Giật mình với 4 tác hại của cà tím khi ăn quá nhiều

(VOH) – Cà tím là thực phẩm rất quen thuộc trong các bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, có nhiều ghi nhận cà tím có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy tác hại của cà tím là gì?

Cà tím nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Chúng chứa nhiều chất xơ cùng hàng loạt các chất dinh dưỡng khác giúp bảo vệ tim mạch, đôi mắt, giảm cân hay ngăn ngừa thiếu máu... Thế nhưng, bên cạnh lợi ích, cà tím cũng được ghi nhận là thực phẩm có thể gây ra tác dụng phụ nếu dùng quá nhiều.

1. Tác hại của cà tím khi tiêu thụ quá nhiều

Cà tím dễ bảo quản và còn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon khác nhau. Tuy nhiên, nếu không biết chế biến đúng cách cũng như ăn cà tím quá nhiều, bạn có thể sẽ mắc phải một số vấn đề sức khỏe dưới đây:

1.1 Ảnh hưởng quá trình hấp thụ sắt

Nasunin là một chất phytochemical có trong cà tím, loại chất này có thể liên kết với sắt và loại bỏ nó ra khỏi tế bào, được gọi là quá trình thải sắt.

giat-minh-voi-4-tac-hai-cua-ca-tim-khi-an-qua-nhieu-voh-0
Ăn nhiều cà tím có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Quá trình này có thể hữu ích đối với những người có quá nhiều sắt trong cơ thể. Nhưng với những người có lượng sắt thấp thì việc tiêu thụ cà tím quá nhiều là vô cùng có hại, bởi nó sẽ khiến bạn bị thiếu hụt sắt trong cơ thể, dẫn đến bệnh thiếu máu.

1.2 Hình thành sỏi thận

Cà tím có chứa oxalat, đây là chất có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người dễ hấp thụ oxalat. Sỏi thận là bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị nhanh bởi chúng có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng hoặc làm chết thận.

Chính vì thế, những người đang mắc bệnh sỏi thận cần hạn chế ăn các thực phẩm có chứa thành phần oxalat, kể cả quả cà tím.

1.3 Ngộ độc solanin

Trong quả cà tím có chứa chất alkaloid, bao gồm solanin có thể gây ngộ độc. Solanin vốn là một chất giúp bảo vệ cây cà tím trong quá trình chúng phát triển. Chúng được “sinh” ra tự nhiên trong bất cứ phần nào của cây, bao gồm lá, quả.

Do đó, bạn ăn lá hoặc quả cà tím với số lượng nhiều có thể sẽ gặp phải các triệu chứng như nóng rát, cổ họng, buồn nôn, nôn ói hay rối loạn nhịp tim. Phản ứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ ăn cà tím với lượng thấp đến vừa phải thì sẽ không gặp các triệu chứng ngộ độc solanin.

Xem thêm: 7 dấu hiệu chứng tỏ bạn đã bị ngộ độc thực phẩm, nhận biết sớm để tự xử lý an toàn tại nhà

1.4 Dị ứng cà tím

Một trong những tác dụng phụ của cà tím là chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng, mặc dù chúng rất hiếm khi xảy ra.

Triệu chứng của dị ứng cà tím thường giống với các triệu chứng của dị ứng thực phẩm khác, bao gồm: ngứa môi, lưỡi hoặc cổ họng, ho khan, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Các triệu chứng thường xuất hiện sau vài phút ăn cà tím, đôi khi là sau một vài giờ. Trường hợp nghiêm trọng, dị ứng cà tím có thể dẫn đến sốc phản vệ.

2. Những bệnh không nên ăn cà tím

giat-minh-voi-4-tac-hai-cua-ca-tim-khi-an-qua-nhieu-voh-1
Một số đối tượng được khuyến cáo không nên ăn cà tím (Nguồn: Internet)

Theo Đông y, một số đối tượng mắc bệnh sau đây cũng không nên ăn cà tím vì chúng không hề mang đến lợi ích sức khỏe:

  • Người mắc bệnh dạ dày
  • Người đang bị bệnh, cơ thể mệt mỏi, bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh
  • Người bị hen suyễn, bệnh thận, bệnh tiểu đường
  • Người đang có chỉ định phẫu thuật

Ngoài ra, cần lưu ý không nên ăn cà tím vào những thời điểm giao mùa thu-đông, vì cà tím thiên về tính hàn, những người có thể chất hư hàn ăn vào dễ bị lạnh bụng, đau bụng, đi ngoài nhiều.

Xem thêm: ‘Thêm ngay’ cà tím vào thực đơn ăn hàng ngày nếu bạn thuộc những nhóm đối tượng sau

3. Cách sử dụng cà tím đúng cách để không gây hại cho sức khỏe

Bạn có thể ăn cà tím 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần sử dụng khoảng 100 – 200gr để chế biến thành các món ngon từ cà tím ăn cùng với cơm nóng.

Vì cà tím chứa độc tố nên bạn cần chú ý kỹ trong quá trình sơ chế, tốt nhất nên ngâm cà tím trong nước muối và thêm vào vài giọt giấm để làm giảm độc tính. Có thể bóp nhẹ cà tím trong quá trình ngâm để các chất độc và hạt cà được loại bỏ dễ dàng hơn.

4. Lưu ý khi sử dụng cà tím

Khi sử dụng cà tím thì bạn cần lưu ý đến cách chế biến để đảm bảo an toàn nhưng vẫn nhận đủ dinh dưỡng:

  • Ăn cả vỏ: Vỏ cà tím giàu vitamin B có thể giúp tăng cường hấp thu vitamin C trong cơ thể.
  • Kết hợp với thực phẩm khác: Chế biến cà tím cùng với các loại thực phẩm khác vừa giúp làm giảm độc tính, vừa giúp bổ sung dinh dưỡng.
  • Hạn chế món chiên: Các món chiên rán thường sẽ khiến chất xơ hấp thụ nhiều mỡ, đồng thời lại làm mất đi một số dưỡng chất có trong cà tím.
  • Không ăn cà tím với cua, ghẹ: Cua và ghẹ có tính hàn, ăn cùng cà tím dễ bị rối loạn tiêu hóa.
  • Không nấu ở nhiệt độ cao: Chế biến cà tím ở nhiệt độ cao dễ làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng. Đồng thời còn có thể làm tăng số độc tố có trong cà tím.
  • Ăn cà tím không nóng: nhiều người thường thắc liệu ăn cà tím có nổi mụn không, thực chất cà tím có vị ngọt tính hàn nên khi ăn sẽ giúp cơ thể nhuận tràng, lợi mật và mát gan,...rất tốt dành cho người bị nóng nhiệt nên ăn không hề gây nóng trong người hay nổi mụn.

Cà tím là thực phẩm giàu dinh dưỡng cần được bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, tuyệt đối không ăn quá nhiều và không ăn liên tục nhiều ngày để tránh những tác hại của cà tím ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Bình luận