Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh, bổ dưỡng

(VOH) – Chỉ với 5 bước đơn giản, bạn sẽ được thỏa cơn thèm ăn mì tôm mà không phải lo ‘ngay ngáy’ chuyện chúng gây tăng cân hay ảnh hưởng đến nỗ lực ăn kiêng của mình.

Chúng ta đều biết rằng, mì tôm là một trong những loại đồ ăn "nghèo" dinh dưỡng, có thể "phản tác dụng" trong việc giảm cân, giữ dáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiềm chế trước sức hấp dẫn của món ăn liền tiện dụng và phổ biến này.

Vì vậy, hãy ‘nằm lòng’ bí quyết ăn mì tôm lành mạnh, bổ dưỡng và ít gây tăng cân dưới đây nếu bạn cảm thấy không thể ép bản thân kiêng khem một cách triệt để.

1. Một gói mì bao nhiêu calo ?

Đối với những loại mì đang phổ biến ở thị trường thì trung bình một gói mì tôm sẽ khoảng 75g thì sẽ có 350 calo.

Nhu cầu nạp calo hằng ngày của cơ thể:

  • Đối với nam giới: trường hợp nếu nam giới vận động thể thao nhiều thì một ngày cần phải nạp hơn 2000 calo, trung bình 1 bữa ăn sẽ nạp khoảng 700 calo. Vậy nam giới có thể ăn 2 gói mì trong 1 bữa ăn để đáp ứng nhu cầu tạm thời của cơ thể.
  • Đối với phụ nữ: hàng ngày cần bổ sung nạp 2.000 calo, trung bình 1 ngày 3 bữa thì sẽ cần phải nạp 600 calo trong 1 ngày. Như vậy ăn một gói mì sẽ không đáp ứng lượng calo cần thiết cho cơ thể.

2. Ăn mì tôm có béo không?

Ăn nhiều mì tôm sẽ làm gia tăng nguy cơ bị béo phì, tăng cân mất kiểm soát vì chúng chứa nhiều chất béo, carb và natri.

Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố như cách ăn mì, lượng/ tần suất ăn mì hay chế độ ăn uống, lối sống... của từng người. Do đó, chúng ta sẽ rất khó để khẳng định rằng ăn mì tôm có béo hay gây tăng cân hay không cho mọi trường hợp.

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 1

Hầu hết mì tôm hiện nay đều có hàm lượng calo thấp và chỉ được coi như một bữa ăn phụ vì chúng không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của một bữa ăn bình thường. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng mình có thể ăn mì tôm để giảm cân (giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể).

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, dù bỏ qua hàm lượng chất béo, carb và natri cao thì đây vẫn là loại đồ ăn “nghèo” cả chất xơ lẫn protein – những thứ có lợi và cần thiết cho việc giảm cân. Lượng calo thấp cũng sẽ không thể khiến chúng ta cảm thấy no (dẫn đến việc có xu hướng ăn nhiều hơn).

Xem thêm: ‘Kẻ thù’ của ăn kiêng, giảm cân là 9 loại thực phẩm này

3. Cách ăn mì tôm không béo, lành mạnh và bổ dưỡng hơn

3.1 Chọn những loại mì tôm lành mạnh hơn

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 2

Thị trường mì ăn liền hiện nay vô cùng đa dạng và hiển nhiên là mỗi loại mì đều có sự khác biệt nhất định. Nếu biết cách tận dụng điều này, bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình những lựa chọn lành mạnh hơn nên hãy chú ý.

  • Chọn mì tôm không chiên thay cho mì tôm chiên.
  • Ưu tiên mì tôm làm từ ngũ cốc nguyên hạt để tăng hàm lượng chất xơ và tăng cảm giác no.
  • Ăn các loại mì tôm chứa hàm lượng carb, chất béo và natri thấp hơn. 

