Bệnh tổ đỉa: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

(VOH) – Bệnh tổ đỉa thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa ngón chân – tay. Vậy bệnh tổ đỉa là bệnh gì? Có cách nào để nhận biết và điều trị?

Tổ đỉa có tên khoa học là Dysidrose, là một thể đặc biệt của bệnh chàm (eczema). Đây là một dạng viêm da được đặc trưng bởi các mụn nước ngứa trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước thường có kích thước từ 1 – 2mm và lành lại sau hơn ba tuần.

Không giống với eczema, các mụn nước tổ đỉa thường to, sâu, chắc và khó vỡ hơn mụn nước eczema. Bệnh tổ đỉa tiến triển dai dẳng và có thể xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt, lao động nếu không điều trị đúng đắn.

Các biểu hiện bệnh tổ đỉa

Người bệnh có thể nhận biết được các biểu hiện của bệnh tổ đỉa ở tay và chân thông qua các triệu chứng sau:

  • Các mụn nước rất nhỏ (đường kính khoảng 1 – 2mm) xuất hiện trên đầu và hai bên ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Các mụn nước thường đục và nằm sâu. Vị trí thường bằng hoặc hơi cao hơn so với bề mặt da và không dễ bị vỡ. Những mụn nước riêng lẻ có thể kết hợp lại với nhau để tạo thành mụn nước lớn. Nếu gãi mụn nước sẽ vỡ, giải phóng chất dịch bên trong khiến cho da trở nên cứng và cuối cùng là nứt. Nứt da gây đau đớn cũng như mất thẩm mỹ và thường phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mới chữa lành. (Trong giai đoạn này da thường khô và có vảy).

benh-to-dia-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-voh

Bệnh tổ đỉa làm xuất hiện các mụn nước ở lòng bàn tay, chân (Nguồn: Internet)

  • Một dấu hiệu khác của bệnh tổ đỉa là các mụn nước có thể gây ngứa, đau hoặc không có triệu chứng gì cả. Những mụn nước này thường gây khó chịu hơn sau khi tiếp xúc với xà phòng, nước hoặc các chất kích thích.
  • Trong một số trường hợp, xuất hiện bóng nước trong lòng bàn tay hoặc ngón tay có thể kèm theo tình trạng hạch bạch huyết sưng. Lúc này, cơ thể người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ran ở cẳng tay và trong nách nổi hạch.
  • Móng tay hoặc móng chân bị ảnh hưởng nên có thể  sẽ mất đi hình dạng thông thường.

Nguyên nhân mắc bệnh tổ đỉa

Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa thường rất đa dạng và phức tạp. Một số nguyên nhân thường gặp có thể làm xuất hiện bệnh tổ đỉa như:

  • Dị ứng với hóa chất có trong xi măng, dầu mỡ, thuống kháng sinh, xà phòng thơm, xà phòng giặt, chất tẩy rửa, dầu thơm, xăng, vôi...
  • Do nhiễm khuẩn trong khi làm việc, tiếp xúc với đất, nước bẩn.
  • Bị dị ứng với nấm kẽ chân.
  • Do tăng tiết mồ hôi tay chân liên quan đến rối loạn thần kinh giao cảm, làm việc trong môi trường nóng ẩm.

Ngoài ra, bệnh có thể liên quan đến một số rối loạn da tương tự như viêm da cơ địa hoặc tình trạng dị ứng như sốt mùa hè. Bệnh tổ đỉa có thể xuất hiện theo mùa ở những người bị dị ứng mũi.

Những ai thường dễ mắc phải bệnh tổ đỉa?

Bệnh tổ đỉa là bệnh viêm da phổ biến thứ 3 ở bàn tay, bàn chân. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi và phụ nữ mắc bệnh này nhiều gấp 2 lần nam giới. Đặc biệt, một nửa trong số những người bị bệnh tổ đỉa cũng bị viêm da cơ địa (một hình thức phổ biến của bệnh chàm).

Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa mà mọi người cần lưu ý, đó là:

  • Căng thẳng: Bệnh tổ đỉa xuất hiện nhiều hơn nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng về thể chất và tinh thần.
  • Tiếp xúc với kim loại như coban và niken (thường là trong môi trường công nghiệp).
  • Da nhạy cảm: Những người bị phát ban sau khi tiếp xúc với một số chất kích thích có nhiều khả năng bị bệnh tổ đỉa.

Phát hiện và điều trị bệnh tổ đỉa như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tổ đỉa sau khi đã kiểm tra cơ thể. Mặc dù không có biện pháp xét nghiệm cụ thể nào có thể chẩn đoán căn bệnh này nhưng bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các bệnh về da khác nhưng có triệu chứng tương tự.

benh-to-dia-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-dieu-tri-1-voh

Dựa vào mức độ của bệnh bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp (Nguồn: Internet)

Sau khi xác định được bệnh, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau. Có thể là:

  • Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể kê toa kem bôi hoặc thuốc mỡ đặc trị để giúp nhanh chóng làm biến mất các mụn nước.
  • Điều trị bằng liệu pháp ánh sáng: Nếu như dùng thuốc không hiệu quả bác sĩ có thể tư vấn người bệnh thực hiện liệu pháp ánh sáng để loại bỏ tổ đỉa.
  • Tiêm botulinum toxin: Phương pháp này được dùng để điều trị các trường hợp bệnh tổ đỉa nghiêm trọng.

Những thói quen sinh hoạt có thể kiểm soát bệnh tổ đỉa

Khi bị bệnh tổ đỉa, ngoài việc điều trị theo hướng dẫn từ bác sĩ thì bạn cũng có thể làm hạn chế diễn tiến của bệnh thông qua những thói quen sinh hoạt hàng ngày như:

  • Chườm ấm hoặc lạnh có thể làm giảm sự khó chịu liên quan đến ngứa da.
  • Khi rửa chân, tay nên rửa nhẹ, không cào gãi, làm trầy xước các mụn nước để phòng nhiễm khuẩn phụ. Không ngâm tay, chân nhiều làm ẩm ướt lớp sừng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm cũng có thể giúp da bớt khô và làm giảm ngứa tốt. Tuy nhiên, sử dụng loại nào thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thay đổi chế độ ăn uống sẽ góp phần ngăn chặn bệnh tổ đỉa tái phát. Chẳng hạn, nếu vì dị ứng niken hay coban mà gây bệnh tổ đỉa thì bạn hãy loại bỏ những thực phẩm có chứa những chất này.
  • Tránh tiếp xúc với xăng dầu, mỡ, xà phòng, hóa chất, thuốc tẩy rửa. Trường hợp phải tiếp xúc hãy đeo găng bảo vệ.
  • Cắt ngắn móng tay, chân và giữ khô, sạch da lòng bàn tay, bàn chân

Lưu ý: Bệnh tổ đỉa là một bệnh khó chữa vì nhiều trường hợp rất khó tìm dị nguyên gây bệnh. Trong dân gian cũng có một số bài thuốc được sử dụng để chữa tổ đỉa nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu y khoa để xác định tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Vì thế, bạn hãy thận trọng vì nếu điều trị sai có thể gây nhiễm khuẩn và làm cho bệnh càng nặng hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang hellobacsi.com
  2. Trang suckhoedoisong.vn
  3. Trang tuoitre.vn
Lợi khuẩn có thể điều trị bệnh chàm hiệu quả? : Eczema là một tình trạng da phổ biến hay còn gọi là bệnh chàm. Một số người mắc bệnh eczema sử dụng probiotic (lợi khuẩn) để giúp quản lý tình trạng bệnh và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Bệnh chốc lở dùng thuốc gì? : Chốc lở là bệnh ngoài da thường gặp, nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn, thường là tụ cầu, liên cầu. Một số trường hợp bị chốc lở cần dùng đúng thuốc điều trị mới mong chữa khỏi.
Bình luận