TPHCM: 18/20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhiễm HIV

VOH - Ngày 23/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Trong số đó, có 18 trường hợp chẩn đoán B20 (bệnh do virus gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người - HIV/AIDS),gồm 17 nam và 1 nữ.

Hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính; Áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da…

Tính đến nay, TPHCM ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

TPHCM: 18/20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhiễm HIV 1
Các ca đậu mùa khỉ đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng bởi có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. 

Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. 

Bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường…).

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.  

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam, người song giới, người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su….

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không phải lo lắng quá mức và hãy cảnh giác, chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao;

Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ thì đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định, hỗ trợ điều trị và cách ly, tránh lây bệnh cho người khác

Về sốt xuất huyết, trong tuần qua (từ ngày 16 đến 22/10), TPHCM ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó, trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỉ lệ 27,76%). Trung bình số ca nặng điều trị là 13 ca/ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).

Đối với bệnh tay chân miệng, tổng số ca nhập viện từ ngày 15 đến 21/10 là 553 ca, giảm 26 ca so với tuần trước đó (579 ca), trong đó có 170 ca địa chỉ thành phố (chiếm 30,7%).

Về bệnh đau mắt đỏ, tuần qua thành phố ghi nhận 2.407 ca, giảm 33,4% so với tuần trước đó, trong đó có 386 ca tại tỉnh khác (chiếm 16%). 

Bình luận