3.2 Trụng mì tôm qua nước sôi trước khi nấu

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 3

Trụng qua mì tôm với nước sôi trước khi nấu có thể giúp chúng ta “giải phóng” bớt chất béo từ đó giảm bớt gánh nặng cho cơ thể. Do đó, nếu bạn vẫn trung thành với mì chiên thì nhớ bổ sung thêm bước này vào quá trình chế biến.

3.3 Hạn chế sử dụng gia vị mì tôm đi kèm

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 4

Sở dĩ, mì tôm có hàm lượng natri cao là do các gói gia vị đi kèm. Bản thân sợi mì cũng đã khá “mặn” nên nếu không giảm bớt lượng gia vị trong quá trình chế biến, chúng ta sẽ nạp một lượng lớn muối vào cơ thể.

Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thận, đột quỵ… mà còn khiến cho bạn dễ gặp phải tình trạng lên cân do tích nước. Chính vì vậy mà việc sử dụng ít hoặc loại bỏ hoàn toàn gói gia vị đóng sẵn thường được xem là một trong những cách ăn mì tôm lành mạnh hơn hẳn.

3.4 Hạn chế tiêu thụ nước mì tôm

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 5

Hàm lượng natri trong nước mì khá cao nên nếu có thể bạn hãy hạn chế tiêu thụ chúng. Trong trường hợp cảm thấy khó thực hiện thì có thế áp dụng một trong những cách sau.

  • Cố gắng ăn mì trước để giảm lượng nước mì được tiêu thụ.
  • Tự chuẩn bị gia vị và chuyển sang ăn mì trộn khô thay vì mì nấu với gia vị đi kèm như thông thường.

3.5 Bổ sung chất dinh dưỡng cho mì tôm

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 6

Lý do khiến mì tôm luôn được liệt vào danh sách các món ăn không lành mạnh là nó quá “nghèo” chất dinh dưỡng và hầu như chỉ có tinh bột, chất béo. Do đó, muốn “nâng cấp” món ăn liền này, bạn nên bổ sung thêm một số nguyên liệu tốt cho sức khỏe trong quá trình chế biến.

Tips:

  • Không nấu mì tôm với các nguyên liệu đã chế biến sẵn.
  • Sau khi ăn mì tôm, có thể bổ sung thêm các loại trái cây giàu kali để loại bỏ lượng muối dư thừa trong cơ thể.

Xem thêm: Nhân đôi hiệu quả giảm cân với top thực phẩm vừa ngăn tăng cân do tích nước vừa hỗ trợ thải độc, ‘đốt’ chất béo

4. Một số điều cần lưu ý khi ăn mì tôm

Ăn mì tôm có béo không? Cách ăn mì tôm lành mạnh và bổ dưỡng 7
  • Không nên ăn mì tôm thay cho bữa chính (đặc biệt là bữa sáng) vì chúng vừa không thể cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể vừa không tốt cho dạ dày.
  • Không nên ăn mì tôm trước khi đi ngủ vì dễ gây tích mỡ.
  • Không ăn mì tôm quá thường xuyên hay liên tục vì nó không có chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vóc dáng thậm chí là cả làn da (nổi mụn do nóng).
  • Không nên ăn mì tôm sống vì chúng vừa khó tiêu vừa dễ gây tăng cân.
  • Ăn mì tôm nhiều quá mức sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như sỏi thận, tiểu đường, béo phì, tim mạch và các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, rối loạn chức năng dạ dày, đau dạ dày.

Xem thêm: 7 nhân tố 'phá hoại' nỗ lực ăn kiêng giảm cân của bạn

Mì tôm là món ăn nhanh rẻ, tiện lợi, dễ “gây nghiện” nhưng lại không có lợi cho cơ thể. Do đó, muốn tiêu thụ chúng một cách lành mạnh, bổ dưỡng hơn đồng thời hạn chế tối đa việc tác động đến vóc dáng thì bạn nhớ lưu lại gợi ý ở trên và áp dụng mỗi khi cần.

Nguồn thông tin: healthline, bella

Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận