Rối loạn chuyển hóa lipid máu nguy hiểm thế nào?

(VOH) - Rối loạn lipid máu giai đoạn đầu thường không gây nguy hiểm, thế nhưng bệnh có thể tiến triển âm thầm dẫn đến nhiều rủi ro mà người bệnh không hề biết. Vì vậy, cần phát hiện càng sớm càng tốt.

1. Rối loạn chuyển hóa lipid máu là gì?

Rối loạn chuyển hóa lipid máu còn gọi là rối loạn mỡ máu là tình trạng lipid trong máu quá cao hoặc quá thấp. Lipid máu là các chất béo bao gồm triglyceride và cholesterol. Bệnh thường biểu hiện một hay nhiều thông số lipid bị rối loạn bao gồm:

roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nguy-hiem-the-nao-voh-1

Rối loạn lipid máu làm sự gia tăng cholesterol xấu (LDL) (Nguồn: Internet)

  • Tăng LDL (Cholesterol xấu).
  • Giảm HDL (Cholesterol tốt).
  • Tăng triglyceride máu.
  • Tăng cholesterol toàn phần (bao gồm mức LDL và triglyceride cao).

Rối loạn lipid máu có thể xảy ra trong một thời gian dài mà người bệnh không hề hay biết do bệnh không có triệu chứng đặc trưng.

Vậy chẩn đoán rối loạn chuyển hóa lipid bằng cách nào? Chỉ có xét nghiệm máu mới có thể phát hiện ra tình trạng bệnh. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán rối loạn mỡ máu, giúp kiểm tra mức cholesterol và thường bao gồm các thông số:

  • Cholesterol toàn phần: > 200 mg/dL
  • Cholesterol HDL: < 40 mg/dL
  • Cholesterol LDL: > 100 mg /dL
  • Triglyceride: > 150 mg/dL

2. Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu

Rối loạn chuyển hóa lipid máu được chia thành 2 nguyên nhân là nguyên phát và thứ phát. Rối loạn lipid máu nguyên phát thường là do di truyền. Rối loạn lipid máu thứ phát thường phát triển từ các nguyên nhân khác nhau.

2.1 Rối loạn chuyển hóa lipid máu nguyên phát

Rối loạn lipid máu nguyên phát do di truyền gây ra:

  • Giảm tổng hợp HDL;
  • Tăng đào thải HDL;
  • Tăng tổng hợp quá mức cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL;
  • Giảm đào thải cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL;

Bệnh rối loạn lipid máu tiên phát thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi.

2.2 Rối loạn chuyển hóa lipid máu thứ phát

Nguyên nhân gây ra rối loạn chuyển hóa lipid thứ phát chủ yếu do các yếu tố lối sống, sinh hoạt, ăn uống hoặc các yếu tố bệnh lý, y tế ảnh hưởng đến nồng độ lipid máu theo thời gian. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Béo phì, suy giáp.
  • Hội chứng Cushing.
  • Hội chứng chuyển hóa.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Bệnh thận, bệnh tiểu đường.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Tình trạng nhiễm trùng nặng như HIV.
  • Hút thuốc lá.
  • Chế độ ăn giàu chất béo có hại, sử dụng nhiều rượu bia.
  • Lối sống ít vận động.

3. Rối loạn chuyển hóa lipid máu nguy hiểm như thế nào?

Rối loạn chuyển hóa lipid máu nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:

roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nguy-hiem-the-nao-voh-2

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu (Nguồn: Internet)

  • Vấn đề về tim mạch: Cholesterol và triglycerid tăng là nguyên nhân chủ yếu gây ra xơ vữa và làm tắc hẹp các động mạch, về lâu dài gây suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tăng huyết áp: Các mảng xơ vữa gây thu hẹp lòng mạch, mất độ đàn hồi, tăng độ nhớt máu. Điều này khiến tim phải co bóp mạnh hơn dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim.
  • Bệnh tiểu đường: Chất béo tự do trong máu làm ảnh hưởng chức năng tế bào tụy, suy giảm bài tiết insulin, từ đó gây tăng đường huyết, về lâu dài sẽ gây ra bệnh tiểu đường.
  • Gan nhiễm mỡ: Tình trạng rối loạn chuyển hóa cholesterol ở tế bào gan sẽ làm tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL, tăng triglyceride, giảm HDL. Đây chính là những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ.
  • Sỏi túi mật: Nồng độ cholesterol trong túi mật tăng cao kết hợp cùng dịch mật bị ứ đọng, càng để lâu sẽ gây kết tủa tạo sỏi mật, gây ra các vấn đề như viêm túi mật, tắc đường ống dẫn mật…

Theo thống kê của WHO, bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu gây ra khoảng 2.6 triệu ca tử vong mỗi năm. Vì thế, bạn cần biết các nguyên nhân để chủ động phòng ngừa cho chính bản thân mình.

4. Rối loạn chuyển hóa lipid máu điều trị bằng cách nào?

Để thoát khỏi bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu, bạn cần có chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh kết hợp với việc uống thuốc đúng chỉ định. Dưới đây là gợi ý về việc điều trị bệnh rối loạn lipid máu:

4.1 Ăn uống lành mạnh

Thực phẩm nên ăn:

  • Sữa tách béo.
  • Thịt nạc, thịt đã loại bỏ da.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt.
  • Rau, hoa quả bổ sung chất xơ.
  • Cá béo như cá hồi, cá ngừ,…dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hạt hướng dương, dầu đậu nành,…

roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nguy-hiem-the-nao-voh-3

Người bị rối loạn lipid máu nên dùng các loại dầu thực vật (Nguồn: Internet)

Thực phẩm nên tránh:

  • Nội tạng, mỡ động vật.
  • Sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, pho mát.
  • Đồ ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, chất béo và muối.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng chế độ ăn DASH vì nó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe trong việc điều trị cho người bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.

4.2 Thay đổi thói quen sinh hoạt

Để cải thiện bệnh rối loạn mỡ máu, bạn cần thay đổi một số thói quen sau:

  • Ngưng hút thuốc lá, rượu bia.
  • Tập thể dục đều đặn 20 phút mỗi ngày.
  • Ngủ đúng giờ, tốt nhất từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Học cách thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền, yoga,…

4.3 Sử dụng thuốc đúng chỉ định

Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu thường được bác sĩ chỉ định là nhóm thuốc statin, giúp giảm mức LDL bằng cách can thiệp vào việc sản xuất cholesterol trong gan. Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc khác bao gồm nhóm thuốc niacin, thuốc fibrate…

Nên nhớ, hãy tuân theo mọi hướng dẫn điều trị của bác sĩ để khắc phục sớm bệnh rối loạn lipid máu, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bình luận