Người bệnh tiểu đường ăn mít được không?

(VOH) – Người bị bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống nghiêm ngặt, giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều đường để giữ mức đường huyết ổn định. Vậy với mít, người bị tiểu đường ăn mít được không?

1. Hàm lượng dinh dưỡng trong mít

Mít là loại trái cây độc đáo có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ, sau đó phổ biến ra khắp thế giới. Thịt quả mít thường ngọt, có kết cấu tương tự thịt vụn và rất giàu các dưỡng chất tốt cho sức khỏe như: chất xơ, carbs, chất béo, protein, vitamin B6, vitamin C… nên nó thường được sử dụng như một loại thịt thay thế cho những người ăn chay hoặc thuần chay.

Những dưỡng chất và vitamin trong mít có vai trò sản xuất năng lượng, tăng cường khả năng miễn dịch, giúp ngăn ngừa chứng viêm mãn tính.

Về mặt chất dinh dưỡng đa lượng thì mít bao gồm chủ yếu là carbs. Những loại carbs này có khả năng làm tăng lượng đường huyết trong máu. Tuy nhiên các chất dinh dưỡng và hợp chất khác trong mít lại có tác động tích cực đến lượng đường trong cơ thể.

Do đó, những người bị tiểu đường luôn thắc mắc liệu rằng mít có phải là một lựa chọn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường hay không.

2. Bị bệnh tiểu đường ăn mít được không?

Mặc dù mít là loại trái cây có chứa đường tự nhiên nhưng mít cũng chứa các thành phần có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn, đó là:

2.1 Chỉ số đường huyết

Mít có chỉ số đường huyết trung bình (GI), khoảng 50-60 trên thang điểm 100. Chỉ số GI là phép đo mức độ của một loại thực phẩm có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Ví dụ, glucose - hay đường tinh khiết - có GI là 100 và nó cũng là nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu nhanh nhất.

Vì thế nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bạn có thể ăn mít với lượng vừa phải và ăn một cách điều độ.

nguoi-benh-tieu-duong-an-mit-duoc-khong-voh-0
Mít là loại trái cây có chỉ số đường huyết thực phẩm ở mức trung bình (Nguồn: Internet)

2.2 Giàu protein và chất xơ

Hàm lượng protein và chất xơ trong quả mít đều góp phần làm giảm chỉ số GI của quả mít. Đồng thời, chất xơ có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá nhanh, từ đó giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết tốt hơn.

2.3 Nhiều chất chống oxy hóa

Mít là một trong những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa flavonoid, đây là hợp chất có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về lâu dài, cũng như giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

3. Người bị tiểu đường ăn mít thế nào là an toàn?

Mít chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, do có chứa nhiều carbohydrate nên bạn sẽ không thể ăn mít một cách tùy ý như người bình thường, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

nguoi-benh-tieu-duong-an-mit-duoc-khong-voh-1
Người bị tiểu đường chỉ nên ăn mít trong giới hạn cho phép (Nguồn: Internet)

Theo đó người mắc bệnh tiểu đường nên ăn mít theo các cách sau để không làm tăng đường huyết:

  • Ăn mít non sấy khô: Bạn có thể ăn khoảng 30gr mít non (đã sấy khô) trong ngày, thay thế cho 1 chén cơm (250gr).
  • Không nên ăn mít chín và những loại trái cây chín khác vì khi chín lượng đường trong mít sẽ rất cao nên người mắc bệnh tiểu đường cần phải hạn chế ăn mít chín để lượng đường trong máu không bị ảnh hưởng. 
  • Nếu đang sử dụng thuốc giúp kiểm soát đường huyết, hãy trao đổi với bác sĩ khi muốn thêm mít vào chế độ ăn uống hàng ngày.

4. Ăn mít sống có tốt cho người bị tiểu đường?

Không giống như mít chín, mít sống có lượng đường huyết thấp hơn có thể giúp bạn cân bằng lượng đường trong máu tốt hơn. Mít sống có mức độ axit thấp nên nó được xếp vào những những loại trái cây có thể được tiêu thụ để thay thế cho lượng carbohydrate thường xuyên của bạn .

Vì vậy, nếu bạn thay thế một bát cơm trắng nấu chín bằng các chế phẩm từ mít sống, hàm lượng chất xơ hòa tan cao trong mít sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường hoặc thậm chí giảm nguy cơ phát triển tình trạng bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng và đậu tây để thay thế mít chín trong chế độ ăn người bệnh tiểu đường, bởi những thực phẩm này thường có chỉ số GI từ 20 – 30. Chúng cũng chứa chất xơ và protein nhiều hơn mít.

Như vậy, mít là loại trái cây độc đáo, hấp dẫn có thể thêm vào chế độ ăn của người bệnh tiểu đường ở mức độ hợp lý. Mặc dù mít có chứa đường tự nhiên, nhưng nó cũng chứa nhiều chất xơ, protein, chất chống oxy và chỉ số GI trung bình, nên sẽ có thể giúp kiểm soát được lượng đường huyết trong máu lâu dài.

Bình luận