Bị tiểu đường có được ăn chuối không? 5 lưu ý ăn đúng cách

(VOH) – Người bệnh tiểu đường thường khá ‘e dè’ khi nhắc đến việc bổ sung chuối trong khẩu phần ăn, bởi lo lắng khó kiểm soát nồng độ đường huyết. Vậy nếu mắc tiểu đường có được ăn chuối không?

Với các bệnh nhân mắc tiểu đường, cơ chế sản xuất và điều tiết insulin chuyển hóa đường glucose thành năng lượng nuôi tế bào gặp “trục trặc”. Chính vì lý do đó mà mỗi người bệnh đều phải chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt và đặc biệt là chế độ ăn uống nhằm duy trì nồng độ đường huyết luôn ở mức an toàn. 

Để yên tâm thêm chuối trong khẩu phần ăn hàng ngày, cùng tìm hiểu những tác động của thức quả này với quá trình điều trị bệnh tiểu đường.  

1. Tiểu đường có được ăn chuối không?

Người mắc tiểu đường thường cắt giảm khá nhiều nhóm trái cây vì lo ngại đường huyết sẽ gia tăng đột ngột. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng không nên loại bỏ hoàn toàn mà cần biết điều chỉnh lượng hợp lý và phương pháp ăn khoa học. 

Do đó, người bệnh tiểu đường có thể ăn chuối bởi loại quả này cũng bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng như vitamin B6, canxi, kali hay photpho. Ngoài ra, trung bình trong một trái chuối sẽ cung cấp khoảng 2.6 - 3g chất xơ (gồm hai loại pectin và kháng tinh bột), góp phần giảm tốc độ hấp thu đường và tinh bột. 

bi-tieu-duong-co-duoc-an-chuoi-khong-5-luu-y-an-dung-cach-voh-0
Người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn chuối với một lượng hợp lý (Nguồn: Internet)  

2. Ăn chuối ảnh hưởng tới đường huyết thế nào?

Khi đánh giá tác động của thực phẩm tới lượng đường huyết trong máu, cần quan tâm đến chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm đó. Theo phân tích dinh dưỡng, chỉ số GI của quả chuối nằm ở mức độ trung bình, tương đối an toàn với người bệnh tiêu đường.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ số này của chuối sẽ thay đổi, dao động từ 42 - 62, phụ thuộc vào một số yếu tố sau: 

2.1 Mức độ chín

Mức độ chín của chuối ảnh hưởng lớn tới chỉ số đường huyết thực phẩm của chuối, theo đó, với chuối xanh thì chỉ số đạt mức 40, chuối càng chín thì chỉ số sẽ tăng từ từ đạt tới 62. 

2.2 Kích thước của chuối

Bên cạnh mức độ chín, một yếu tố khác người bệnh tiểu đường cũng cần quan tâm khi chọn mua chuối đó là kích thước của mỗi trái.

Các giống chuối cho ra trái lớn như chuối Tây, chuối Sứ có lượng carbonhydrate cao hơn so với một số giống khác như chuối Cau hay chuối Ngự. Hàm lượng carbonhydrate càng cao thì chỉ số đường huyết cũng sẽ tăng cao theo. 

Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà

3. Bị tiểu đường ăn chuối thế nào là tốt?

Thói quen kiêng khem quá mức đôi khi sẽ khiến cơ thể của người bệnh tiểu đường gặp phải tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, thay vì quyết định tuyệt đối nói ‘không’ với chuối, khi điều trị bệnh tiểu đường, chúng ta nên áp dụng phương pháp ăn đúng khoa học cũng như cân đối liều lượng. 

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng người mắc tiểu đường nên tham khảo để thực hiện: 

3.1 Nên ăn chuối xanh

Từ các phân tích dinh dưỡng, có thể thấy khi ăn chuối chín mềm thì nồng độ đường huyết của cơ thể sẽ tăng nhanh. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân mắc tiểu đường nên chọn mua loại chuối chưa chín hẳn hoặc dùng chuối xanh.

Chuối xanh được coi là nguồn cung cấp chất kháng tinh bột dồi dào, dưỡng chất này có vai trò như chất xơ, giúp lên men các vi khuẩn ở ruột già, thúc đẩy tiêu hóa. Bên cạnh đó, kháng tinh bột còn tăng độ nhạy của insulin để kiểm soát đường huyết ổn định, nhất là ở nhóm người người mắc tiểu đường tuýp 2

Xem thêm: Nếu không thích chuối chín, đây là lý do để bạn ăn chuối xanh mỗi ngày

3.2 Hạn chế uống sinh tố chuối

Người mắc tiểu đường sẽ phải chịu “thiệt thòi” vì cần hạn chế uống sinh tố chuối – thức uống vốn có hương vị thơm ngon và hấp dẫn. Tốt nhất nên ăn chuối trực tiếp, tránh dùng chuối khi đã được pha chế với đường, sữa hay các chất tạo ngọt khác. 

bi-tieu-duong-co-duoc-an-chuoi-khong-5-luu-y-an-dung-cach-voh-1
Người bệnh tiểu đường nên hạn chế tối đa dùng sinh tố chuối hay các thức uống pha chế chuối cùng sữa, mật ong (Nguồn: Internet) 

3.3 Chia nhỏ khẩu phần ăn

Để đường huyết không tăng đột ngột, bạn không nên nhiều chuối cùng một lúc, mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng ½ quả tới 1 quả (có thể linh hoạt tùy theo kích thước của trái). 

3.4 Ăn chuối cách bữa ăn chính

Thời điểm thích hợp nhất để ăn chuối là sau bữa ăn chính khoảng 30 – 45 phút. Ngoài ra nên ăn vào khoảng thời gian trước 5 giờ chiều khi hoạt động chuyển hóa chất của cơ thể diễn ra tốt nhất. 

3.5 Cắt giảm nhóm đồ ngọt khác 

Nếu đã thêm chuối trong khẩu phẩn ăn thì bạn nên chú ý cắt giảm các nhóm đồ ngọt khác, tuyệt đối không kết hợp ăn chuối với bánh kẹo. 

Như vậy chuối không phải là thức quả mà người mắc bệnh tiểu đường phải “quay mặt làm ngơ”, chỉ cần áp dụng cách ăn khoa học thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả. 

Bình luận