Cách chẩn đoán và phương pháp điều trị nhiễm khuẩn “ăn thịt người”

VOH - Có thể chẩn đoán và điều trị vi khuẩn “ăn thịt người” bằng những phương pháp nào để tránh gặp phải biến chứng do vi khuẩn này gây ra?

TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vi khuẩn “ăn thịt người” có sự đa dạng về chủng loại, nhưng khi nó xâm nhập và làm tổn thương trên da thì lại có biểu hiện gần giống nhau. Do đó, người bệnh sẽ không thể chẩn đoán tại nhà.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Sơn, khi một người bình thường nhận thấy trên cơ thể có vết thương lâu lành, sưng tấy kèm theo mệt mỏi thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán sớm.

Thông thường, để chẩn đoán một người có bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” hay không, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu
  • Lấy mô vùng loét cấy vi khuẩn để tìm ra loại vi khuẩn gây bệnh cụ thể, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp
  • Với những tổn thương nằm bên trong bệnh nhân sẽ được chụp CT cắt lớp
voh-cach-chan-doan-va-phuong-phap-dieu-tri-benh-anhminhhoa
Xét nghiệm máu là một trong những cách giúp chẩn đoán vi khuẩn "ăn thịt người"  - Ảnh: Canva

Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn “ăn thịt người” và diễn biến mà mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Khi người bệnh đến thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Một số phương pháp điều trị nhiễm khuẩn “ăn thịt người” thường được áp dụng là:

  • Ở giai đoạn sớm: Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn.
  • Trường hợp vết thương có những tổn thương lan rộng: Bác sĩ sử dụng phương pháp can thiệp tại chỗ, phẫu thuật cắt lọc những vùng mô, da bị hoại tử (da chết) để tránh lây lan vi khuẩn.
  • Giai đoạn nghiêm trọng: Với những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn “ăn thịt người” giai đoạn nặng với các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như bị tụt huyết áp do sốc nhiễm khuẩn, thì bên cạnh sử dụng kháng sinh và cắt lọc vùng da tổn thương bệnh nhân còn phải điều trị nâng huyết áp, truyền dịch, truyền máu… thậm chí sử dụng đến máy trợ thở.

Như vậy, đối với nhiễm khuẩn “ăn thịt người” các phương pháp chẩn đoán và điều trị đều cần phải được thực hiện tại cơ sở y tế. Người bệnh không thể tự chẩn đoán cũng như điều trị tại nhà. Do đó, điều quan trọng là nếu có nghi ngờ bị nhiễm khuẩn “ăn thịt người” hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được được thăm khám, từ đó có được phác đồ điều trị đúng mức, hiệu quả, tránh được biến chứng nguy hiểm.

TS.BS Nguyễn Thị Sơn

Nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM

voh-vi-khuan-an-thit-nguoiTheo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.

Bình luận