chẩn đoán và điều trị loãng xương ở người bệnh cũng như chẩn đoán được nguy cơ bị gãy xương.

Ngoài ra,các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để chẩn đoán và xác định mức độ gãy xương đó là: chụp X Quang, chụp CT, chụp MRI.

Gãy xương gây ra những ảnh hưởng gì?

Có rất nhiều biến chứng và di chứng có thể xảy ra trong quá trình gãy xương, nếu không được nhận biết và xử trí đúng cách, có thể gây hậu quả vô cùng đáng tiếc cho bệnh nhân.

Một số biến chứng thường gặp là:

  • Sốc do chấn thương, do đau, mất máu do xương gãy.
  • Lở loét các điểm tỳ đè do nằm tại chỗ trong thời gian dài.
  • Gây nhiễm trùng đường hô hấp với các bệnh lý như viêm phổi...
  • Gãy xương làm giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, người bị gãy xương còn bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và chất lượng lao động.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Gãy xương bao lâu thì đi lại được? : Gãy xương là một tai nạn thường gặp, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và vận động đi lại. Vậy nếu bị gãy xương thì bao lâu có thể đi lại được?
2 bài tập thể dục mà người bị loãng xương nên tập luyện hàng ngày : Ở người bị loãng xương, tập luyện đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong việc làm chắc bẹ xương. Vậy người bị loãng xương nên tập những bài tập như thế nào? 
Bình luận